Mặc dù, nhiều lần họ đề nghị chính quyền địa phương dẹp bỏ lò than này nhưng lò vẫn ngang nhiên hoạt động.
Sống chung với khói than
Đi vào hoạt động từ năm 2010, đến nay gia đình anh Ánh có 5 lò đốt than. Các lò này thay phiên nhau hoạt động cả ngày lẫn đêm với công suất khoảng 25 tấn than/tháng, thường xuyên nhả khói, mùi khét ra bên ngoài, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân trong khu vực.
“Lò than hoạt động cả ngày lẫn đêm với lượng củi đốt lớn gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và sinh hoạt của người dân xóm Cả, đặc biệt là các hộ lân cận lò đốt. Dân khổ lắm, phản ánh suốt nhưng vẫn chưa được giải quyết. Rất nhiều người dân trong xóm, nhất là các cụ già, trẻ con hay bị ốm, ho liên tục.
Không chỉ con người bị ảnh hưởng mà cả cây trồng, vật nuôi cũng chịu ảnh hưởng bởi lò than này. Người dân rất hoang mang, lo lắng vì bệnh tật và sự ô nhiễm môi trường mà lò than này gây ra. Đến rau màu trồng gần đấy cũng bị đắng lắm, không ăn được. Cây cối xung quanh cũng bị ảnh hưởng nhiều, năng suất kém” - một người dân sống gần lò đốt than cho biết.
Dạo quanh những lò than đang hoạt động, phóng viên nhận thấy tất cả lò than của gia đình anh Ánh đều được xây dựng thủ công, sơ sài, trên mái chỉ dùng bạt che chắn tạm bợ. Trong quá trình sản xuất, một lượng khói đen rất lớn bốc lên nghi ngút và lan tỏa ra các hộ dân đang sinh sống bên cạnh.
Tuy nhiên, anh Nguyễn Văn Ánh – chủ các lò than này - lại một mực khẳng định là khói than này không hề độc hại và không ảnh hưởng gì đến môi trường xung quanh. “Người dân bảo là đốt than Quảng Ninh và dùng hóa chất nhưng không phải, đây tôi chỉ đốt củi lấy than, không có ảnh hưởng gì đến môi trường cả. Trước làm ngói, độc hại nên gia đình tôi cũng không làm nữa, chuyển sang làm cái nghề này” – anh Ánh nói.
Được biết, đây là lò than củi tự phát nên đã nhiều lần người dân đề nghị chính quyền sớm dẹp bỏ hoặc chuyển lò ra xa khu vực dân cư để khỏi ảnh hưởng đến môi trường cũng như sức khỏe người dân. Tuy nhiên, không hiểu sao cho đến nay lò than này vẫn ngang nhiên tồn tại.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quang Hùng – Trưởng thôn xóm Cả - cho biết: “Đại diện cho bên xóm, chúng tôi phản đối kịch liệt. Nhà nước cho dân phát triển kinh tế phải làm quy mô chứ làm thủ công như thế này gây ô nhiễm không khí, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Mỗi khi lò than hoạt động là khói độc hại tràn vào khu dân cư xóm Cả. Người già, trẻ nhỏ ốm suốt ngày, chỉ ho với viêm phổi”.
Chính quyền “bó tay”?
Ông Hùng cũng cho biết: “Trong cuộc họp cử tri cuối năm 2015, người dân xóm Cả đã phản ánh về thực trạng này. Nhưng không biết xã hay như thế nào mà đến phần trả lời hội đồng thì lại cắt bỏ phần tiếp xúc cử tri của người dân xóm Cả. Khi gửi giấy của bên hội đồng tổng kết về cho chúng tôi cũng không có phần kiến nghị về vấn đề khói lò than ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân. Đến nay, xã vẫn chưa có phản hồi gì về vấn đề này”.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Trọng Trận – Chủ tịch UBND xã Tốt Động lại khẳng định là UBND xã chưa nhận được phản ánh của người dân về vấn đề trên. Ông Trận cho biết: “Hiện tại, UBND xã Tốt Động cũng chưa nhận được phản hồi nào của nhân dân về việc ảnh hưởng của lò than đến môi trường. Cách đấy mấy hôm, dân phản ánh người ta xếp củi chưa đun làm chật đường giao thông thì chúng tôi lên lập biên bản yêu cầu người ta dọn. Cả Trưởng xóm ở đấy cũng chưa có ý kiến. Nếu nhận được thì xã sẽ báo cáo huyện để nhận chỉ đạo hướng dẫn của huyện”(?!).
Được biết, tại Quyết định số 174/QĐ-XPVPHC ngày 27/7/2015 của UBND xã Tốt Động về việc “xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai” đối với hộ anh Nguyễn Văn Ánh có nội dung: “Sử dụng đất không đúng mục đích (đất nuôi trồng thủy sản thuộc quỹ đất công ích do UBND xã quản lý). Xây dựng công trình diện tích 25m2 đã vi phạm vào khoản 2 điểm a Điều 8 Nghị định 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Yêu cầu hộ anh Nguyễn Văn Ánh phải tháo dỡ toàn bộ phần diện tích xây dựng công trình vi phạm trên đất công để trả lại hiện trạng như đất ban đầu”. Nhưng đến nay, công trình vi phạm của anh Ánh vẫn tồn tại và hoạt động bình thường.
Trong khi đó, ông Trận lại cho rằng, trên phương diện là UBND xã cấm, nhưng người ta làm từ ngày trước, bây giờ phá thì rất khó, giờ chỉ lập biên bản yêu cầu họ đốt như thế nào để không ảnh hưởng đến môi trường. “Chứ thực tế chúng tôi cũng chưa được xem hướng dẫn quy định về việc đốt than thì phải đốt như thế nào. Hiện chưa có biện pháp để xử lý, dỡ đi thì không phải thẩm quyền của xã. Trước chúng tôi đã cho máy xúc đến nơi rồi nhưng cả gia đình đứng dang tay ở đó nên UBND xã không cưỡng chế được” – ông Trận cho biết.
Lò đốt than vẫn đang ngày ngày nhả khói, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân, còn chính quyền xã thì dường như bất lực. Đề nghị các cơ quan chức năng huyện Chương Mỹ vào cuộc, sớm kiểm tra, có biện pháp xử lý dứt điểm vấn đề trên nhằm bảo đảm môi trường sống của người dân và giữ nghiêm kỷ cương pháp luật.