Chuyên gia chỉ dẫn mẹo tiết kiệm điện mùa nắng nóng

(PLO) - Thời tiết nắng nóng gay gắt trong những ngày đầu tháng 7 ở Bắc Bộ và Trung Bộ khiến cho mức độ tiêu thụ điện của miền Bắc vào ngày 3/7 đạt đỉnh mới. Cụ thể, công suất phụ tải đỉnh hệ thống điện đạt 17.063 MW, sản lượng tiêu thụ cũng lên tới gần 358,6 triệu kWh. Việc tiêu thụ điện tăng cao đồng nghĩa với việc hóa đơn tiền điện của nhiều hộ gia đình tăng. 
Ông Nguyễn Việt Dũng
Ông Nguyễn Việt Dũng

Theo PGS.TS. Nguyễn Việt Dũng, Viện trưởng Viện Khoa học và công nghệ nhiệt lạnh, có nhiều cách để có thể tiết kiệm điện.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các nguyên nhân khiến điện tiêu thụ, cũng như hóa đơn tiền điện tăng cao là do vào mùa nóng các thiết bị điều hòa, quạt và làm mát được sử dụng nhiều hơn. Đây cũng là giai đoạn học sinh đang nghỉ hè, do đó việc sử dụng các thiết bị điện tổng trong gia đình cũng tăng. World Cup đang diễn ra rất sôi động, nên các thiết bị điện sử dụng cho thương mại, nhà hàng, quán xá cũng tăng lên... 

Tất cả những điều đó dẫn đến phụ tải đỉnh của toàn hệ thống tăng rất cao, hơn 10% so với năm 2016. Đây là con số rất lớn. 

- Bên cạnh những nguyên nhân đó, dưới góc độ chuyên gia trong ngành, theo phân tích của ông, còn những lý do nào khác nữa khiến điện tiêu thụ tăng cao?

Ông Nguyễn Việt Dũng: Nguyên nhân chủ yếu ở đây là do tăng điện tiêu dùng. Tất nhiên còn một nguyên nhân nữa là do hệ thống của chúng ta đang phải chạy ở tải đỉnh. Sẽ có những trường hợp xảy ra sự cố về quá tải, như vậy cũng dẫn đến những hao tổn về điện. 

- Tiêu thụ điện của dân sinh tăng cao, từ đó dẫn đến hóa đơn tiền điện cũng tăng đột biến, nhiều gia đình tăng tới hơn 200%. Ông có thể phân tích rõ hơn về cách tính giá điện và tại sao lại có sự tăng đột biến như vậy?

Ông Nguyễn Việt Dũng: Qua các nghiên cứu do chúng tôi thực hiện và các nghiên cứu của nhiều đối tác, điện năng tiêu thụ dành cho điều hòa dùng ở trong mùa hè dao động từ 28-64% so với tổng số điện năng tiêu thụ trong hộ gia đình. Chúng ta lấy trung bình là 40%.

Giả sử, một hộ gia đình vào các tháng trước ngày nóng chỉ dùng 300 số điện, thì đến ngày nóng sẽ dùng 500 số điện. Với 300 số điện, theo cách tính bậc thang của Bộ Công Thương quy định vào cuối năm 2017 sẽ tương đương khoảng 580.000 đồng. Nhưng nếu chúng ta dùng điều hòa tăng thêm 40%, tức là khoảng 500 số điện,  thì số tiền sẽ lên đến gần 1,2 triệu đồng. Tức là gần tăng gấp đôi. 

Đây là ví dụ với 200 số điện tăng thêm tương ứng với 1 điều hòa 12000 BTU và chạy khoảng 10 giờ trong những ngày nắng nóng này. Còn những gia đình có vài chiếc điều hòa và thời gian bật máy nhiều hơn, thì việc tiêu thụ điện tăng thêm 100% hay 200% là hoàn toàn có thể. 

- Đa phần người dân đều nghĩ mùa hè lượng điện tiêu thụ tăng đột biến là do sử dụng điều hòa. Ông có thể giải thích rõ hơn mức độ “ngốn điện” của thiết bị này được không? 

Ông Nguyễn Việt Dũng: Điều hòa là thiết bị sử dụng điện để thực hiện một việc ngược lại với tự nhiên. Tức là nó lấy nhiệt ở các không gian trong nhà của chúng ta, sau đó thải ra ngoài trời. Để làm được việc đó thì cần một lượng năng lượng rất lớn. 

Thông thường, một máy điều hòa 12000 BTU loại dán nhãn 5 sao của Bộ Công Thương mỗi giờ sẽ tiêu thụ khoảng 1 số điện. Nếu chạy liên tục trong 10 giờ, tính theo hệ số phụ tải khoảng 0,6 thì sẽ tiêu thụ 6-8 số điện. Tính trong 1 tháng, thì số tiền dùng cho điều hòa sẽ là rất lớn. Do đó, các hộ gia đình nên sử dụng điều hòa một cách hiệu quả và tiết kiệm. 

- Thưa ông, có phải nhiệt độ ngoài trời càng cao thì điều hòa chạy càng tốn điện hơn? Chúng ta có nên chuyển sang sử dụng loại điều hòa tiết kiệm điện không, vì có ý kiến cho rằng loại điều hòa tiết kiệm điện chỉ hiệu quả khi bật trong một thời gian đủ dài và cũng không thể tiết kiệm đến 60% như quảng cáo?

Ông Nguyễn Việt Dũng: Theo nguyên lý hoạt động của điều hòa, nếu như nhiệt độ ngoài trời tăng thêm 1 độ C thì điện năng tiêu thụ dành cho điều hòa sẽ tăng thêm từ 1,5-3% tùy vào các loại máy và tùy vào cách chúng ta sử dụng. Tương tự như vậy, nếu nhiệt độ trong phòng chúng ta hạ thấp xuống, 25 độ C thay vì 26 độ C, thì điện năng tiêu thụ cũng tăng thêm khoảng 1,5-2,5%. 

Do đó, muốn tiết kiệm điện, chúng ta phải sử dụng điều hòa hợp lý, làm sao nhiệt độ cài đặt trong buồng phù hợp với nhiệt độ ngoài trời. Với những hôm nắng nóng như hôm nay thì nhiệt độ cài đặt chỉ nên từ 26-28 độ C là hợp lý. 

Có rất nhiều người quan niệm, nhiệt độ trong phòng cài đặt càng thấp thì lạnh nhanh, nhưng thực tế không phải như thế. Chênh lệch nhiệt độ phòng và nhiệt độ ngoài trời chỉ nên từ 10-12 độ C. Như thế, vừa tạo sự đồng đều của nhiệt độ vừa bảo đảm sức khỏe. 

Nếu muốn mát hơn, nên dùng thêm quạt tạo gió và nếu sử dụng kết hợp như vậy sẽ tiết kiệm khoảng 2-3% điện năng so với chúng ta sử dụng điều hòa cài đặt ở nhiệt độ 22-24 độ C. 

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại điều hòa tiết kiệm điện. Tiết kiệm điện ở đây là theo 4 nguyên lý: Động cơ điện hiệu suất phải cao; giàn trao đổi nhiệt, tức là giàn lạnh trong nhà và giàn nóng ở ngoài nhà, hiệu suất trao đổi nhiệt cũng phải tốt; khả năng tăng giảm tải tùy theo nhu cầu cần lạnh nhiều hay lạnh ít; gas lạnh sử dụng trong máy cũng phải là loại gas lạnh thân thiện môi trường và hiệu quả cao. Đủ 4 yếu tố đó mới gọi là điều hòa tiết kiệm năng lượng. 

- Ông có thể giải thích thêm, vì sao các thiết bị điện cũ thường “tốn” điện hơn so với thiết bị mới? Nên thay mới các thiết bị điện sau bao nhiêu năm sử dụng để không tốn điện và cũng để bảo đảm an toàn khi sử dụng?

Ông Nguyễn Việt Dũng: Tất cả các thiết bị điện sau khi sử dụng thì đặc tính kỹ thuật đều lệch khỏi đặc tính thiết kế, do đó, hiệu quả tổng hợp của thiết bị sẽ bị giảm sút. 

Ví dụ như điều hòa, sau một thời gian sử dụng, thì cả giàn nóng và giàn lạnh sẽ bị bẩn; các lá tản nhiệt bị mềm; gas lạnh và dầu máy bị bẩn, phần cơ khí bị mài mòn. Do vậy, hiệu suất năng lượng điều hòa không khí sẽ giảm đi, có khi lên đến 10-15% so với ban đầu mới mua về. Các thiết bị điện khác cũng tương tự như vậy. 

Khi sử dụng các thiết bị điện, muốn tiết kiệm và an toàn, chúng ta phải tuân thủ đúng hướng dẫn của nhà sản xuất. Tức là phải bảo trì, bảo dưỡng đúng lúc và thời hạn sử dụng. 

Ví dụ, về điều hòa không khí, thời hạn sử dụng có thể từ 7-15 năm tùy theo nhà sản xuất cũng như tùy theo cách chúng ta dùng. Nếu dùng nhiều thì thời gian sử dụng sẽ ngắn lại, nếu dùng ít, một ngày từ khoảng 5-10 giờ thì thời gian sử dụng có thể lên đến 15 năm với điều kiện lắp đặt vào bảo trì đúng lúc, hợp lý.

- Ông vừa nói thời hạn sử dụng điều hòa có thể lên đến 15 năm với điều kiện bảo trì và lắp đặt hợp lý, vậy, thế nào là lắp đặt và bảo trì hợp lý?

Ông Nguyễn Việt Dũng: Với việc bảo trì, sau mỗi mùa máy chạy, chúng ta nên rửa sạch các giàn lạnh, giàn nóng. Nếu có điều kiện thì bọc lại để tránh bụi và ngắt các thiết bị khỏi aptomat. Trước khi đưa máy vào sử dụng lại, tốt nhất là rửa sạch giàn nóng, giàn lạnh, kiểm tra xem máy hoạt động có bình thường không, có phải nạp gas thêm hay không...

- Giữa việc bật điều hòa 29-30 độ C kèm quạt và chỉ bật điều hòa 26-27 độ C, cách nào giúp tiết kiệm điện hơn, thưa ông? Quạt, thiết bị cắm vào ổ điện, nhưng không sử dụng có gây hao điện và làm số điện nhảy lên hay không?

Ông Nguyễn Quốc Dũng: Với những ngày nóng như hôm nay thì để 28-29 độ C là hợp lý. Nhưng với những ngày có nhiệt độ ngoài trời từ 35 độ C trở lại, chúng nên để thấp xuống khoảng 26-27 độ C, thì điều hoà mới hoạt động, sản sinh ra năng suất lạnh. 

Nếu bật điều hòa ở nhiệt độ đó kết hợp với quạt cây thì rõ ràng tiết kiệm điện hơn là đặt nhiệt độ 23-24 độ C, có thể tiết kiệm điện khoảng 2-3%.

Đối với các thiết bị điện có điều khiển điện tử như quạt, điều hoà, tivi… khi tắt bằng điều khiển thì tất cả thiết bị đó đang ở chế độ chờ. Với chế độ chờ thì vẫn cần một lượng điện để nuôi cho phần bản mạch điện tử, cũng như phần điều khiển, vì thế, gây tiêu tốn năng lượng. 

Với điều hoà, nếu chúng ta không cắt aptomat sẽ tiêu tốn 8-20 W/h,  bằng 1 bóng đèn. Tính cả năm, con số này không hề nhỏ. Wifi, laptop và rất nhiều thiết bị khác cũng như vậy. Do đó nếu không dùng các thiết bị điện trong thời gian lâu, nên tắt hẳn nguồn điện, tắt cầu giao.

- Ông có thể chia sẻ thêm một vài kinh nghiệm dùng điện tiết kiệm của các nước trên thế giới được không?

Ông Nguyễn Việt Dũng: Công suất lạnh định mức của điều hòa dùng cho các nước nhiệt đới như Việt Nam được thiết kế ở điều kiện T1, tương đương với nhiệt độ ngoài trời là 35 độ C, nhiệt độ trong nhà là 27 độ C và độ ẩm trong nhà khoảng 50%. Tức là nhiệt độ trong nhà quốc tế đề xuất là 27 độ C. 

Tôi được biết, ở Nhật Bản, người ta thường cài đặt nhiệt độ trong phòng là 27 độ C ± 1.  Họ đề nghị nhân viên mùa hè không mặc comple, không đeo cavart để không chạy điều hòa ở nhiệt độ lạnh sâu.

Còn ở các nước châu Âu, thời tiết lạnh, nên người ta rất chú trọng đến vật liệu xây dựng sao cho khi vận hành sẽ tiết kiệm điện năng. Tường nhà phải có khả năng cách nhiệt là vấn đề bắt buộc, để mùa đông thì ấm, mùa hè thì giảm được nhiệt vào nhà thông qua lớp tường. 

Điều đáng mừng là ở Việt Nam, Quy chuẩn xây dựng 09: 2017 của Bộ Xây dựng đã đề cập tới lớp vỏ (tường bao che) của công trình, theo hướng tiến tới phải có lớp cách nhiệt. Nếu lớp cách nhiệt của tường tốt, thông gió hợp lý có thể làm giảm điện năng tiêu thụ của điều hòa từ 15-30%.

-Diễn biến thời tiết còn tiếp tục nắng nóng trong mùa hè này, ông có đưa ra khuyến nghị gì cho người dân?

Ông Nguyễn Việt Dũng: Thứ nhất, phải sử dụng điện hiệu quả và tiết kiệm. Đặc biệt, trong những ngày hè nóng nực thì điều hoà và quạt máy là hai thiết bị tiêu tốn điện nhất. Người sử dụng nên dùng hết sức tiết kiệm. 

Thứ hai, vào giờ cao điểm, từ 6-22h, những thiết bị không cần dùng đến thì nên cắt điện, để giảm tải đỉnh cho ngành điện. 

Nếu chúng ta cứ dùng điện như hiện nay, với con số EVN vừa cung cấp, hệ thống điện hoàn toàn có thể xảy ra sự cố, dẫn đến có thể có những vùng mất điện. 

Giảm áp lực cho ngành điện tăng trưởng cũng là điều mà tôi nghĩ nên làm, vì trách nhiệm để có nền năng lượng phát triển bền vững. Tôi muốn nhấn mạnh, nếu dùng quá nhiều năng lượng sẽ dẫn đến ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu. Chúng ta tiết kiệm điện không chỉ vì túi tiền của chúng ta, mà vì tương lai con cháu chúng ta.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Đọc thêm