Chuyên gia pháp lý đánh giá vụ 'bán đất không bán nhà': 'Dấu hiệu cấp sơ thẩm nóng vội, chưa làm rõ bản chất vụ án'

(PLVN) - Dự kiến hôm nay (20/4), TAND tỉnh Nghệ An sẽ mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án hình sự đối với cha con bị cáo Nguyễn Cảnh Tâm (SN 1972) và Nguyễn Cảnh Thực (SN 1994, ngụ khối 10, phường Quỳnh Xuân, TX Hoàng Mai). Tuy nhiên, TAND Nghệ An đã quyết định hoãn xử vụ án.
Hiện trường khu đất (Hình: giadinh.net.vn)
Hiện trường khu đất (Hình: giadinh.net.vn)

“Chưa làm rõ bán đất có bán nhà không thì sao kết tội được?”

Trước đó, như PLVN đã phản ánh, vụ án gây tranh cãi với bị cáo là cha con ông Tâm, người “bị hại” là vợ chồng bà Nguyễn Thị Hựu (SN 1977, ngụ khối 12, phường Quỳnh Xuân). 

Hồ sơ vụ án cho thấy: Bà Hựu bán đất cho ông Tâm, có sự xác nhận của chính quyền địa phương, trên đất có một căn nhà nhưng không ghi trên giấy. Nhiều năm sau, khi phát hiện bà Hựu chuyển đồ vào ở nhà trên mảnh đất đã chuyển nhượng cho mình, ông Tâm đã làm đơn gửi chính quyền yêu cầu dọn đi nhưng bà Hựu không đồng ý.

Ông Tâm sau đó phá dỡ căn nhà để định làm việc khác, có thông báo cho chính quyền và công an. Khi chuyển đồ đạc bà Hựu đi, ông Tâm có làm thủ tục bàn giao tài sản cho công an phường nhưng không được tiếp nhận nên phải gửi nhờ hàng xóm. 

Sau đó công an khởi tố, bắt tạm giam cả 2 cha con về 2 tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản” và “Hủy hoại tài sản”. Tòa sơ thẩm tuyên 2 cha con có tội, buộc bồi thường cho bà Hựu.

Sau khi vụ án được PLVN phản ánh, nhiều chuyên gia pháp lý, luật sư cùng có những tranh luận sôi nổi.

LS Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn LS TP HCM) đánh giá: “Trong vụ án này và bản án được tuyên có nhiều vấn đề chưa được làm rõ”.

Theo LS Hiệp, về mặt tội danh, theo lý, chuyện bán đất mà không bán nhà là có thể xảy ra. Vì Luật Nhà ở và Luật Đất đai là hai Luật riêng biệt. Ngoài ra, nhà ở và đất có thể được công nhận là hai quyền tách riêng. 

Đặt trường hợp có chuyện “bán đất mà không bán nhà”, nếu ông Tâm đập phá nhà này trước thời điểm xảy ra tranh chấp (trước thời điểm bà Hựu dọn vào ở) thì là một tranh chấp dân sự. Bởi vì ông Tâm có nhu cầu sử dụng đất nhưng vướng căn nhà của bà Hựu. 

Nếu bà Hựu phát hiện nhà bị ông Tâm phá thì có thể yêu cầu bồi thường bằng một tranh chấp dân sự. 

Việc ông Tâm phá nhà sau khi bà Hựu vào ở thì có dấu hiệu phạm tội, bà Hựu có quyền tố cáo. Nếu bà Hựu vào ở, ông Tâm phải khởi kiện yêu cầu bà Hựu rời nhà thì lúc đó sẽ hợp tình, hợp lý.

“Tuy nhiên, việc khởi tố, truy tố và xét xử ông Tâm của cơ quan tố tụng TX Hoàng Mai là rất nóng vội, chưa làm rõ bản chất vụ án và có dấu hiệu oan sai. Trong vụ này, ông Tâm nói bà Hựu bán đất, bán luôn nhà và đã bàn giao cho ông từ năm 2010; bà Hựu nói không phải. Để khởi tố, truy tố và xét xử ông Tâm, cơ quan tố tụng cần làm rõ căn nhà của ai? Nếu không làm rõ được căn nhà của ai thì sẽ dễ xảy ra oan sai. Việc chứng minh căn nhà của ai thuộc về cơ quan tố tụng chứ không phải trách nhiệm của ông Tâm”, LS Hiệp nói.

“Trường hợp “bán đất và bán luôn nhà” thì việc ông Tâm bị buộc tội “Hủy hoại tài sản” là oan sai. Nhưng như tôi đã nói, đến nay chưa làm rõ bán đất có bán nhà hay không thì làm sao kết tội ông Tâm được? Việc bán đất có bán nhà hay không thì không chỉ dựa vào quy định pháp luật, vào hợp đồng mua bán mà còn dựa vào thông lệ, suy nghĩ, ý chí của người bán, người mua”, theo LS Hiệp.

Chuyên gia pháp lý cho rằng có dấu hiệu ông Tâm bị án oan
Chuyên gia pháp lý cho rằng có dấu hiệu ông Tâm bị án oan 

Dấu hiệu bỏ lọt tội phạm với “bị hại”

Vẫn lời LS Hiệp: “Nếu nói bà Hựu chuyển nhượng mà chồng bà không đồng ý thì đó là một vụ án dân sự, không phải hình sự. Việc hình sự hóa quan hệ dân sự là oan sai rõ ràng”.

Còn một vấn đề khác về định giá căn nhà, LS Hiệp nói: “Căn cứ Thông tư 03/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng, quy định về phân cấp công trình xây dựng thì nhà cấp 4 có niên hạn sử dụng dưới 20 năm. Căn nhà của bà Hựu xây dựng từ năm 2003, đến năm 2018 là 15 năm, là mất 75% thời hạn sử dụng. Nhưng cơ quan chức năng địa phương định giá lại định giá tới hơn 100 triệu. Định giá này có vấn đề”.

Chưa hết: “Cơ quan tố tụng không nêu hành vi của bà Hựu là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Giả sử ông Tâm đập phá căn nhà, bà Hựu có quyền tố cáo. Nhưng bà Hựu không được phép vào ở. Vì đất đó thuộc quyền sử dụng của ông Tâm. Bà Hựu vẫn ở là có dấu hiệu của tội “Chiếm dụng tài sản trái phép”. Hành vi này phải được điều tra, không thể bỏ qua. Như vậy thì mới công bằng với hai bên”, LS Hiệp nói.

Còn LS Trần Văn Đạt (Đoàn LS tỉnh Bình Thuận) nói: “Trong bản án, bà Hựu không nói bán đất có bán nhà hay không? Dường như bà đang để cho cơ quan tố tụng tự lý giải chuyện này”. 

Theo LS Đạt, để trả lời việc bán đất có bán nhà hay không, cần xem xét như sau: Thứ nhất, thông lệ, thói quen của đa số người dân là bán đất thì bán luôn nhà, phần lộ giới thì giao cho chủ nhà. 

Thứ hai, phần đất lộ giới không được phép bán nhưng người chủ mới sẽ có một số quyền sử dụng. 

Thứ ba, căn nhà cấp 4 là một tài sản gắn liền với đất, không thể di dời, do đó, thời điểm mua bán, ý chí chủ quan của người viết hợp đồng, người làm chứng, người mua và người bán là bán tất cả những gì trên đất. Trừ những vật dụng có thể chuyển đi thì họ mới thỏa thuận bằng miệng hoặc ghi vào hợp đồng. Ví dụ những cây cối có giá trị, giường, tủ, bàn ghế… 

Thứ tư, căn cứ vào hợp đồng mua bán thì ngày 28/3/2010 và ngày bàn giao mặt bằng là 30/3/2010 là một khoảng thời gian rất ngắn. 

Thứ năm, căn nhà đã được bàn giao từ sau khi mua bán, cách thời điểm ông Tâm đập phá 9 năm trước. 

“Như vậy, có đủ cơ sở để khẳng định ý chí là mua bán cả đất và nhà, không có chuyện “bán đất mà không bán nhà”. Tôi cho rằng vụ án này dấu hiệu oan sai rất rõ ràng đối với tội “Hủy họai tài sản” là căn nhà. Còn đối với những tài sản mà hai cha con ông Tâm bị cáo buộc là “Cố ý làm hư hỏng” một số vật dụng, cần phải làm rõ tài sản nào là của bà Hựu, phần nào thuộc về căn nhà đã bán thì mới kết tội được cha con ông Tâm”, LS Đạt nói.

Cả hai luật sư đều cho rằng tòa phúc thẩm cần phải hủy án sơ thẩm để điều tra lại cho rõ ràng, công minh, đúng pháp luật. 

Đọc thêm