Chuyên gia pháp lý nói gì về vụ siêu xe Ferrari biển "ngoại giao" va chạm giao thông làm 1 người tử vong?

(PLVN) - Liên quan đến vụ chiếc siêu xe Ferrari mang biển ngoại giao va chạm với xe máy làm tử vong 1 người, theo luật sư Đặng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) cho biết, hiện nay cơ quan chức năng đang vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ bên nào có lỗi để xác định trách nhiệm pháp lý.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (đoàn luật sư TP Hà Nội)

Theo luật sư Đặng Văn Cường, trong vụ việc một vấn đề được nhiều người quan tâm, đó là chiếc siêu xe gây tai nạn mang biển số ngoại giao, vậy sẽ xử lý thế nào?Về việc này, cơ quan chức năng sẽ làm rõ biển số trên là biển thật hay biển giả, người điều khiển phương tiện có phải là người của cơ quan ngoại giao đang thực hiện nhiệm vụ hay không.

Luật sư Cường cho biết, trong trường hợp biển số xe là biển thật của cơ quan ngoại giao nhưng người điều khiển phương tiện lại là công dân Việt Nam, không phải là đang thực hiện nhiệm vụ ngoại giao, hoàn toàn không được miễn trừ.

Việc có tạm giữ phương tiện hay không, cơ quan chức năng sẽ xem xét làm rõ pháp lý của chiếc xe, làm rõ chủ xe. Tuy nhiên, trước tiên có thể tạm giữ để xác định thiệt hại, thu giữ dấu vết trên chiếc xe làm căn cứ giải quyết vụ việc.

Như vậy, trường hợp xác định chiếc xe là của cơ quan ngoại giao, có thể sẽ trả lại chiếc xe cho chủ sở hữu còn người gây tai nạn có lỗi vẫn phải chịu trách nhiệm pháp lý và bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.

Ở một khía cạnh khác như có thông tin cho rằng, người điều khiển chiếc siêu xe ngay sau khi gây tai nạn đã rời khỏi hiện trường mà không cứu giúp nạn nhân, đây có phải là tình tiết tăng nặng nếu tài xế chiếc xe này có lỗi trong vụ tai nạn?

Ông Cường cho biết, pháp luật Việt Nam quy định, người nào thấy người khác đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, có điều kiện cứu giúp nhưng không cứu giúp dẫn đến nạn nhân tử vong, người không cứu giúp người khác có thể bị xử lý hình sự về tội "Không cứu giúp người khác đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng".

Trường hợp người không cứu giúp chính là người gây ra nguy hiểm cho nạn nhân, đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Đối với các vụ việc TNGT, người gây tai nạn có trách nhiệm phải cứu giúp người bị nạn. Nếu người gây tai nạn sau đó bị người dân đuổi đánh, có thể tránh mặt để đảm bảo an toàn đến tính mạng, sức khỏe của bản thân hoặc sau khi gây tai nạn tâm lý không ổn định, hoang mang, lo lắng nên chưa kịp trình diện với cơ quan chức năng nhưng có thông tin với cơ quan chức năng, nhận trách nhiệm về vụ việc, để lại xe trên hiện trường sẽ không được coi là bỏ trốn nhằm trốn tránh trách nhiệm.

Tuy nhiên, Luật sư Cường nhấn mạnh, trong một số trường hợp người gây tai nạn có nồng độ cồn hoặc có chất kích thích mà không trình diện với cơ quan chức năng, cố tình kéo dài thời gian giải quyết để trốn tránh việc bị phát hiện vi phạm, đây là hành vi này cũng có thể được xem xét là thiếu tự giác, ý thức trong việc khai báo./.

Đọc thêm