Chuyên gia pháp lý nói gì vụ bỗng dưng bị huyện “truất quyền thừa kế”?

(PLVN) - Liên quan đến việc UBND huyện Đông Anh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) nhưng lại bỏ qua việc xem xét đối tượng được hưởng thừa kế hàng thứ nhất, chuyên gia pháp lý khẳng định, đây là việc không đúng pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đồng thừa kế khác.
Chị em bà Điểm cho biết UBND huyện Đông Anh đã cấp GCN thiếu đối tượng được hưởng thừa kế

Như Báo PLVN đã phản ánh tại số báo ra ngày 25/2/2020, bà Nguyễn Thị Điểm và bà Nguyễn Thị Thành (trú thôn Đồng Nhân, xã Hải Bối, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) cho biết, bố mẹ đẻ của hai bà là cụ Nguyễn Quốc Quỳnh và cụ Bùi Thị Toản sinh được 8 người con, gồm bà Điểm, bà Thành và 6 người con trai.

Năm 1978, cụ Quỳnh qua đời để lại tài sản thừa kế cho các con là thửa đất thổ cư thuộc thửa số 69, tờ bản đồ số 51, diện tích 1278,6m2 (tại thôn Đồng Nhân) nhưng không có di chúc. Từ khi cha mẹ qua đời, 8 anh chị em bà Điểm vẫn quản lý, ăn ở ổn định trên thửa đất này, không lấn chiếm và tranh chấp với ai. 

Tuy nhiên, ngày 18/4/2018, UBND huyện Đông Anh đã cấp GCN số CM 281637 với thửa đất trên cho 26 người. Trong đó có 6 người con trai của cụ Quỳnh là hàng thừa kế thứ nhất, được hưởng thừa kế; còn 20 người còn lại không thuộc diện được hưởng thừa kế. 

Trao đổi về vấn đề này, Luật sư (LS) Hà Huy Từ (Công ty Luật Hà Huy, Đoàn LS TP Hà Nội), cho rằng: Việc UBND huyện Đông Anh cấp GCN nhưng không đủ các đối tượng được hưởng quyền thừa kế hàng thứ nhất, mà lại có hàng thừa kế thứ 2, thứ 3 là vấn đề cần phải xem xét một cách khách quan, toàn diện, đúng quy định pháp luật. 

“Khoản 3 Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có những quy định chi tiết. Theo quy định của pháp luật về thừa kế thì “những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản”. Như vậy, nếu nhìn nhận vụ việc dưới góc độ thừa kế thì rõ ràng hàng thừa kế thứ 2, thứ 3 không được hưởng thừa kế nếu như hàng thừa kế thứ nhất vẫn còn” , LS Từ nói.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Luật học Bùi Đức Hiển, Trung tâm Tư vấn pháp luật, Viện Nhà nước và Pháp luật cũng cho rằng: Hai chị em bà Điểm, bà Thành là các đồng thừa kế, vẫn còn sống; không thuộc trường hợp không có quyền hưởng di sản; không thuộc trường hợp bị truất quyền thừa kế hoặc từ chối nhận thừa kế nên đương nhiên được hưởng di sản thừa kế bố mẹ để lại theo quy định của pháp luật. Địa phương cũng đã có xác nhận sau khi bố mẹ các bà chết, chị em các bà cùng quản lý, sử dụng di sản là quyền sử dụng đất các cụ để lại, trong thời hiệu được hưởng di sản thừa kế. 

“Do vậy, việc UBND huyện Đông Anh cấp GCN số CM 281637, số vào Sổ cấp GCN: CH0007 cho 26 người, không có hai đồng thừa kế là bà Thành và bà Điểm, nhưng lại có tới 20 người không thuộc hàng thừa kế thứ nhất và không thuộc diện thừa kế là không đúng pháp luật xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của hai bà và các đồng thừa kế khác”, Tiến sĩ Hiển khẳng định.

Trước sự việc trên, các đương sự đề nghị UBND huyện Đông Anh và các cơ quan chức năng có thẩm quyền nhanh chóng xem xét lại việc cấp GCN số CM 281637 ngày 18/4/2018 để đảm bảo quyền lợi cho các bên liên quan và tránh khiếu nại kéo dài.

Đọc thêm