Chuyện lạ vụ án 'vợ bắn chồng' tại Hà Nội: Cùng thời điểm, bị hại ở hai nơi khác nhau

(PLO) - Như PLVN đã thông tin, sau khi được điều tra viên “vận động, thuyết phục”, Lê Ngọc Lê (SN 1976, trú tại Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã “tự thú” việc cầm súng “bắn dọa” chồng.  Nhưng lời “tự thú” này đang có nhiều mâu thuẫn và bị Lê phủ nhận thì liệu có đủ giá trị để cáo buộc Lê về tội “giết người”?

Bị hại được cho xem tang vật 

Theo Cáo trạng, khoảng 20h ngày 31/12/2014, khi vừa về nhà (số 671 Hồng Hà, quận Hoàn Kiếm) thì anh Tiến bị vợ là Lê Ngọc Lê dùng súng (loại súng ổ quay, tự chế) bắn nhưng không trúng. Anh Tiến lao vào thì bị Lê giơ súng bắn tiếp một phát nữa nhưng đạn không nổ. Hai bên vật lộn nhau thì khẩu súng văng ra nhà. Nghe thấy tiếng bố gọi kêu cứu, cháu Trương Tiến Sơn (con anh Tiến và Lê) từ tầng 2 chạy xuống, mở cửa ra ngoài tìm người giúp đỡ. Sau đó anh Tiến chạy đến Công an phường Chương Dương trình báo.

Thừa nhận Lê liên tục thay đổi lời khai và đến nay không thừa nhận hành vi phạm tội nhưng CQĐT và Viện kiểm sát vẫn cho rằng, căn cứ biên bản đầu thú, kết quả giám định, lời khai nhận tội của bị can phù hợp với lời khai của anh Tiến, cháu Sơn và lời khai nhân chứng (hàng xóm) nên đủ cơ sở kết luận Lê có hành vi “giết người”.

Trong khi đó, Luật sư (LS) Lê Đình Việt (Cty Luật TNHH Minh Tín, người bào chữa cho Lê) cho rằng, vụ án này không có nhân chứng trực tiếp chứng kiến cảnh nổ súng như thế nào. Còn lời khai nhận tội của bị cáo trước đây lại mâu thuẫn với các chứng cứ khác.

Cụ thể, tại lời khai đêm 3/1 và buổi thực nghiệm điều tra ngày 5/1, Lê khai đã cầm súng bằng tay phải (một tay), hướng về phía cửa rồi bóp cò. Súng nổ nhưng đạn không trúng chồng. Lê bắn phát thứ 2 lên trần nhà nhưng súng không nổ. Tuy nhiên, khi khai với công an, anh Tiến từng nói Lê cầm súng bằng hai tay (chụm vào nhau) và có nghe thấy 2 tiếng súng nổ. Sau này, anh Tiến thay đổi lời khai thành “có một tiếng súng nổ” và cho biết, “khi công an cho xem trong khẩu súng chỉ có 5 viên đạn và 1 vỏ đạn thì tôi xin thay đổi lời khai của mình”.

Với tình tiết trên, LS Việt cho rằng công an cho bị hại xem số lượng đạn để người này thay đổi lời khai cho “khớp” với tang vật là vi phạm nghiêm trọng tố tụng vì đây thực chất là “mớm cung”.

Chứng cứ mâu thuẫn chưa được làm rõ

Ngoài anh Tiến thì Sơn cũng có lời khai bất nhất: Lúc đầu Sơn khai nhìn thấy mẹ đeo găng tay len. Nhưng sau khi anh Tiến nộp cho công an đôi găng tay cao su màu trắng thì nhân chứng này lại cho biết, lúc bắn súng, Lê đeo găng tay cao su màu trắng.

Tại căn nhà 671 Hồng Hà lúc xảy ra súng nổ chỉ có 3 người (vợ chồng Lê ở tầng 1, cháu Sơn ở tầng 2). Thời điểm đó Lê đang có mâu thuẫn với chồng và con. Sơn- người đang bị Lê tố cáo đã cầm súng bắn mình từng thừa nhận có mối quan hệ không tốt với mẹ. 

LS Việt cho rằng, nếu đã có mâu thuẫn như trên thì cần đánh giá về tính khách quan trong lời khai của hai bố con anh Tiến, nhất là hiện nay, chính lời khai của hai người này đang mâu thuẫn nhau và mâu thuẫn với lời khai của Lê. Đơn cử, tại lời tự thú, Lê cho biết mình đã chủ động vứt súng ra nền nhà trước khi anh Tiến lao vào vật lộn. Tuy nhiên, anh Tiến lại khai, trong lúc vật lộn thì Lê bị văng súng ra. Rồi lời khai về vị trí anh Tiến và bị cáo trong căn nhà; vị trí khẩu súng trên nền nhà cũng có nhiều mâu thuẫn.

Vẫn lời LS Việt đánh giá, bản khai nhận tội của Lê vào ngày 3/1/2015 có nhiều điểm vô lý, không được làm rõ như: Lê khai mua khẩu súng ở Tân Thanh (Lạng Sơn) trước khi xảy ra vụ việc 1 tuần nhưng CQĐT đã không làm rõ được nội dung này, cũng không chứng minh được việc Lê đã từng đặt chân đến Lạng Sơn ra sao. Lê bị chảy máu đầu và vật lộn với chồng nhưng CQĐT không lý giải được tại sao máu không vương vãi ra nhà mà tập trung thành đám rất gọn gàng?

Việc thực nghiệm điều tra vào tối 5/1/2015 cũng không đúng thực tế bởi CQĐT chỉ cho Lê đứng cầm súng bằng 1 tay và giơ lên bóp cò (thể hiện tư thế bắn) chứ không để Lê bắn đạn nổ như tự thú.

Theo LS Việt, với việc khẩu súng giật mạnh khi nổ thì Lê sẽ khó mà đứng vững hoặc giữ nguyên súng trên tay để có thể bóp cò lần thứ 2. Hơn nữa, nếu Lê bắn súng như trên thì chắc chắn trên áo và găng tay sẽ còn lưu lại dấu vết của thuốc súng. Tuy nhiên, CQĐT cũng không thu thập và làm rõ dấu vết này, không chứng minh được đầu đạn thu được ở hiện trường là có phải do khẩu súng tang vật bắn ra hay không; không xác định được vị trí viên đạn bắn ra ở đâu.

Bị hại và cán bộ điều tra cùng lúc xuất hiện ở hai nơi (?)

Theo Biên bản ghi lời khai thì từ 23h đến 23h 45 phút ngày 31/12/2014, anh Tiến được cán bộ Quách Văn Tuấn lấy lời khai tại trụ sở Công an phường Chương Dương.

Nhưng Biên bản niêm phong tang vật lại thể hiện, từ 23h30 đến 23h45 ngày 31/12/2014, anh Tiến và cán bộ Quách Văn Tuấn lại có mặt tại số nhà 671 Hồng Hà để niêm phong khẩu súng kiểu dáng côn quay cùng 5 viên đạn và vỏ đạn.

Tại biên bản tạm giữ đồ vật, tài liệu lại thể hiện, từ 23h30 đến 23h40 phút ngày 31/12/2014, anh Tiến làm việc với Điều tra viên Kiều Đình Vinh và Nguyễn Trường Linh tại Công an phường Chương Dương. Theo LS Việt, như vậy, cùng thời điểm, anh Tiến đã làm việc với 2 nhóm công an về 3 công việc khác nhau, ở 2 địa điểm cách xa nhau (?)

Tương tự, vào sáng 1/1/2015, anh Tiến cũng xuất hiện ở hai nơi cùng lúc. Cụ thể, theo Biên bản kiểm tra hiện trường, từ 9h đến 11h ngày 1/1/2015, anh Tiến có mặt tại nhà 671 Hồng Hà để chứng kiến việc công an kiểm tra hiện trường. Nhưng Biên bản tạm giữ đồ vật và Biên bản niêm phong tang vật lại thể hiện, từ khoảng 10h30 đến 10h50 ngày 1/1/2015, anh Tiến lại có mặt tại Công an phường Chương Dương để nộp và niêm phong hai găng tay cao su cùng 1 chai nhựa đựng chất lỏng màu đen.

Với việc bị hại được “phân thân” như trên, liệu có việc lập “khống” chứng cứ? Tại phiên tòa ngày 31/7 tới đây, LS Việt đã đề nghị HĐXX triệu tập Điều tra viên của vụ án đến Tòa để làm rõ những tình tiết nêu trên. 

PLVN sẽ thông tin về diễn biến phiên tòa này.                   

Đọc thêm