Chuyện ly kỳ linh thiêng quanh "Nghĩa địa Cá Ông"

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo tín ngưỡng thờ cá Ông (cá voi) của ngư dân miền biển, cá voi là loài động vật linh thiêng, là Bồ Tát đối với ngư dân hoạn nạn trên biển nên được tôn kính gọi  là “ngài”, thần Nam Hải. Tại nhiều địa phương, ngư dân đã bỏ tiền tỷ xây dựng lăng mộ cá voi với tên gọi thành kính "Nghĩa địa Cá Ông".
Một lăng mộ Cá Ông được xây mang hình dáng con thuyền xé sóng vươn khơi.
Một lăng mộ Cá Ông được xây mang hình dáng con thuyền xé sóng vươn khơi.

Rồi khi cá chết, người dân làm lễ tang và thờ cúng như cha mẹ quá cố. Hiện cả nước có rất nhiều nghĩa địa cá voi,  nghĩa địa ở làng chài Phước Hải đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam bầu chọn là Nghĩa địa cá Ông lớn nhất Việt Nam.

“Bồ Tát trên biển”

Cá voi là loại động vật có vú. Bộ cá voi gồm có cá voi, cá heo, cá nhà táng, kỳ lân biển và cá heo chuột. Tên cá voi có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp ketos (quái vật biển). Theo quan niệm dân gian, cá voi không phải là một sinh vật biển bình thường mà là sự hiện diện của một vị thần biển. Ngư dân ven biển tùy theo từng địa phương mà gọi cá voi bằng nhiều danh xưng tôn kính như: Đức Ông, Cá Ngài,

Ông Nam Hải, Ông Lớn, Ông Cậu, Ông Lộng, Ông Khơi, Ông Chuông, Ông Kìm, Ông Phướn, Ông Sứa... Khi cá Ông sống, ngư dân gọi là Ông Sanh (là ân nhân cứu sống sinh mạng của họ những khi bão to gió lớn trên biển); khi cá Ông chết thì gọi là Ông Lụy (ngư dân chịu tang như đối với người thân của mình).   

Từ lâu đời, tục thờ cá voi (người dân quen gọi là cá Ông) trở thành một tín ngưỡng hết sức phổ biến cư dân ven biển nước ta trên suốt dải bờ biển từ Bắc chí Nam. Đó là một dạng thức thờ vật linh, nhiên thần, vị thần độ mạng cho những người đi biển nhằm đem đến nhiều may mắn cho ngư dân làm nghề đánh cá, ra khơi vào lộng. Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn chép: “Bạch ngư dài 20 trượng, tính hiền lành, hay cứu người, hoặc thấy người chài bị loài cá dữ làm khốn quẫn, nó cũng giải cứu”. 

Bộ xương khổng lồ của cá voi được ngư dân thờ cúng.
Bộ xương khổng lồ của cá voi được ngư dân thờ cúng.  

Sách Gia Định thành thông chí cũng chép: “Những khi thuyền bè gặp sóng gió nguy hiểm, thường thấy thần (cá Ông) dìu đỡ mạn thuyền bảo vệ người yên ổn. Hoặc thuyền bị chìm đắm, trong cơn sóng gió thần cũng đưa người vào bờ, sự cứu giúp ấy rất rõ. Chỉ nước Nam ta từ Linh Giang đến Hà Tiên mới có việc ấy và rất linh nghiệm, còn các biển khác thì không có”. 

Theo một số nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, tục thờ cá voi xuất phát từ triều Nguyễn. Sách Đại Nam nhất thống chí kể rằng, khoảng năm 1799, trong lúc Nguyễn Ánh bôn tẩu quân Tây Sơn, tìm đường biển chạy sang Xiêm thì gặp bão lớn làm thuyền chao đảo, sắp đắm nhưng ngay lúc đó có con cá voi đến nâng thuyền lên và đưa vào bờ nên ông mới thoát nạn. Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi, lấy hiệu là Gia Long. Nhớ ơn cá voi đã cứu giúp mình, ông sắc phong cho cá voi là Nam Hải Đại tướng quân và cho lập lăng miếu thờ cúng. 

Tuy nhiên, theo khảo sát tại một số đền, lăng mộ thờ cá voi có thể thấy việc an táng và thờ cúng cá coi của người dân được thực hiện từ trước thời Nguyễn, vào thời nhà Lê. Lý do là cá voi đã nhiều lần cứu sống ngư dân trong bão gió nên người dân đã dựng đền thờ. 

Theo truyền thuyết của ngư dân, cá Ông là hiện thân của đức Quan Thế Âm Bồ Tát. Cá Ông là hóa thân từ chiếc áo choàng của Đức Phật được ngài xé vụn biến thành để cứu muôn ngàn sinh linh gặp cơn phong ba bão táp, sắp sửa phải bỏ mình giữa biển khơi. 

Ngôi đền có 88 mộ cá voi được hương khói quanh năm.
Ngôi đền có 88 mộ cá voi được hương khói quanh năm.  

Truyện kể thời xưa có nhiều nhưng trong thời hiện đại, nhiều người đã có may mắn được cá voi cứu mạng. Ông Nguyễn Quý (ở xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) - một ngư dân kỳ cựu kể rằng ông đã may mắn thoát chết nhờ được cá ông cứu mạng.

Đó là lần đi câu mực ở quần đảo Trường Sa. Khi tàu neo ở điểm câu, mỗi ngư dân sẽ sử dụng một chiếc thuyền thúng lênh đênh câu cá mực trong đêm. Bất chợt, trời đổ giông khiến hàng chục chiếc thúng trôi tán loạn. Ngư dân trên thúng khóc hết nước mắt vì gió quá mạnh, tàu không thể nhổ neo đến vớt. Tất cả chỉ biết cầu khẩn Nam Hải đại tướng quân đến cứu vớt. 

Lúc sự sống, cái chết cách nhau sợi tóc thì điều kỳ diệu đã xảy ra. Chiếc thúng của ông Quý buộc chung với thúng của một ngư dân khác đang chao đảo sắp bị sóng lật úp thì bất ngờ hai chiếc thúng được nâng lên lưng một con cá khổng lồ. Ông Qúy nghe rõ tiếng thở phì phì, biết là cá Ông nên biết điềm lành, được cứu sống. Lát sau, trời êm, “ngài” lặng lẽ bơi đi mất. Với ông Qúy, cá ông đúng là Bồ Tát mới xuất hiện đúng lúc cứu người. 

Ông Cao Trọng Tình (ở thôn Lê Lợi, xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) nhớ lại ký ức về trận cuồng phong khủng khiếp trên biển Kỳ Xuân cũng như sự may mắn được cá voi hộ thuyền thoát nạn vào đêm 1/5/2005. Vì được cá Ông cứu sống nên ông là một trong những người đầu tiên chôn cất một xác cá voi dạt vào bờ biển thôn Lê Lợi và lập miếu thờ Ngư Ông tại đây...

Chuyện cá Ông cứu sống thuyền trưởng Nguyễn Công cùng 11 ngư dân ở xã An Vĩnh (đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) lạc giữa tâm bão số 9 năm 2009 được ví như cổ tích. Hôm ấy, kết thúc phiên biển đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa, trên đường trở về chỉ còn cách đảo Lý Sơn khoảng 7 hải lý thì tàu cá của anh Công gặp nạn. 

“Trong phút lâm nguy, mọi người sợ hãi tột độ thì Ông bất ngờ xuất hiện với dòng nước phụt lên trời cao vút. Dường như ông ghé lưng làm điểm tựa cho tàu giữ được thăng bằng, chúng tôi vừa mừng vừa sợ nhưng cuối cùng đã vượt qua cơn bão, trở về an toàn”, anh Công kể.

Sau khi đưa tàu về gần đảo Lý Sơn, dù lưng trầy xước chảy máu, cá Ông bơi lượn một vòng rồi quẫy đuôi quay ra biển. Tri ân công ơn cứu mạng, anh Công cùng 11 ngư dân đã ăn chay 3 tháng liền. Từ đó người thuyền trưởng cũng tình nguyện thờ phụng, lo nhang khói cho Lăng Cồn, nơi thờ tự cá Ông (Nam Hải Đại tướng quân) quê mình.

Ông Nguyễn Quốc Chinh (Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải) cùng 20 ngư dân cũng là những nhân chứng sống được “ngài” cứu về từ cõi chết. Ông Chinh kể, ngày 17/5/1991, với vai trò thuyền trưởng, ông Chinh cùng 20 ngư dân đang đánh bắt ở gần đảo Bom Bay thuộc vùng biển Hoàng Sa thì gặp bão. Sóng lớn đánh nước tràn vào khiến tàu chìm. Các ngư dân chấp chới giữa biển. Trong lúc tính mạng “ngàn cân treo sợi tóc” bỗng phía trước cá Ông nổi lên như gò đá đen rộng lớn.

“Chúng tôi nằm trên lưng cá trôi dạt nhiều ngày liền, vớt rong biển ăn cầm hơi, uống nước tiểu lẫn nhau sống sót qua ngày. Sau đó chúng tôi được tàu của ngư dân Sa Huỳnh (cùng quê Quảng Ngãi) kẹp sát, thả ghe thúng bơi lại gần đưa mọi người qua tàu”, ông Chinh nhớ lại.

Ngôi đền 88 mộ cá voi

Các vua nhà Nguyễn đã phong tặng cá Ông là vị thần biển với các danh xưng: Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân chi thần (thời Minh Mạng); Từ Chế Chương Linh Trợ Tín Nam Hải cự tộc Ngọc Lân chi thần (thời Thiệu Trị); Từ Tế Chương Linh trợ tín Trừng Trạm Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân chi thần (thời Tự Đức); Từ Tế Chương Linh trợ tín Trừng Trạm Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân chi thần (thời Đồng Khánh); Từ Tế Chương Linh Trợ Tín Trừng Trạm Dực Bảo Trung Hưng thượng đẳng thần (thời Duy Tân). 

Cùng với đó, các Vua nhà Nguyễn cũng quy định, làng nào bắt gặp cá Ông chết thì lý trưởng phải báo cáo lên cho phủ, huyện để cử quan đến khám định, cấp tiền tuất, hương đèn, vải đỏ quấn đủ bảy vòng và tổ chức khâm liệm, cấp đất xây lăng và ruộng hương hỏa để thờ cúng. 

Đền Làng Hiếu (ở phường Nghi Hải, TX Cửa Lò, tỉnh Nghệ An) hiện có 88 mộ cá voi được xây cất như các ngôi mộ thông thường. Trước đây, mộ của cá Ông được chôn và thờ tại Đền cá Ông (nay ở khối Hải Đăng, phường Nghi Hòa). Sau khi đền Làng Hiếu được tôn tạo lại, nhân dân địa phương đã rước Ngài và đưa các ngôi mộ về khu lăng mộ thờ cá Ông trong khuôn viên đền thờ phụng như ngày nay.

Chẳng ai biết ngôi mộ đầu tiên của cá voi được xây dựng từ năm nào nhưng theo các câu chuyện truyền miệng được các cụ cao niên trong vùng kể rằng, mấy trăm năm trước, biển Cửa Hội có một ông cá voi to như chiếc tàu. Người dân chỉ có phương tiện đánh bắt nhỏ nên chỉ đánh cá trong lộng, công việc đánh cá thường vào ban đêm.

Mỗi lần biển động, ghe thuyền của ngư dân gặp nguy hiểm là thấy cá Ông xuất hiện, cứu giúp như dùng lưng đỡ thuyền vượt qua sóng gió mịt mùng vào bờ, cứu sống nhiều ngư dân gặp nạn. Khi cá Ông mất, xác trôi vào bờ to như tòa nhà, ngư dân dùng 60 chiếc chiếu đôi vẫn không đủ đắp di hài. Tương truyền đây là ông cá đầu tiên được an táng tại đền từ thế kỷ 19. Trong lăng có đặt bệ thờ, chính giữa là bài vị thần Ngư; phía sát mái có đề 3 chữ Hán “Lăng Thần Ngư”. 

Theo tục lệ của ngư dân đi biển, ai phát hiện ra xác cá Ông thì người đó có bổn phận chôn cất và để tang như để tang chính cha mẹ mình. Người đầu tiên phát hiện ra xác cá Ông được gọi là trưởng nam và phải tổ chức đám tang. Toàn bộ những nghi lễ liên quan đều phải được thực hiện theo hương ước, quy mô lớn nhỏ tùy làng vạn. Nếu cá Ông nhỏ chết, ngư dân gọi là thần cô, thần cậu để tỏ sự tôn kính.

Sau khi làm lễ chôn cất, ngư dân sẽ để tang cá Ông 3 năm, sau 3 năm sẽ làm lễ cất mả, mang hài cốt ông về đền Làng Hiếu thờ phụng. Hàng năm, những gia đình thờ cá Ông phải tổ chức làm giỗ, trước ngày giỗ phải đến đền thắp hương, khấn mời ngài về thụ lễ.

Nghĩa địa cá voi vào sách Kỷ lục Việt Nam.
Nghĩa địa cá voi vào sách Kỷ lục Việt Nam.  

Tục thờ cúng đức ngư Ông - cá voi thể hiện nét đẹp “đền ơn, đáp nghĩa” trong truyền thống văn hóa của người Việt nói chung. Thời trước, ở xã đảo Tam Hải (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), người dân phải góp tiền tổ chức đại lễ cúng cá Ông. Để có đủ chi phí, bà con làng chài tự tổ chức quyên góp. Ai nghèo thì góp một tờ trắng, tức đồng bạc 5 xu có lỗ màu trắng; còn những người có thuyền làm ăn khá thì góp 3 đồng đỏ, tức đồng bạc 10 xu màu đỏ. Dân làng thường mua 2 con lợn để cúng, 2 con bò để nấu món ăn, cháo được nấu 3 chảo lớn.

Trên bàn lễ có một chiếc bè chuối chở theo mâm gà. Bè được mang thả ngoài biển. Nếu gió nồm thì thả hướng bấc, gió bấc thì thả hướng gió nồm. Dân làng nhìn ra chiếc bè dập dềnh trên biển, trong lòng nguyện cầu cá Ông đã cứu dân lành: “Ngư ông đắc lợi, mưa thuận gió hòa, độ cứu dân lành, gió giông thì dựa...”.

Gia đình anh Nguyễn Văn Lộc (SN 1965, ở xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) 4 đời làm nghề đi biển, đánh cá. Trong những chuyến đi biển, anh Lộc bắt gặp 2 cá Ông bị chết, trôi dạt trên biển vào các năm 1989 và 1994. Sau khi đưa về chôn cất tại đền Làng Hiếu, gia đình anh Lộc lập 2 bàn thờ, làm giỗ, thờ phụng như ông bà của mình đã mất. Mỗi lần giỗ Ngài, gia đình anh Lộc lại làm vài mâm cỗ, sau khi cúng xong thì mời bà con, hàng xóm đến hưởng lộc.

Hiện khu lăng mộ cá Ông gần như kín chỗ, nhiều cá Ông sắp được cất mả nhưng không còn đất để làm lăng. Vì vậy, Ban quản lý đền Làng Hiếu đang lên kế hoạch xây dựng khu lăng mộ ở khu vực khác rộng rãi, quy mô hơn, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng cho bà cho ngư dân.

Kỷ lục Việt Nam

Từ lâu việc chôn cất và thờ cúng cá Ông không chỉ mang yếu tố tâm linh mà đã trở thành nét văn hóa đặc trưng của cư dân miền biển. Nghĩa trang cá Ông còn được gọi là “Ngọc lăng Nam Hải” nằm ngay bên bờ biển sạch đẹp, ẩn mình trong làng chài Phước Hải, thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ, Bà Rịa Vũng Tàu với hơn 300 ngôi mộ được phủ xanh bởi những hàng dương lộng gió. Nghĩa địa được chia ra thành 5 khu vực, trong đó mỗi khu có khoảng 67 ngôi mộ cá Ông.

Trên các ngôi mộ đều có bát hương và bia đúc xi măng ghi “Nam Hải chi mộ” cùng ngày, tháng Ông lụy (chết). Sau mỗi tấm bia còn khắc tên của những người đã phát hiện ra xác Ông lụy và dìu Ông vào bờ. Dân làng góp tiền xây lăng, nhà khách và trồng nhiều cây xanh làm cho nghĩa địa cá Ông trở thành một điểm dừng chân thoải mái và thú vị cho những ai có dịp đến với làng chài ven biển này.

Trước đây, nghĩa địa cá Ông và Dinh Ông Nam Hải ở một nơi khác vì ông lụy ít và dân cư trong làng còn thưa thớt. Đến năm 1995, dân cư đông đúc hơn, Ông lụy cũng nhiều hơn, có năm có tới gần 30 Ông lụy nên người dân Phước Hải xin chính quyền cho tách nghĩa địa cá Ông về sát biển, nằm trong làng chài Phước Hải.

Trước khi ra khơi, ngư dân thường có thói quen đến nghĩa trang này thắp hương để cầu mong may mắn, được mùa đánh bắt. Ngư dân coi cá Ông là vị thần hộ mệnh cho họ giữa biển khơi, giúp cho ngư dân những chuyến đi biển may mắn, tôm cá đầy khoang.

Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn kể rằng, khoảng năm 1799, trong lúc Nguyễn Ánh bôn tẩu quân Tây Sơn, tìm đường biển chạy sang Xiêm thì gặp cơn bão lớn. Cơn bão làm thuyền chao đảo, sắp đắm nhưng ngay lúc đó có con cá voi đến nâng thuyền lên và đưa vào bờ nên ông mới thoát nạn. Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi, lấy hiệu là Gia Long. Nhớ ơn cá voi đã cứu giúp mình, ông sắc phong cho cá voi là Nam Hải Đại tướng quân và cho lập lăng miếu thờ cúng, sắc phong.  

Hiện bộ xương cá voi dài gần 2 m, được sơn bóng, cùng 2 tượng cá được đặt trang trọng trong Dinh Ông Nam Hải. 24 năm trước, con cá này còn sống dạt vào bờ biển Phước Hải. Trong 3 ngày, ngư dân 3 lần đưa ra xa bờ, song cá vẫn quay vào và mất nên khiêng về nghĩa địa chôn cất.

Tấm bảng của Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam vào năm 2011 xác lập đây là Nghĩa địa cá Ông lớn nhất Việt Nam được treo trang trọng tại dinh Ông Nam Hải. Nghĩa trang này cũng như nghĩa trang cá Ông ở xã đảo Tam Hải (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) chưa được xây dựng.

Giữa bãi cát hoang vu cách biển 300 mét là bạt ngàn mộ cá bằng cát, trên mộ cá vô danh đánh dấu bằng cục đá. Dân làng ước tính nghĩa địa cá Ông ở Tam Hải đã có từ 500 năm và các bậc tiền nhân đã để lại dấu ấn khai phá làng chài từ trước năm 1600.

Nếu như các địa phương khác, khi cá voi chết thì đợi lấy xương cất vào tủ kính hay trưng bày cho người dân xem thì làng vạn chài Nước Ngọt (thuộc xóm Hải Hòa, thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) lại cấm người dân xem xương cá Ông. Tại vạn chài này, xương cốt cá Ông được bỏ trong một thùng gỗ to như chiếc xe khách và đóng kín mít. Cả làng, chưa ai từng thấy xương cốt của cá Ông. 

Tuy nhiên, có một lần, thùng xương cốt bị lủng một góc, ông Trưởng vạn há hốc miệng kinh ngạc, bởi chỉ một khúc xương sườn của cá Ông đã to đến mức một người ôm không xuể.

Trong lăng thờ của làng chài Nước Ngọt có hai thùng xương cá Ông khổng lồ đặt trước bàn thờ, được gọi là cá Ông và cá Bà. Theo chuyện truyền miệng, mấy trăm năm trước, cá Ông khổng lồ trôi vào bờ chết. Vậy là cả làng tổ chức mai táng trọng thể. 

Thời gian sau, có một người trên núi chạy xuống, tóc tai rũ rượi vừa chạy vừa la lên: “Mai mốt bà sẽ thác vô đây với ông”. Chuyện người điên từ trên núi xuống làng nói chuyện cá Ông hóa ra lại linh nghiệm. Vài hôm sau, cá bà vào nằm chết trước đền thờ. Cá bà cũng to như một chiếc ô tô, dài mấy chục mét. Người dân làm lễ chôn cất, sau đó đặt xương “bà” ngay bên cạnh cốt của “ông”.

Đọc thêm