Tâm đắc và đam mê công tác xã hội
Vốn là một hòa giải viên (HGV) giỏi nhiều năm của huyện Thanh Trì, Chử Thị Kim Anh cho biết chị gắn bó với công việc HGV tại thôn 2, xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì đã hơn 15 năm. Sau khi lập gia đình, vốn đam mê công việc xã hội từ khi còn là sinh viên, chị được giới thiệu làm công tác hội phụ nữ của thôn, rồi khi xã có chủ trương thành lập tổ hòa giải ở cơ sở, chị được bầu làm tổ trưởng.
Không ít người thấy chị đi làm công việc hòa giải các mâu thuẫn trong làng xã, họ nói chị là người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Những lần như thế, chị chỉ đáp lại bằng nụ cười thân thiện, hòa nhã. “Phải là người tâm đắc và có niềm đam mê lớn với công tác xã hội mới gắn bó lâu dài với công việc HGV. Nhiều vụ việc hòa giải nếu không khéo léo sẽ liên lụy đến bản thân, ảnh hưởng đến gia đình. Sau mỗi vụ việc hòa giải thành, mỗi HGV được bồi dưỡng mang tính động viên khích lệ 20 nghìn đồng. Vì thế thích nó vẫn chưa đủ, mà còn phải yêu nó nữa, bạn ạ!” - chị Kim Anh tâm sự.
Trong cuộc sống hàng ngày của bà con, nhiều chuyện mâu thuẫn, cãi vã có thể giải quyết êm xuôi, thấu đáo nếu các bên biết bình tĩnh, biết suy nghĩ và nhường nhịn nhau. Còn không, cứ để mâu thuẫn, cãi vã, chuyện bé xé ra to rồi lại đưa nhau ra cơ quan pháp luật sẽ đánh mất tình nghĩa vợ chồng, tình làng nghĩa xóm.
Theo chị Kim Anh, khó khăn lớn nhất của một HGV là làm sao tiếp cận các vụ việc một cách nhanh chóng và suôn sẻ nhất. “Tâm lý người Việt mình “chuyện nhà đóng cửa bảo nhau” chứ không thích “người lạ” can thiệp. Do đó, không ít lần thấy tổ hòa giải đến thì người dân hoặc tỏ rõ thái độ bất hợp tác hoặc kiếm cớ đuổi khéo”.
“Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, mỗi vụ việc đặt HGV đến mỗi cái khó khác nhau. Hơn 15 năm, chị không nhớ mình đã hòa giải thành bao nhiêu vụ việc. Chỉ biết rằng, đối với chị chưa bao giờ đầu hàng trước một vụ việc nào. Cho dù vụ việc khó khăn đến đâu, chị vẫn tìm mọi phương pháp để hòa giải thành công.
Theo chị Kim Anh, yếu tố để hòa giải thành công một vụ việc thì phải“nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các bên mâu thuẫn”. Trong hòa giải, những HGV phải cố gắng làm sao để mâu thuẫn từ lớn thành nhỏ lại và từ mâu thuẫn nhỏ đó thành không còn mâu thuẫn gì. Đặc biệt, HGV phải biết tự đặt mình vào vị trí của người kia để từ đó có sự cảm thông, chia sẻ.
|
Chị Chử Thị Kim Anh |
Chị Kim Anh cho biết: “Mình có hai con nhỏ, một cháu 2 tuổi rưỡi, một cháu 8 tuổi, cần rất nhiều thời gian chăm sóc. Dù cân bằng, sắp xếp công việc khoa học cũng không thể cùng làm tốt việc gia đình và việc xã hội. Nhiều khi, những gia đình trong thôn xảy ra cãi vã, tranh chấp vào lúc nửa đêm, khi đó tổ hòa giải phải đến khuyên can, giải thích. Vì thế, nếu không có sự động viên, giúp đỡ, cảm thông của gia đình, nhất là chồng và mẹ chồng thì mình đã phải bỏ công việc HGV từ lâu rồi”.
Hiểu và thông cảm với công việc của vợ mình, anh Nguyễn Đức Hiền luôn tạo điều kiện tối đa để vợ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Anh cho biết, thời gian đầu anh cũng rất lưỡng lự, vì con còn nhỏ mà công việc của vợ hay phải đi sớm, về khuya. Tuy vậy, sau đó hiểu được công việc của vợ mình là làm tốt cho xã hội, cho bà con làng xóm nên anh hoàn toàn ủng hộ.
Làm HGV ngoài việc nắm vững các quy định của pháp luật để tư vấn cho người dân còn phải có hiểu biết về xã hội. Thêm nữa, bản thân HGV phải nêu gương về đạo đức, lối sống cho người dân soi vào, bởi gia đình HGV có êm ấm, thuận hòa đi hòa giải bà con mới nghe. Cuộc sống cứ trôi đi với bao bộn bề, những HGV như chị Kim Anh được ví như những con đò nghĩa tình, ngày ngày thầm lặng nối kết lại những yêu thương cho mọi người.