Tư pháp nỗ lực hướng về cơ sở
Không chỉ đến gần thời điểm 28/8, Tư pháp các địa phương mới sôi nổi hướng về Ngày truyền thống mà các đợt thi đua được ngành Tư pháp phát động ngay từ đầu năm với mục tiêu rõ ràng, thi đua tạo động lực thúc đẩy hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn, khuyến khích nhân rộng những mô hình hay, sáng kiến mới. Đặc biệt, trong những ngày mùa thu tháng 8, kỷ niệm nhiều ngày lễ lớn của đất nước và của ngành, Tư pháp địa phương đã chọn đây là thời điểm quan trọng để tổ chức những sự kiện đặc biệt.
Bà Hồ Xuân Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội cho biết, các lĩnh vực chuyên môn vẫn được Sở Tư pháp chỉ đạo sát sao, có trọng tâm, trọng điểm, các đợt thi đua vẫn tiếp tục được duy trì, tạo khí thế sôi nổi trong toàn ngành. Trong công tác tuyên truyền pháp luật, bà Hương cho biết Sở Tư pháp Hà Nội sẽ phối hợp với Công an thành phố (TP) tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật về phòng, chống mua bán người, chung khảo cuộc thi sẽ diễn ra vào tháng 9 tới đây.
Đáng chú ý, từ nay đến trước Ngày giải phóng Thủ đô 10/10 sẽ tiến hành sơ khảo cụm quận, huyện cuộc thi “Hòa giải viên giỏi” Hà Nội. Vòng thi chung khảo cấp TP dự kiến sẽ được tổ chức vào tuần lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật tháng 11/ 2014. Trước đó, kế hoạch tổ chức cuộc thi “Hòa giải viên giỏi” trên địa bàn TP.Hà Nội năm 2014 đã được UBND TP.Hà Nội ban hành với mục đích tuyên truyền, phổ biến sâu rộng những nội dung cơ bản của Luật Hòa giải ở cơ sở đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn TP; thông qua cuộc thi nhằm tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật về hòa giải ở cơ sở; góp phần nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên trên địa bàn TP. Theo kế hoạch, mỗi quận, huyện, thị xã sẽ lựa chọn cử một đội từ 3 - 5 hòa giải viên tiêu biểu tham gia cuộc thi. Cuộc thi được tổ chức dưới hình thức thi sân khấu, bao gồm các phần thi lý thuyết, xử lý tình huống và thi năng khiếu.
Nằm trong chuỗi các hoạt động tư pháp hướng về cơ sở nhằm kịp thời phát hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động chuyên môn cũng như động viên, khuyến khích địa phương nhân rộng các điển hình tiên tiến, các nhân tố mới trong phong trào thi đua, các tỉnh như Thanh Hóa, Quảng Nam… đã tiến hành kiểm tra cơ sở về công tác hộ tịch, chứng thực.
Tỉnh Tuyên Quang cũng tổ chức kiểm tra tổ chức và hoạt động của Đoàn Luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư. Đà Nẵng kiểm tra công tác theo dõi thi hành pháp luật và kiểm soát thủ tục hành chính tại một số quận, huyện trên địa bàn…
Hướng tới kỷ niệm Ngày thành lập ngành, một trong những hoạt động được ngành Tư pháp địa phương chú trọng là các hoạt động tri ân, về nguồn. Sở Tư pháp Tuyên Quang phối hợp với Văn phòng Bộ Tư pháp tổ chức các hoạt động về nguồn tại khu di tích lịch sử Bộ Tư pháp với nhiều chương trình ý nghĩa như giao lưu thể thao, gặp mặt truyền thống. Sở Tư pháp TP.Hồ Chí Minh phối hợp cùng Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản
Vietinbank AMC trực thuộc Ngân hàng Công thương Việt Nam đến xã Thạnh Phong và xã Thới Thạnh, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre để thăm, tặng quà và trao 02 ngôi nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn. Công đoàn Sở Tư pháp Hà Nam cũng đã vận động ủng hộ chương trình “Nghĩa tình Trường Sa, Hoàng Sa”. Nhiều địa phương cũng đã tổ chức thăm hỏi, gặp mặt, tặng quà cán bộ hưu trí; tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao chào mừng Ngày thành lập ngành.
Thi hành án phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa sẽ kết thúc năm công tác THADS, do đó các cơ quan THADS xác định đây là giai đoạn “về đích” nên phải dốc toàn lực để đạt và vượt các chỉ tiêu được giao. Tại TP.Hồ Chí Minh, Cục trưởng Cục THADS Nguyễn Văn Lực cho biết, 9 tháng đầu năm, kết quả thi hành án cả việc và tiền của TP đều cao hơn so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, tỷ lệ thi hành về giá trị thì đang “là một thách thức lớn”. Được biết, năm 2013 là năm mà lượng án ở TP.Hồ Chí Minh tăng đột biến, cao nhất từ trước đến nay. 9 tháng đầu năm 2014, số việc thụ lý mới vẫn tiếp tục tăng 15% về việc và 32% về tiền so với cùng kỳ. TP.Hồ Chí Minh đã thực hiện nhiều giải pháp để đạt chỉ tiêu được giao, trong đó có tổ chức các đợt cao điểm về THADS.
Tại Hưng Yên, Cục trưởng Cục THADS Vũ Hoàng Thụ cho biết, tính đến 31/7, trong số việc có điều kiện giải quyết, toàn tỉnh đã giải quyết xong 3.367 việc, đạt tỷ lệ 81%, đã giải quyết xong 142.025.215.000 đồng, tăng 18.629.760.000 đồng, cao hơn 12,36% so với cùng kỳ năm 2013.
Kết quả này, theo Cục trưởng Vũ Hoàng Thụ là nhờ những giải pháp đột phá trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành; nhất là việc chú trọng chỉ đạo hướng dẫn nghiệp vụ đối với những vụ việc lớn, phức tạp. Hiện nay, THADS Hưng Yên cũng đang tập trung cho đợt cao điểm giải quyết án sẽ kết thúc vào cuối tháng 9 tới.
Ở một nơi rất xa với đất liền, xác định kết quả công tác THADS của huyện sẽ góp phần hoàn thành chỉ tiêu của tỉnh, Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Côn Đảo (Bà Rịa- Vũng Tàu) Nguyễn An Phượng phấn khởi cho biết, năm nay lượng án ở Côn Đảo tăng hơn so với năm 2013. Mặc dù với những khó khăn hết sức đặc thù song theo chị Phượng, Chi cục xác định đến hết tháng 8 sẽ đạt chỉ tiêu cả về việc và về tiền. Kỷ niệm Ngày truyền thống ngành Tư pháp, chị Phượng cho biết anh em dự định sẽ tổ chức cuộc gặp mặt để ôn lại truyền thống của ngành. Đây cũng là dịp để cán bộ trong Chi cục chia sẻ, động viên nhau hoàn thành nhiệm vụ.
Mỗi địa phương, mỗi điều kiện, mỗi cách thức tổ chức hướng về Ngày truyền thống một cách khác nhau, ở nhiều mức độ khác nhau, song điều dễ nhận thấy đây là dịp không chỉ để Tư pháp, THADS ôn lại những truyền thống tốt đẹp của ngành, nhắc nhở lớp cán bộ đi sau hướng về nguồn cội mà còn là dịp để khơi dậy phong trào thi đua với nhiều hoạt động hết sức thiết thực. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để ngành Tư pháp cả nước nói chung hướng tới 70 năm kỷ niệm thành lập ngành vào tháng 8/2015.