Chuyện những cán bộ tư pháp tận tâm ở Giao Thịnh, Hải Phương

(PLO) - Tại Ban Tư pháp xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, 5 phút nữa là đồng hồ điểm đúng 5 giờ chiều - giờ được nghỉ theo quy định của Nhà nước, nhưng tập hồ sơ xếp chồng trên mặt bàn của cán bộ tư pháp Chu Thị Huyền vẫn chưa vơi non nửa. Bên trong phòng làm việc, hơn chục người đứng xếp hàng chờ đến lượt để giải quyết các thủ tục pháp lý mình đang mắc phải.
Công việc hàng ngày của cán bộ tư pháp huyện Hải Hậu
Công việc áp lực và bận rộn như vậy nhưng những cán bộ tư pháp ở đây vẫn luôn tươi cười và tận tâm với các yêu cầu được giúp đỡ của người dân. 
Vượt qua khó khăn
“Chị Miến à! Hồ sơ nhận con nuôi của  anh chị khá đầy đủ rồi, nhưng đơn xin nhận con nuôi của anh chị chưa được. Chồng chị chưa chuyển khẩu về xã mình nên anh phải về nơi làm đăng ký thường trú của anh xin xác nhận và hai người ký lại, khi nào xong thì chị mang lên đây” -  chị Huyền vừa ôn tồn giải thích vừa không ngừng lật đống hồ sơ kiểm tra chứng thực cho những người đang đợi. 
Chị Chu Thị Huyền là một trong số ít cán bộ tư pháp xã của tỉnh Nam Định cũng như cả nước có bằng cử nhân  luật.  Chị Huyền cho biết quê gốc của chị không phải ở Giao Thủy, Nam Định mà ở tận Thanh Ba, Phú Thọ. Nam Định là quê chồng của chị. Sau 4 năm miệt mài trên giảng đường, ra trường Huyền học thêm khóa đào tạo luật sư và làm việc tại một số văn phòng luật trên Hà Nội. 
Tuy vậy, ước mơ làm luật sư của chị dở dang, chị phải dành hết thời gian cho gia đình khi sinh con trai đầu lòng. Chồng chị là sĩ quan phục vụ trong quân đội, mỗi tháng anh chỉ tranh thủ về thăm vợ con được đôi, ba lần. Cuối năm 2012, chị quyết định nộp hồ sơ làm cán bộ tư pháp xã tại quê hương chồng. Với tấm bằng cử nhân luật, chỉ ít ngày sau, chị được nhận ngay vào làm việc. “Mình nghĩ, công tác ở đâu cũng đều là giúp nhân dân, miễn sao mình làm hết chức trách, tận tâm, được cống hiến thì làm việc ở đâu cũng như nhau” - chị Huyền chia sẻ.
Xã Giao Thịnh, với số dân xấp xỉ 13.000 người, là xã đông dân thứ hai của Giao Thủy. Tuy vậy, chỉ có một cán bộ tư pháp đảm nhận hơn chục đầu công việc tư pháp, riêng việc khai sinh, khai tử, chứng thực giấy tờ  đã chiếm gần hết thời gian. Vì thế, chị Huyền phải bố chí thật khoa học thời gian cho những đầu việc khác như việc hòa giải cho người dân khi họ có những tranh chấp xung đột liên quan đến luật pháp, phổ biến giáo dục pháp luật. 
Công việc chiếm rất nhiều thời gian trong ngày của chị Huyền. Khi đứa con thứ hai chưa đầy 3 tháng, chị phải nhờ bà ngoại từ Phú Thọ xuống trông con để đi làm, giải quyết những việc tồn đọng, ứ đầy đang chờ. “Công việc tư pháp xã cũng không có gì khó khăn, phức tạp. Khi nhận bàn giao, không cần hướng dẫn mình bắt tay vào làm luôn. Nhưng công việc của người cán bộ tư pháp nhiều quá! Bây giờ, nếu bà ngoại không trông cháu nhỏ để mình đi làm, chắc mình không biết xoay xở ra sao” - chị Huyền tâm sự.
Trưởng phòng Tư pháp huyện Giao Thủy Vũ Văn Chương cho biết,  Giao Thịnh là xã luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, là xã điển hình để nhiều xã học hỏi về công tác tư pháp.
Cán bộ tư pháp là phải tận tâm, tỉ mỉ
Theo như giới thiệu của Trưởng phòng Tư pháp huyện Hải Hậu Vũ Thượng Duyệt thì công tác tư pháp ở xã Hải Phương có thành tích đứng đầu trong tư pháp các xã của huyện liên tiếp 10 năm liền. Ngày 28/4 vừa qua, xã Hải Phương vinh dự đón nhận “Cờ thi đua xuất sắc” của Thủ tướng Chính phủ tặng.
Sau khi từ cuộc chiến tranh biên giới trở về, rồi gắn bó với tư pháp từ năm 1989, hơn mười năm làm cán bộ tư pháp, bây giờ đảm nhiệm cương vị Phó Chủ tịch UBND kiêm Trưởng ban Tư pháp xã, ông Trần Văn Kỳ cho biết, để có được thành quả tốt như trên đó là sự chung sức của cả hệ thống chính trị cơ sở. Xã đã thành lập Câu lạc bộ Phụ nữ với pháp luật, cùng với Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh hàng tháng, hàng quý tổ chức những buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho tất cả 13 xóm.
Xã Hải Phương với hơn 2 nghìn hộ dân, tỉ lệ người theo đạo Thiên Chúa gần 50% với 1 nhà xứ, 3 nhà thờ giáo họ. Chính vì thế công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật hay hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý cho người dân ở nơi đây có những điểm khác biệt so với những nơi khác.
Biết tiếng nói của vị Linh mục có sức ảnh hưởng rất lớn tới những bà con giáo dân, do đó chuyên mục phổ biến pháp luật thường xuyên được lồng ghép khéo léo trong những buổi giảng đạo cuối tuần. Có buổi lễ giảng đạo được lồng ghép về tình trạng bạo lực gia đình, một số người vợ mới giật mình vỡ lẽ: “À, thì ra từ trước đến nay mình bị bạo lực gia đình mà không biết !”.
Ông Kỳ cho biết, cách đây hơn một tháng, trong xã có một gia đình ngụ tại xóm 12 xảy ra tình trạng anh chồng rượu chè cờ bạc về nhà thường xuyên đánh vợ, đánh con. Nhận thấy tình trạng của gia đình mình ngày càng tồi tệ, chị vợ viết đơn xin li hôn, báo chính quyền xã.  Đội hòa giải cơ sở của xã vào cuộc, cán bộ tư pháp triệu tập anh chồng đến  xã và cho anh biết những hành động “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” đối với vợ con của anh là sai trái, nếu anh không dừng những hành động trái pháp luật đó lại thì xã sẽ có biện pháp đối với anh. 
Song song với đó, cán bộ tư pháp phối hợp cùng Hội Nông dân, Hội Phụ nữ xã, Linh mục của Giáo hội đến gia đình khuyên răn anh chị. Ngay sau khi được các ban, ngành của xã khuyên bảo, nhìn nhận ra vấn đề, anh chồng không còn cờ bạc, rượu chè nữa, tu chí làm ăn, gia đình anh giờ ấm êm, hạnh phúc.
Ông Trần Văn Kỳ tâm sự: “Làm tư pháp là phải làm cẩn thận, chu đáo, tỉ mỉ và phải yêu nó, tận tâm với nó, nếu không thì những gì làm sai sót, hậu quả mình gây ra sau này sẽ  ảnh hưởng đến cả cuộc đời của người dân”. 
Đó cũng là tâm sự rất chân thành của những cán bộ tư pháp huyện Giao Thủy, huyện Hải Hậu mà chúng tôi đã gặp.

Đọc thêm