Mai Châu trở mình vì người giữ nhịp Tư pháp

(PLO) - Bây giờ, nói tới Mai Châu (Hòa Bình) ai cũng nghĩ ngay đến một thung lũng xinh đẹp, nổi tiếng với sự phát triển du lịch, không còn là lãnh đại của hành vi  buôn bán trái phép chất ma túy, nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết. 
Trụ sở UBND xã Nà Phòn
Trụ sở UBND xã Nà Phòn
Qua lời kể của anh Nguyễn Trung Khánh - Phó Trưởng phòng Tư pháp huyện Mai Châu thì Tư pháp huyện Mai Châu còn là ngọn cờ đầu trong phong trào thi đua của Sở Tư pháp tỉnh Hòa Bình.
Không còn tảo hôn, hôn nhân cận huyết
Mai Châu có diện tích 564km2, toàn huyện có 22 xã và 01 thị trấn, gồm 10 dân tộc anh em, bao gồm: Thái, Mường, Dao, Mông, Kinh, Hoa, Tày, Ê Đê, Cơ Ho, Khơ Mú. Trong đó, dân tộc Thái chiếm 60,2%. Địa bàn huyện chủ yếu là đồi núi phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, nơi ở của các hộ dân chủ yếu là các thung lũng nhỏ. 
Thành quả mà anh Khánh vui mừng khoe với chúng tôi đó là  Mai Châu là huyện đầu tiên của tỉnh triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013. Huyện đã triển khai xuống tất cả các xóm của các xã với 161 số lần tuyên truyền, 6.417 lượt người nghe. Tư pháp huyện cũng phối hợp với Tòa án tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật qua phiên tòa xét xử lưu động tại xã Ba Khan với số người tham gia lên tới 1.000 người. 
Trong 6 tháng đầu năm 2014, huyện đã tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động cho 4 xã: Nà Mèo, Cun Pheo, Tân Dân, Noong Luông. 23 xã của huyện đã thành lập được 11 Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý. Các Câu lạc bộ  Trợ giúp pháp lý hoạt động hiệu quả, mọi thắc mắc về pháp luật của người dân được giải quyết kịp thời. Tủ sách pháp luật cũng được thành lập ở tất cả các xã của huyện. Theo báo cáo của Phòng Tư pháp huyện, từ năm 2010, Mai Châu không còn xảy ra vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết . 
Anh Khánh cho biết, để làm được điều này là sự đồng lòng cùng chung tay của tất cả hệ thống chính trị trong huyện. Phòng Tư pháp đã nêu sáng kiến, qua đó quán triệt vấn đề tảo hôn cho tất cả các đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh rồi đến nhà trường cho học sinh ký cam kết. UBND huyện quán triệt: “Gia đình trong xã nếu có tảo hôn thì sẽ không được xét để vay vốn ngân hàng khi cần thiết, còn gia đình nào đã vay vốn thì phải trả lại số tiền đã vay”. 
Tuy nhiên, cũng theo những cán bộ tư pháp địa phương, để có được những thành quả như vậy, những cán bộ tư pháp của huyện luôn phải gồng mình vượt qua rất nhiều khó khăn. Khó khăn đầu tiên phải kể đến đó là địa bàn rộng, phức tạp nên việc di chuyển từ đầu xã đến cuối xã cũng phải mất hàng giờ. Tiếp đó là, lực lượng biên chế cho Tư pháp cấp xã rất mỏng (mỗi xã chỉ có một cán bộ tư pháp), chưa kể cán bộ tư pháp phải kiêm nhiệm thêm một số công việc khác nữa. Cơ sở vật chất nghèo nàn, nhiều cán bộ tư pháp không có máy tính, máy in, phải dùng chung nên mỗi khi sử dụng cho công việc rất khó khăn.
Ông Hà Đức Tăng - cán bộ tư pháp xã Nà Phòn
Ông Hà Đức Tăng - cán bộ tư pháp xã Nà Phòn
Lớp người “giữ nhịp”
Tới Mai Châu, gặp ông Hà Đức Tăng - cán bộ tư pháp xã Nà Phòn, tôi ấn tượng ngay bởi cái giọng hào sảng đậm chất núi rừng của ông. Vẫn tác phong linh hoạt, những bước đi dứt khoát của người từng gắn bó với quân đội nhiều năm, ông Tăng năm nay đã ngoài 50 tuổi, sau khi phục vụ quân ngũ trở về ông đã gắn bó với Tư pháp xã Nà Phòn 19 mùa nương có lẻ. Ông được bà con xã Nà Phòn rất tín nhiệm. 
Ông Tăng cho biết, khi mới bắt tay vào công việc, ông thấy công tác tư pháp khó làm lắm, nhưng làm mãi rồi thành quen. “Trước đây mình phục vụ trong Quân đội, chiến đấu bảo vệ nhân dân, bảo vệ Tổ quốc mình luôn giữ vững niềm tin, chiến đấu hết mình, sau này về với nơi mình sinh ra, mình cũng phục vụ nhân dân, vì thế những khó khăn không làm mình chùn bước được” - ông Tăng chia sẻ. 
Đến bây giờ, những buổi phổ biến pháp luật của ông được đông đảo bà con đón nhận, tích cực hưởng ứng tham gia, từ đó việc hòa giải cơ sở của ông đỡ vất vả hơn rất nhiều. Nà Phòn giờ đây không còn tình trạng người dân buôn bán ma túy hay thanh niên lập gia đình không đủ tuổi nữa.
Còn cô gái trẻ Ngần Thị Huyền (sinh năm 1985) mới về công tác tại Tư pháp xã Chiền Châu được hai năm và là cán bộ tư pháp trẻ nhất của huyện Mai Châu. Bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ, sự ham học hỏi, Huyền đã được bà con yêu mến,  đồng nghiệp tin yêu. Năm 2013, Huyền đã được Sở Tư pháp tỉnh Hòa Bình tặng Giấy khen “Cán bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. 
Là người dân tộc Thái, sinh ra và trưởng thành, lập gia đình ngay trên mảnh đất quê hương nên Huyền nói được cả tiếng Kinh và tiếng Thái. Với lợi thế đó nên trong những buổi tiếp xúc, hòa giải ở cơ sở cũng như chương trình phổ biến giáo dục pháp luật cho bà con, Huyền dễ dàng nắm bắt những vấn đề bà con còn thắc mắc, từ đó giải thích thật cặn kẽ với sự gần gũi và ngôn từ bình dân, dễ hiểu. Huyền cho biết, người dân trên vùng cao thường hay thắc mắc với cán bộ những luật liên quan và áp dụng cho cuộc sống hàng ngày như Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng, chống ma túy, Luật Bảo vệ rừng…
Ở Mai Châu, khối lượng công việc của cán bộ tư pháp cấp xã tương đối nhiều, với 15 đầu công việc. Để hoàn thành nhiệm vụ, ngoài sự cố gắng của bản thân mỗi cán bộ tư pháp thì sự ủng hộ, đồng hành của gia đình cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Vì mỗi xã chỉ có một cán bộ tư pháp nên sau khi Huyền nghỉ sinh con được mấy tháng, lượng công việc dồn lại rất nhiều, cô phải nhờ gia đình hỗ trợ chăm con để bắt tay vào công việc. 
Những cán bộ tư pháp như ông Hà Đức Tăng, như anh Nguyễn Trung Khánh, như cô gái trẻ Ngần Thị Huyền chính là những người đang “giữ lửa”, “giữ nhịp” cho Tư pháp Mai Châu gần gũi và hữu ích cho đời sống của người dân ở nơi này.

Đọc thêm