Sa chân nghiện ngập sau cuộc tình tan vỡ
Buổi chiều một ngày giữa tháng 3/2017, phiên tòa trên tầng 3 TAND TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) lặng ngắt, vắng bóng người. Bị cáo Nguyễn Văn Thắng (22 tuổi, ngụ huyện Quảng Điền) được dẫn giải đến tòa. Nhìn phòng xử lạnh tanh, ánh mắt bị cáo bất chợt thảng thốt khi không thấy bóng người thân. Thắng nghèn nghẹn bảo, chắc bố mẹ không biết hôm nay bị cáo ra tòa, nên mới không đến dự khán.
Được phép của công an, bị cáo đón chiếc điện thoại của phóng viên cho mượn, tay run run bấm số. Mặt bị cáo thẫn thờ, mắt rưng rưng, khàn giọng khi nghe tiếng người thân trong điện thoại. Sau một hồi nói chuyện, bị cáo lạc giọng: “Mẹ đâu? Bố chuyển máy cho con gặp mẹ với”. Bị cáo lặp đi lặp lại câu nói, nhưng chỉ có tiếng khóc thổn thức vọng lại trong điện thoại.
Mắt bị cáo đỏ hoe. Thắng bảo, cha mình nghe điện thoại. Ông khóc vì không biết hôm nay con trai ra tòa. Ông định chạy lên để được gặp con trai, nhưng tuổi già, sức yếu, có đi cũng không kịp gặp con. Từ quê nhà Điền Lộc lên thành phố Huế, sức của ông có gắng chạy nhanh, cũng non hai giờ đồng hồ mới đến được. Nghe giọng con trai, cũng muốn dặn dò nhiều thứ, động viên con, nhưng giọng ông cứ nghẹn lại, cuối cùng chỉ biết khóc.
Tại phiên tòa, bị cáo thành khẩn khai báo lại toàn bộ hành vi của mình. Theo đó, vào ngày 16/10/2016, bị cáo vào TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai để xin việc làm. Nhưng gần một tuần trôi qua, bị cáo vẫn không xin được việc, nên ngày 21/10/2016, bị cáo quyết định trở về quê. Do nghiện ma túy, nên khi đến huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, bị cáo thông qua một đối tượng làm nghề xe ôm rồi gặp một phụ nữ không rõ lai lịch, mua 1 gói ma túy dạng đá với giá 4 triệu đồng rồi đón xe về quê.
Đến trưa ngày 23/10/2016, bị cáo ra đến TP Huế. Do hối hận về hành vi mua ma túy để sử dụng, nên bị cáo đã chủ động tìm đến cơ quan cảnh sát điều tra công an TP Huế tự thú và giao nộp gói ma túy.
Tòa hỏi bị cáo: “Bị cáo lấy đâu tiền để mua ma túy”.
Bị cáo: “Dạ tiền bị cáo đi làm kiếm được, rồi mang theo vào Đồng Nai”.
Tòa: “Mua ma túy mất hết 4 triệu. Tiền giờ không lấy lại được, bản thân lại đi tù, bị cáo đã thấyhối hận về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy của mình chưa?”.
Bị cáo bảo mình rất hối hận. Bị cáo từng nghĩ đến việc cai nghiện, nhưng không thành công. Vì ở quê, cứ gặp bạn bè, là bị cáo lại lạc lối. Nên bị cáo mới quyết định đi làm ăn xa, để tách khỏi đám bạn nghiện ngập. Khi cầm gói ma túy về đến Huế, bị cáo chợt nghĩ đến bố mẹ mình ở quê, đang đặt hết hy vọng vào bị cáo, bị cáo thấy hối hận vô cùng.
Nên bị cáo tìm đến đồn công an để “được” bị bắt. Bị cáo chắc chắn mình sẽ bị đi tù. Ở trong trại giam, chính là cơ hội để bị cáo cải tạo, cai nghiện. Hôm đó bước chân vào đồn công an, bị cáo rất run, lo lắng. Nhưng bị cáo dặn lòng mình phải quyết tâm. Bởi đó chính là cách duy nhất để bị cáo tìm lại chính mình, làm lại cuộc đời.
Tòa hỏi bị cáo vì sao lại nghiện ma túy? Như thể câu hỏi ấy đã chạm vào nỗi buồn giấu kín trong tim, nên phải mất một lúc lâu, bị cáo mới trả lời. Đầu năm 2016, bị cáo và người yêu quyết định đi đến hôn nhân. Sau lễ ăn hỏi thì tính chuyện cưới xin. Ngày cưới cũng đã định sẵn, khách mời đã lên danh sách, không ngờ hai người xảy ra mâu thuẫn, dẫn đến hôn lễ bị hủy.
Bị cáo buồn. Bạn bè rủ rê sử dụng ma túy, bị cáo liền dùng thử để “quên đời”. Ai ngờ chuyện buồn cũng không quên được, bản thân lại sa vào nghiện ngập. Những ngày đắm chìm trong “cái chết trắng”, những khi tỉnh táo Thắng đều thấy lo sợ, bất an. Nếu không cai được ma túy, cuộc đời rồi sẽ trôi về đâu? Mà bị cáo chỉ mới 22 tuổi.
Cuộc đời vẫn còn dài, tương lai phía trước vẫn đang đợi bị cáo. Mà cha mẹ của bị cáo đã già yếu, những lúc họ đau ốm, bệnh tật, sẽ trông cậy vào ai?. Nghĩ đến cuộc sống tương lai của chính mình và người thân, đã cho bị cáo thêm động lực, để quyết tâm đi tự thú.
Ghi nhận những hối hận, ăn năn của bị cáo, vị hội thẩm nhân dân động viên, dặn dò bị cáo cố gắng cải tạo thật tốt, quyết tâm cai nghiện thành công để trở về với xã hội, làm lại cuộc đời. Sau khi nghị án, tòa tuyên phạt bị cáo 1 năm 3 tháng tù về tội “tàng trữ trái phép chất ma túy”. Tòa tuyên án xong, bị cáo lủi thủi lên xe về trại giam.
“Mẹ chờ con”
Tìm về nhà bị cáo sau phiên tòa, men theo con đường về biển Thuận An, qua cầu Ca Cút, con đường nhỏ dọc phá Tam Giang mênh mông sóng nước, qua Quảng Công, Quảng Ngạn, Điền Môn, Điền Hòa và nhiều xã nữa mới đến được nơi.
Nhà Thắng nằm tận cuối thôn, sát bên cạnh biển. Buổi chiều, biển động, tiếng sóng ầm ào xô vào bờ cát, vọng vào tận nhà, khiến không gian nơi đây thêm mênh mang buồn. Bố Thắng đi làm thuê chưa về. Ngôi nhà nhỏ trống vắng chỉ có mình mẹ Thắng, nên càng thêm vắng lặng.
Người mẹ thẫn thờ mất một lúc lâu mới nói được. Bà bảo gia đình không biết hôm nay con trai ra tòa, nên không đến được. Bao nhiêu ngày qua, vợ chồng bà chỉ chờ đợi đến ngày này, để được gặp mặt con trai, vậy mà… Rồi bà bật khóc.
Lúc con trai gọi điện thoại về, chồng bà ngỡ ngàng mất một lúc. Cũng vì đau lòng quá, thương con quá, nên ông chẳng nói được gì, chỉ biết khóc. Cũng chẳng nghe được con trai muốn nghe giọng mẹ. Cũng không rõ lời con trai nhắn gửi, nhờ mẹ trong lần “tiếp tế” tới, nhớ mua chiếu, mua dép, mua khăn gửi vào.
Người mẹ nước mắt đã vòng quanh khóe mắt, chia sẻ: “Tui thương con đứt ruột, nhưng cũng ráng nuốt nước mắt vào trong. Tui mà cũng khóc lóc yếu đuối như chồng, thì con trai sao yên tâm được. Chồng tui khóc trong điện thoại, chứ có mặt ở phiên tòa mà khóc như rứa, chỉ khiến con thêm yếu lòng.
Làm cha làm mẹ, ai mà chẳng yêu thương con mình, nhưng mỗi người biểu hiện một cách. Con như rứa, lòng tui cũng tan nát. Bệnh tật nên không vô trại thăm được, nhưng lần nào chồng đi thăm, tui cũng dặn đi dặn lại, bảo ông phải cứng rắn lên, thì con mới quyết chí cải tạo, cai nghiện được”.
Mẹ Thắng tâm sự, lần đầu biết con dính vào ma túy, bà hoang mang, lo lắng dữ lắm. Bà hết lòng động viên con chấm dứt ma túy, cũng động viên con đi làm ăn xa, cách ly với đám bạn xấu, may ra mới cai được. Vậy mà chưa kịp mừng vì con quyết tâm đi làm ăn, bà lại phát hoảng khi nghe công an gọi về nhà, bảo bà lên bảo lãnh con, vì Thắng có hành vi “tàng trữ trái phép chất ma túy”.
Khi biết rõ nội tình, bà liền vui mừng. Nếu con trai bà đã quyết tâm đi tự thú, đoạn tuyệt với ma túy như thế, bà sẽ hết lòng ủng hộ, động viên con. Tương lai của Thắng, rồi đây cũng như bầu trời, bước qua ngày âm u thì tươi sáng lại.
Trong 10 ngày được bảo lãnh về, Thắng ngày nào cũng sống trong phấp phỏng, lo lắng. “Hắn bảo sợ. Sợ những ngày đằng đẵng ngồi trong trại giam. Sợ những cơn vật vã vì thiếu thuốc. Hiểu được lo lắng của con, nên vợ chồng tui cứ động viên mãi. Thà chịu cực chịu khổ một chút, mà làm lại cuộc đời, sau này còn lấy vợ, sinh con, còn làm chỗ dựa khi cha mẹ tuổi già sức yếu.
Cha mẹ sẽ đợi con trở về, không đi biển thì đi phụ thợ hồ, đi làm thợ kép, đi làm thuê làm mướn chi cũng được, miễn là kiếm được đồng tiền bằng công sức của mình, rồi sống một cuộc đời lương thiện, bình yên”, mẹ Thắng chia sẻ.
Bóng chiều đã tắt, ngôi nhà nhỏ chìm dần vào bóng tối. Người phụ nữ vẫn ngồi lặng bên hiên nhà. Trong tiếng sóng vỗ ầm ào, vẫn còn vang vọng lại câu nói đầy quyết tâm của người mẹ: “Mẹ sẽ đợi con về. Đứa con trai mạnh khỏe ngoan ngoãn ngày trước của mẹ, nhất định sẽ quay về”.
Gặp vị kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa nơi hành lang tòa án sau phiên xử, ông chia sẻ mình làm án ma túy đã ba mươi năm nay, nhưng đây là trường hợp hy hữu nhất mà ông gặp phải. Lần đầu tiên ông gặp một người nghiện có quyết tâm cao như vậy, tự tìm đến công an tự thú, để tìm cách cứu lấy chính mình. Ông hy vọng, sau khi trở về cuộc sống, bị cáo vẫn giữ vững quyết tâm, để không bao giờ bị bạn bè lôi kéo nữa, mãi mãi không bị tái nghiện.