Bước ra “biển lớn”, Doanh nghiệp Việt vẫn có thể hoàn toàn tự tin với những hàng hóa chất lượng cao và quan trọng nhất là những sản phẩm đặc trưng, phù hợp với nhu cầu thị trường thế giới.
Vào tháng 9/2022, một sự kiện đáng ghi nhớ với ngành lúa gạo Việt Nam là gạo Lộc Trời với thương hiệu “Cơm Việt Rice” chính thức lên kệ hàng của E.Leclerc - hệ thống siêu thị với gần 600 đại siêu thị và hơn 100 siêu thị trên khắp nước Pháp.
Theo Reuters, E.Leclerc là hệ thống siêu thị lớn nhất Pháp hiện nay tính theo thị phần. Trước đó, ngày 30/6, Tập đoàn Lộc Trời và Công ty con - Công ty cổ phần Nông sản Lộc Trời (LTA) cũng hoàn tất xuất khẩu gần 500 tấn gạo mang thương hiệu riêng của tập đoàn – “Cơm Việt Nam Rice” sang thị trường Đức, Hà Lan và Pháp.
2 năm trước, vào tháng 9/2020, Lộc Trời là đơn vị được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn xuất khẩu gạo đầu tiên vào châu Âu trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA), nhưng đây là lần đầu tiên gạo Lộc Trời lên kệ các siêu thị E.Leclerc tại Pháp. Việc đưa gạo với thương hiệu riêng vào thẳng hệ thống siêu thị nước bạn không chỉ giúp tăng giá trị sản phẩm mà còn giúp quảng bá hiệu quả thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu Việt Nam.
|
Sản phẩm gạo Lộc Trời với thương hiệu “Cơm Việt Rice” đã có mặt ở nhiều hệ thống siêu thị tại Pháp. |
Ông Vũ Anh Sơn, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Pháp cho biết, hiện Lộc Trời là một trong những thương hiệu hàng hóa Việt Nam tiếp cận hệ thống đại siêu thị tại châu Âu và tại Pháp thành công.
Về quá trình đưa gạo Việt vào thị trường châu Âu, ông Nguyễn Duy Thuận – Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời chia sẻ, đó là thành quả sự nỗ lực của bà con nông dân trong việc tuân thủ những quy trình sản xuất và đảm bảo chất lượng của lúa gạo; là sự hỗ trợ của Bộ Công Thương và các Tham tán thương mại đưa các sản phẩm Việt Nam vào thị trường châu Âu và cả sự hỗ trợ tích cực của đối tác trong cộng đồng người Việt tại châu Âu.
Cũng theo Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, để bà con nông dân tuân thủ quy trình trồng trọt và các bộ sản phẩm thì cần phải huấn luyện bà con một cách bài bản, tập trung các vùng sản xuất theo qui hoạch, đảm bảo chuẩn từ khâu giống, phân thuốc. Lưu ý, không sử dụng lao động trẻ em trong quá trình canh tác và sản xuất, phải có quy định cụ thể về cách trồng, tổ chức mã số vùng trồng để có thể truy xuất nguồn gốc sản xuất khi đưa vào châu Âu.
|
Ông Nguyễn Duy Thuận – Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời (bên phải). |
Tập đoàn Lộc Trời đã áp dụng các quy trình trên, đã đăng ký với chính quyền địa phương, đặc biệt hai tỉnh An Giang và Kiên Giang, xây dựng vùng trồng riêng cho thị trường châu Âu, đảm bảo việc cung ứng gạo ra thị trường thế giới.
Một doanh nghiệp khác cũng đã “xuất khẩu thương hiệu” thành công là Hapro. Ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội-CTCP (Hapro) co biết, Hapro có thị trường trên 80 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, mỗi năm xuất khẩu hơn 100 triệu USD.
Thị trường của Hapro rộng khắp nhưng thực tế vẫn có những thị trường chính, thị trường chiến lược, chủ lực và những thị trường ngách. Trong đó, EU là một trong những thị trường chiến lược của Hapro khi chiếm tới trên 30% thị phần.
Và gần đây nhất, Hapro lần thứ 7 được Bộ Công Thương công nhận Thương hiệu quốc gia, trong đó có sản phẩm gạo.
|
Ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội-CTCP (Hapro). |
Ông Lê Anh Tuấn cho rằng, khi xúc tiến sản phẩm sang thị trường EU, bên cạnh vai trò hỗ trợ của cơ quan thương mại Việt Nam tại nước ngoài, doanh nghiệp phải có sự đầu tư bải bản. Bởi, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội-CTCP (Hapro), không thể đi bằng phương tiện thô sơ trên “đường cao tốc”.
Là một doanh nghiệp làm việc trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và đã xuất khẩu được sản phẩm đến các thị trường “khó tính” như Nhật Bản, Hàn Quốc, Bỉ..., ông Đặng Thanh Bình – Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Trí Cường cho biết, để hàng Việt đến với thị trường thế giới, doanh nghiệp nhận thức rất rõ tầm quan trọng của việc chuyển đổi số.
Công ty TNHH Công nghiệp Trí Cường đã áp dụng mô hình quản lý doanh nghiệp bằng công nghệ số với tất cả quy trình được thực hiện trên phần mềm điện tử. Nhờ thế, các thống kê, báo cáo đều được cập nhật liên tục, lưu trữ trên hệ thống điện toán đám mây giúp doanh nghiệp dễ dàng tra cứu, kiểm soát, duyệt đơn hàng mọi lúc, mọi nơi.
Đặc biệt, theo ông Bình, nhờ chuyển đổi số nên chi phí vận hành được giảm bớt, góp phần tăng hiệu suất quản lý, giúp khách hàng ở nước ngoài có thể đánh giá hiệu quả và năng lực sản xuất của doanh nghiệp cũng như đáp ứng nhanh chóng, linh hoạt các yêu cầu từ đối tác.
|
Ông Phan Minh Thông – Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Corp. |
Tương tự, ông Phan Minh Thông – Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Corp cho biết, trải qua 3 cuộc khủng hoảng do COVID-19 nhưng Phúc Sinh vẫn giữ được nhiều đơn hàng từ khắp các nơi trên thế giới. Để làm được điều đó, Phúc Sinh luôn mang trong mình phương án phòng bị.
Phúc Sinh chủ động thay đổi chiến lược kinh doanh, vừa phát triển thị trường trong nước, vừa đẩy mạnh xuất khẩu, với tiêu chí, đi nhiều nơi, tham gia nhiều hội chợ bán hàng, tiếp cận khách hàng, thay đổi quan điểm của khách hàng dựa trên chữ tín.
Doanh số xuất khẩu của Phúc Sinh đều đặn các năm qua là 4.000-5.000 tỷ đồng/ năm. Trong năm 2021, tác động của COVID-19 đã khiến nhiều hoạt động xúc tiến thương mại toàn cầu bị đình trệ, tuy nhiên, Phúc Sinh vẫn giữ khoảng 8% thị phần hồ tiêu của toàn cầu. Đến năm 2022, lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2022 của Phúc Sinh đã tăng gấp đôi so với năm ngoái.