Điều này phải kể đến vai trò quan trọng của công tác bình ổn giá, liên kết vùng, xúc tiến thương mại và đặc biệt là cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được Bộ Công Thương nói chung và TP Hà Nội nói riêng đẩy mạnh triển khai.
Kinh tế trên đà tăng trưởng
Theo số liệu thống kê của Cục Thống kê Hà Nội, tính đến hết tháng 11/2022, tổng mức bán ra và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn TP Hà Nội ước đạt 3.202,5 nghìn tỷ đồng, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, doanh thu hoạt động thương nghiệp đạt 2.544 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 79,4%, tăng 14,5%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 629,2 nghìn tỷ đồng, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 407,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 64,8% tổng mức và tăng 18,1%.
Tính chung 11 tháng năm 2022, CPI bình quân tăng 3,45% so với bình quân cùng kỳ năm trước, trong đó một số nhóm hàng tăng cao: Nhóm giao thông tăng 11,9%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 5,84%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,53%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 3,36%; đồ uống và thuốc lá tăng 2,35%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,14%.
Các nhóm có CPI tăng nhẹ: May mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,12%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,89%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,45%; giáo dục tăng 0,13%.
Những con số trên cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn TP.Hà Nội vẫn tiếp đà tăng trưởng khá và toàn diện trong tháng 11/2022. Kết quả này tạo tiền đề cho việc tăng tốc phát triển kinh tế năm 2022 cũng như “lấy đà” bước vào năm kế hoạch 2023 một cách thuận lợi hơn.
Bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, dịch COVID-19 tác động lớn đến thu nhập của người tiêu dùng khiến sức mua giảm đáng kể. Tuy nhiên, bước sang năm 2022 đến nay, Hà Nội cùng cả nước đã thích ứng linh hoạt, đẩy mạnh hoạt động thương mại, dịch vụ nhờ đó tạo đà phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Đẩy mạnh tiêu dùng nội địa
Từ đầu năm 2022 tới nay, Sở Công Thương Hà Nội đã triển khai hàng loạt các sự kiện khuyến mại tập trung quy mô lớn, với mức giảm giá, khuyến mại lên tới 100%. |
Từ đầu năm 2022, Sở Công Thương Hà Nội đã thực hiện hàng loạt các kế hoạch, giải pháp nhằm kích cầu tiêu dùng, phục hồi lại nền kinh tế sau đại dịch như: Thực hiện Kế hoạch 298/KH-UBND của UBND thành phố về việc kích cầu nội địa, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng TP Hà Nội năm 2022; tiếp tục hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị; UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 39/KH-UBND về việc triển khai Chương trình khuyến mại tập trung TP Hà Nội năm 2022.
Sở Công Thương Hà Nội đã triển khai hàng loạt các sự kiện khuyến mại tập trung quy mô lớn, với mức giảm giá, khuyến mại lên tới 100% với mọi thành phần kinh tế tham gia, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tổ chức các hoạt động kích cầu, tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, góp phần tăng trưởng kinh tế Thủ đô nhất là trên lĩnh vực thương mại - dịch vụ theo kịch bản tăng trưởng của Thủ đô năm 2022 sau những ảnh hưởng từ dịch COVID-19.
Cụ thể, Sở Công Thương Hà Nội đã triển khai các chương trình khuyến mãi như: Tổ chức sự kiện “Hà Nội Xanh – Kết nối xanh” dành cho 50 doanh nghiệp trong lịch vực du lịch, quà tặng tham gia; Tổ chức chuỗi sự kiện “Hà Nội đêm không ngủ - HaNoi Midnight Sale” với nhiều chương trình giảm giá, kích cầu đặc biệt lên tới 100%.
Những chương trình khuyến mãi kích cầu này đã đem lại kết quả đáng ghi nhận, góp phần làm tăng trưởng nền kinh tế Thủ đô và thúc đẩy người Việt dùng hàng Việt. Đơn cử như: sự kiện “Hà Nội đêm không ngủ - HaNoi Midnight Sale” năm 2022 đã thu hút khoảng 200 doanh nghiệp, trung tâm thương mại, các chuỗi, cơ sở sản xuất… tham gia hưởng ứng. Sự kiện đã quy tụ những tên tuổi lớn cùng vào cuộc tham gia như Central Retail, AeonMall, Co.opMart, WinMart, MediaMart, Pico, Tập đoàn Doji, Vinaphone,… với hơn 3.000 chương trình khuyến mại, tổng giá trị gần 25.000 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2021.
Hay như sự kiện Tháng khuyến mại Hà Nội năm 2022 đã thu hút lượng khách hàng trung bình mỗi ngày đạt gần 4.000 lượt khách; tổng doanh số các gian hàng đạt hơn 25 tỷ đồng.
Đối với sự kiện Ngày vàng khuyến mại tại 50 điểm vàng khuyến mại, đã ghi nhận tổng cộng gần 2 triệu lượt khách hàng đến tham quan, mua sắm. Doanh thu, lượng khách tại các điểm vàng khuyến mại tăng trung bình từ 20% đến 80% so với các ngày khác. Tổng doanh từ các điểm vàng khuyến mại ước đạt gần 1.000 tỷ đồng.
Tương tự, sự kiện Ngày hội khuyến mại du lịch diễn ra trong 3 ngày cuối tuần từ 18 - 20/11 đã thu hút gần 20.000 lượt du khách, với hơn 3.200 khách hàng đăng ký tour tại sự kiện, tổng doanh thu các đơn vị đạt gần 30 tỷ đồng.
Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán 2023 sắp tới, Sở Công Thương Hà Nội cũng đã lên kế hoạch dự trữ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cho dịp Tết; ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố cho khoảng 10,75 triệu người đạt khoảng 39.500 tỷ đồng (tăng 15% so với thực hiện Tết năm 2022). Trong đó, xác định xác định các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như gạo, lợn hơi, thịt gia cầm, trứng, rau củ quả, thủy hải sản... với tổng số lượng tăng thêm ít nhất 30% nhằm phục vụ nhu cầu người tiêu dùng Thủ đô.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương Hà Nội cũng đẩy mạnh các hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm với các tỉnh, thành đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Để đưa hàng hóa phục vụ người tiêu dùng, Hà Nội cũng yêu cầu toàn bộ hệ thống bán lẻ vào cuộc. Cụ thể, huy động hệ thống cung ứng hàng hóa trên địa bàn thành phố dịp Tết bao gồm kênh bán hàng truyền thống (28 trung tâm thương mại, 132 hệ thống siêu thị, 453 chợ truyền thống, 2.000 cửa hàng tiện lợi) và hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa trên địa bàn các quận, huyện, thị xã, thị trấn.