Hành trình từ nữ sinh viên ưa chuộng hòa bình trở thành nữ Luật sư nhân quyền
Năm 1965 tại Jakarta - Indonesia, từ ngày 13 đến 18/7, Phái đoàn Phụ nữ Hoa Kỳ tham gia cuộc gặp mặt với phụ nữ hai miền Nam - Bắc Việt Nam. Trước đó, để chuẩn bị cho cuộc gặp mặt này, từ ngày 13 - 18/7/1965, Tổ chức Phụ nữ đấu tranh vì hòa bình (WSP) đã chọn ra 10 đại diện Phái đoàn Phụ nữ Hoa Kỳ, một trong số 10 đại diện Phái đoàn Phụ nữ Hoa Kỳ là cô sinh viên Nancy Gitlin năm đó 21 tuổi. Cuộc gặp gỡ giữa Phái đoàn Phụ nữ Mỹ với Phái đoàn Phụ nữ Việt Nam tại Jakarta, Indonesia năm 1965 đã để lại ấn tượng khó quên với cô sinh viên hồi đó.
Cuộc gặp năm 1965 tại Jakarta chính là cuộc ngoại giao nhân dân đầu tiên thông qua nước thứ 3, giữa Tổ chức Phụ nữ đấu tranh cho hòa bình (WSP) với Phái đoàn Phụ nữ Việt Nam. Phái đoàn Việt Nam bao gồm 8 thành viên được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng Miền Nam Việt Nam lựa chọn.
Tại cuộc gặp, các thành viên Phái đoàn Phụ nữ Mỹ và Việt Nam đã báo cáo tình hình quê nhà và đưa ra diễn biến cuộc chiến tranh Việt Nam. Từ đó, phụ nữ Mỹ hiểu rõ hơn về con người Việt Nam, sự chia cắt đất nước và tình hình chiến tranh ở Việt Nam. Họ giải thích những rào cản mà họ gặp phải khi cố gắng thuyết phục Chính phủ của họ kết thúc chiến tranh ở Việt Nam. Họ nghiên cứu những văn bản và nguồn tài liệu được Phái đoàn Phụ nữ Việt Nam cung cấp để bổ sung vào luận điểm của họ và đặt ra những sự nghi ngại và bất đồng về thông tin. Những tài liệu của Phái đoàn Việt Nam đưa tới đã giúp phụ nữ Mỹ có thêm luận cứ để tranh đấu cho hòa bình…
|
Bà Nancy Hollander và bà Nguyễn Thị Bình hội ngộ tại Hà Nội. (Ảnh: Bảo Hân). |
Trong tuyên bố chung sau 3 ngày làm việc, cả 3 bên đều đồng ý rằng Mỹ đã vi phạm Hiệp định Genève, trách nhiệm của phụ nữ Mỹ là phải tạo nên sự tôn trọng nền độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Sau đó, phụ nữ Mỹ tổ chức nhiều chiến dịch hoạt động phản đối chiến tranh, ủng hộ hòa bình ở Việt Nam.
Trong lá thư bà Nancy Gitlin gửi một người bạn ngày 24/8/1965, tức là sau cuộc gặp gỡ tại Jakarta trở về, bà đã viết: “Khi mà cuộc chiến này hay tất cả các cuộc chiến tranh khác còn làm đen tối trái đất này thì những người phụ nữ của nước Mỹ cũng cần phải tham gia vào cuộc chiến tranh, chúng tôi phải sẵn lòng hy sinh thời gian và sức lực để biến đất nước này cũng như các nước khác thành nơi đáng sống cho trẻ em”. Sau cuộc gặp mặt, bà Nancy Gitlin cùng Phái đoàn Phụ nữ Mỹ bắt đầu các chiến dịch hoạt động phản đối chiến tranh, ủng hộ hòa bình ở Việt Nam như viết báo cáo, vận động hành lang, đi trình bày tại các sự kiện, làm phim tư liệu...
Sau khi tốt nghiệp cử nhân luật tại Trường Đại học New Mexico năm 1978, Nancy Gitlin làm việc với cái tên Nancy Hollander, bà đã dành tâm huyết để bào chữa cho cá nhân, tổ chức bị cáo buộc phạm tội, trong đó có cả các vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia và nhân quyền. Ngoài thực hành luật, bà Nancy Hollander còn tham gia giảng dạy, đào tạo tại rất nhiều ngôi trường danh tiếng ở Áo, Pháp, Mỹ, Hà Lan... Bà là tác giả của nhiều đầu sách, tài liệu về các chủ đề như: bảo mật bằng chứng cho các vụ án quốc tế; tịch thu, tìm kiếm và bắt giữ bất hợp pháp; bảo vệ các trường hợp lạm dụng trẻ em, đạo đức, bằng chứng và xét xử thực hành. Bà từng là cố vấn cho Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam.
Hiện vật tượng trưng cho tình hữu nghị giữa phụ nữ hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ
Sau hơn nửa thế kỷ từ cuộc gặp gỡ ở Jakarta, Indonesia, ngày 7/3/2019, bà Nancy Hollander lần đầu tiên đến Việt Nam và có một cuộc gặp gỡ lịch sử tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam với nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, người có vai trò đặc biệt trong đàm phán và ký kết Hiệp định Paris. Bà cũng trao tặng bảo tàng 450 tài liệu hiện vật quý bà đã lưu giữ hơn nửa thế kỷ từ cuộc gặp mặt giữa phụ nữ Mỹ với phụ nữ hai miền Nam, Bắc Việt Nam năm xưa.
Tại Lễ trao trả kỷ vật năm 2019, nữ Luật sư Mỹ đã chia sẻ về lý do bà quay lại Việt Nam và ý nghĩa của cuộc gặp Jarkarta năm 1965, nhớ về cuộc gặp gỡ lịch sử với Phái đoàn Phụ nữ Việt Nam, bà Nancy cho biết: “Tôi vẫn nhớ lúc đó bà Bình (nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, lúc đó là Trưởng Phái đoàn của Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam tham gia cuộc gặp ngoại giao giữa phụ nữ hai nước năm 1965 - PV) nói hai miền Nam - Bắc đều là một, đều là gia đình nhưng không thể đoàn tụ tại Việt Nam lúc đó do chiến tranh. Phụ nữ hai miền cũng bị chia cắt. Sự kiện tại Indonesia năm đó cũng là cơ hội cho họ hội ngộ và chúng tôi rất vinh dự được làm cầu nối cho việc đó. Sau cuộc hội thoại với bà Bình, trở về Mỹ tôi cảm thấy bản thân có thêm lý do và động lực để giúp cuộc chiến này kết thúc”…
|
Bà Nancy Hollander tại buổi lễ tiếp nhận vỏ chai rượu hiện vật ngày 5/11/2024. (Nguồn: BTPNVN) |
Khi gặp bà Nguyễn Thị Bình, cử chỉ đầu tiên họ dành cho nhau là những cái bắt tay, cái ôm đầy tình cảm. Bên cạnh nhau gần như trong suốt thời gian diễn ra sự kiện, hai người phụ nữ ân cần hỏi thăm nhau, cùng ôn lại những kỷ niệm cũ. Trong số tài liệu, hiện vật do bà Nancy Hollander mang sang Việt Nam, hiện vật đầu tiên bà Nguyễn Thị Bình cầm lên xem là Bản Tuyên bố chung có chữ ký của 8 đại diện Phái đoàn Phụ nữ Việt Nam và 10 đại diện Phái đoàn Phụ nữ Mỹ tại cuộc gặp ở Indonesia trong đó có chữ ký của chính bà.
Năm 2023, kỷ niệm 50 năm Ngày ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, tại sự kiện “Khát vọng hòa bình” do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp thực hiện, bà Nancy Hollander lại có dịp gặp gỡ với với bà Nguyễn Thị Bình. Xúc động khi gặp lại bà Nancy Hollander, bà Nguyễn Thị Bình cho biết: “Cuộc gặp gỡ năm 1965 là một sự kiện rất quan trọng, vì đó là cuộc gặp đầu tiên của phụ nữ, cũng là của Nhân dân Hoa Kỳ với những đại biểu của Nhân dân Việt Nam, sau đó mở ra nhiều cuộc gặp gỡ của các giới khác giữa hai nước. Phụ nữ Việt Nam cũng như Nhân dân Việt Nam luôn biết ơn những người bạn đã đấu tranh để chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam”.
Ngày 5/11/2024, tại buổi lễ tiếp nhận hiện vật đặc biệt - vỏ chai rượu, chia sẻ về hiện vật, Luật sư Nancy Hollander kể: “Vào năm 1965, trong cuộc gặp gỡ tại Jakarta giữa Đoàn Phụ nữ Việt Nam và Hoa Kỳ, tôi đã được Đoàn Phụ nữ Việt Nam tặng một chai rượu vang, tượng trưng cho tình hữu nghị và niềm hy vọng cho tương lai hòa bình giữa hai nước. Khi ấy, tôi đã tự hứa với mình sẽ mở chai rượu ra uống khi chiến tranh kết thúc. Đến ngày 30/4/1975, khi hay tin Việt Nam giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi đã mở chai rượu và uống cùng 10 người bạn, đánh dấu khoảnh khắc lịch sử mà hòa bình đã đến với Việt Nam.
Từ đó, tôi giữ lại vỏ chai này như một biểu tượng của ký ức và niềm tin về một tương lai hòa bình, tốt đẹp hơn. Và hôm nay tôi rất vui mừng khi được đưa vỏ chai rượu này quay trở về ngôi nhà Việt Nam nơi mà nó đã bắt đầu hành trình cùng với tôi tại nửa vòng trái đất sau này. Tôi đặc biệt tin tưởng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam sẽ lưu giữ và tiếp tục phát huy những giá trị lịch sử của kỷ vật này để giáo dục cho thế hệ trẻ tương lai”.
Đi cùng bà Nancy Hollander đến Việt Nam lần đầu tiên, cô gái trẻ người Mỹ Julia Dratel cũng mang theo chiếc huy hiệu phản đối chiến tranh ở Việt Nam để gửi tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Julia Dratel cho biết, mẹ cô đã đeo chiếc huy hiệu suốt từ năm 1968 cho đến khi chiến tranh ở Việt Nam chấm dứt để thể hiện tinh thần phản chiến tại Việt Nam…
Có thể nói, khát vọng hòa bình là khát vọng luôn luôn được những người phụ nữ trên thế giới nói chung và phụ nữ Việt Nam nuôi dưỡng bằng tất cả ý chí, sự kiên cường, anh dũng, bản lĩnh và trí tuệ trên mọi mặt trận từ chính trị, quân sự, ngoại giao nhân dân... Tin rằng với khát vọng đó, họ đã, đang và sẽ cùng chung tay vun đắp, dựng xây vì một nền hòa bình cho nhân loại.