Có dấu hiệu trục lợi từ việc giải phóng mặt bằng Dự án cầu Đồng Khê

(PLO) - Có nhiều bằng chứng cho thấy, một số hộ dân có đất nằm trong chỉ giới thu hồi để phục vụ việc xây lắp cầu Đồng Khê thuộc Dự án phát triển giao thông đô thị Hải Phòng (đường Trường Chinh, phường Quán Trữ, quận Kiến An) đã cố tình lắp thêm nội thất để tăng tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, chính quyền địa phương lại “bó tay” trong việc quản lý, kiểm soát tình trạng trục lợi này.
Những căn nhà thuộc diện phải bàn giao mặt bằng
Những căn nhà thuộc diện phải bàn giao mặt bằng

Gắn phế phẩm đá lên tường để được bồi thường tiền ốp đá

Theo đơn tố giác của bà N.T.Y (SN 1974, phường Đồng Hòa, quận Kiến An), gửi UBND quận Kiến An và các cơ quan chức năng, năm 2015, bà Y được ông Nguyễn Trọng Bằng và vợ là Vũ Thị Xuân Hương (số 649 Trường Chinh, phường Quán Trữ) mời vào trang trí nội thất cho căn nhà họ đang sinh sống. Sau đó, bà Y đã lắp đặt thêm cửa gỗ, bắn mái tôn, dựng ốp mếch cho căn nhà của ông Bằng, bà Hương. Mục đích của việc lắp đặt này, theo bà Y, là để tăng tiền đền bù do căn nhà số 649 nằm trong chỉ giới thu hồi để phục vụ cho việc xây lắp cầu Đồng Khê thuộc Dự án phát triển giao thông đô thị Hải Phòng. 

Sau khi đối chiếu giá trị thực đồ nội thất mà bà Y lắp đặt vào căn nhà này với số tiền được đền bù, bà Y tá hỏa khi phát hiện mọi nội thất đã được nâng lên mức giá “trên trời”. Theo phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án PTGT đô thị Hải Phòng của chủ số nhà 649 đường Trường Chinh, tại mã hiệu Vật kiến trúc (VKT) 30025 được cho là cửa gỗ tạp đã được tính tiền thành cửa gỗ lim với giá trên 51 triệu đồng. 

Tại phần mã hiệu số 412, cửa xếp sắt không áo đã trở thành cửa Inox có áo với giá trên 27 triệu đồng. Tại phần mã hiệu VKT 30063 được cho là cánh cổng nhỏ đã được tính thành cửa hoa sắt với giá 4,7 triệu đồng. Toàn bộ bệ bếp đá thường có giá 700.000 đồng/m tính thành đá kim sa với giá 2,2 triệu/m. Bậc cầu thang đá granit thường với giá 500.000 đồng/m được tính thành đá kim sa với giá 2,2 triệu đồng/m. Như vậy, bà Y cho rằng, chỉ bằng động tác nhỏ lắp thêm nội thất vào căn nhà, làm cầu thang, bệ bếp này, ông Bằng và bà Hương đã “trục lợi” đến gần 200 triệu đồng từ quỹ bồi thường của dự án.

Sự việc chỉ vỡ lở ra khi xuất hiện mâu thuẫn giữa bà Y và chủ sở hữu ngôi nhà số 649 này. Dù toàn bộ phương án chi tiết bồi thường đã được cơ quan chức năng phê duyệt và ông Bằng, bà Hương đã nhận tiền bồi thường, bàn giao mặt bằng nhưng họ lại “quỵt” phần tiền công trang trí, lắp đặt nội thất của bà Y. 

Trên thực tế, không chỉ riêng 25 hộ gia đình tại phường Quán Trữ có đất bị thu hồi phục vụ việc xây lắp cầu Đồng Khê mà bất kỳ hộ gia đình nào có đất bị thu hồi để phục vụ dự án đều làm mọi cách để hưởng mức bồi thường cao nhất. Tuy nhiên, điều này đã “biến tướng” và gây hậu quả nghiêm trọng khi không chỉ hộ gia đình ông Bằng, bà Hương mà rất nhiều hộ gia đình kế cạnh thi nhau mời thợ đến lắp đặt thêm nội thất, sửa sang lại nhà cửa sau khi đã có thông báo thu hồi đất từ TP Hải Phòng. Từ đây mới xảy ra tình trạng các bức tường tại nhiều căn nhà thuộc diện thu hồi trên được trang trí giống nhau từ chất liệu đá, màu sắc, cách sắp xếp các viên đá... 

Không chỉ lắp đặt thêm nội thất, có tới 41 hộ gia đình trên địa bàn quận Kiến An có đất nằm trong chỉ giới thu hồi để phục vụ Dự án xây lắp cầu Đồng Khê còn tiến hành cơi nới thêm. Những trường hợp này đã được lập biên bản đình chỉ và chính quyền địa phương đã tiến hành cưỡng chế.

Chính quyền “bó tay”?

Đại diện lãnh đạo quận Kiến An và Trung tâm phát triển quỹ đất quận Kiến An thừa nhận có tình trạng người dân lợi dụng sơ hở của các quy định pháp luật để trục lợi từ việc đền bù giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, việc kiểm soát, quản lý tình trạng này là không thể thực hiện. Ngoài lực lượng nhân sự mỏng, theo ông Vũ Xuân Hải, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất Quận Kiến An thì nguyên nhân chính là do việc lắp đặt được triển khai một cách lén lút và vào ban đêm.

Ông Hải cho biết thêm, việc giải phóng mặt bằng để phục vụ cho xây lắp cầu Đồng Khê là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất từ trước đến nay của chính quyền sở tại. Từ khi có thông báo thu hồi đất vào năm 2012 đến tháng 8/2015, cơ quan chức năng mới có thể kiểm kê tài sản. Và phải đến tháng 8/2016, phương án đền bù cuối cùng mới được phê duyệt. Tất cả các ban ngành của quận, phường đã phải mất 4 năm và vận động, tuyên truyền tổng cộng 11 đợt để có thể thuyết phục được người dân chấp thuận phương án đền bù và bàn giao mặt bằng. 

Đây cũng là dự án đầu tiên của quận Kiến An cũng như TP Hải Phòng phức tạp đến mức Trung tâm phát triển quỹ đất  quận Kiến An phải ký hợp đồng với Viện Nghiên cứu công nghiệp rừng (thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) để giám định chủng loại gỗ, phải thuê đơn vị tư vấn để xác định loại đá ốp phục vụ cho công tác giải phóng mặt bằng được khách quan, chặt chẽ. Tuy nhiên, chi phí chi trả cho việc giám định chủng loại gỗ khá cao: 3,5 triệu/mẫu nên việc tiến hành lấy mẫu chỉ có tính chọn lọc. Được biết, tổng số tiền bồi thường cho 25 hộ gia đình tại phường Quán Trữ trên là 89 tỷ đồng, riêng nhà bà Hương, ông Bằng được bồi thường 5,7 tỷ đồng.

Trước thông tin dư luận cho rằng, các hộ dân đã câu kết với một số cán bộ của Trung tâm phát triển quỹ đất  quận Kiến An để lập khống, nâng mức bồi thường lên cao nhất có thể, ông Hải khẳng định không có hiện tượng tiêu cực trên. 

Được biết, ngay từ khi phát hiện thông tin một số gia đình lắp thêm cửa gỗ, lắp đá vào trang trí nội thất để tăng tiền đền bù, Chủ tịch UBND quận Kiến An Trần Văn Quý đã giao Công an Quận vào cuộc điều tra, xác minh. Và cũng ngay sau khi nhận được đơn tố cáo của bà N.T.Y thì chiều 18/10, bà Y đã được mời đến trụ sở UBND quận Kiến An để làm rõ sự việc. Hiện, Công an quận Kiến An đã vào cuộc điều tra vụ việc.

Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin.

Cầu Đồng Khê và đường dẫn (từ Km9+ 155 đến Km10 +600) thuộc gói thầu CW2A lô 1 thuộc Dự án phát triển giao thông đô thị Hải Phòng, có tổng mức đầu tư hơn 505 tỷ đồng. Phần đường có kết cấu mặt cho xe cơ giới với 2 làn xe cơ giới với tốc độ thiết kế 70km/giờ; 2 làn xe thô sơ và 3 ram lên cầu. Phần cầu sử dụng kết cấu dầm hộp bê tông cốt thép theo phương pháp đúc hẫng cân bằng. Cầu Đồng Khê là hạng mục quan trọng của tuyến đường trục đô thị nối từ Bắc Sơn (huyện An Dương) đến Nam Hải (quận Hải An).

Đọc thêm