Cố đô ngàn năm tuổi gây thương nhớ

(PLVN) -Một Ninh Bình của “ngành công nghiệp không khói” đã và đang dần rõ nét, và là điểm đến bốn mùa gây thương nhớ với du khách…
Du lịch miền di sản cố đô, điểm hẹn bốn mùa. (Nguồn: Sở Du lịch Ninh Bình)

Câu chuyện làm du lịch ở miền di sản

Đến Ninh Bình những năm gần đây bạn sẽ bất ngờ bởi vùng đất “4B”-“buồn, bực, bụi, bẩn” của gần 20 năm trước đã không còn nữa. Bởi nghề chính của nhiều người dân Ninh Bình ngày ấy là làm đá, vào núi phá đá đốt vôi, gây bụi bẩn mù mịt. Thế nhưng, từ thành phố đến vùng quê, Ninh Bình ngày nay đã sầm uất, trong lành và êm đềm xanh mướt mát. Những con đường như những dải lụa vắt ngang qua những cánh đồng, sông núi, hầu hết đường ô tô đều có thể về tận xóm làng. Một không gian mới được chăm chút gìn giữ cho màu xanh miên man ấy thêm trữ tình, riêng có của miền di sản. Du khách đến Ninh Bình có thể đi ô tô, tàu hỏa. Trên những chuyến tàu bắc nam, khách nước ngoài đi tàu xuống Ninh Bình luôn nhộn nhịp.

Mặc dù sau gần ba năm COVID-19, thế nhưng thay vì ngưng trệ hoàn toàn thì các doanh nghiệp du lịch cũng tích cực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khách sạn, nhà hàng, homestay... nâng cấp dịch vụ, mở thêm những sản phẩm du lịch mới. Điều này lý giải cho việc Ninh Bình là một trong những địa phương mở cửa du lịch sớm nhất, có lượng khách du lịch đông và xếp vào tốp đầu cả nước ngay khi mở cửa sau dịch. Nhờ đó, 6 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng dịch vụ của toàn tỉnh đạt 16%, qua đó đưa tăng trưởng chung cho toàn tỉnh đạt 7,56% so với cùng kỳ năm trước.

Được ví như “cửa ngõ” ra Bắc vào Nam, Ninh Bình nơi hội tụ của cả 3 không gian: Không gian kinh tế văn hóa núi cao, không gian kinh tế văn hóa châu thổ và không gian kinh tế văn hóa biển, tạo nên đặc trưng phong phú của một tỉnh có nhiều thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên. Từ việc sớm nhận diện được tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch, Ninh Bình đã từng bước xây dựng cơ chế, chính sách để phát triển. Đặc biệt là từ khi Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới năm 2014 đã tạo thế và lực mới cho sự phát triển của du lịch Ninh Bình, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quảng bá hình ảnh, bản sắc văn hóa của vùng đất, con người Cố đô Hoa Lư đến bạn bè trong nước và thế giới.

Nhiều năm trước, Ninh Bình tập trung vào những ngành công nghiệp nặng như sản xuất xi măng, phân bón, thép với công nghệ cũ. Nghề chính của nhiều người dân là vào núi phá đá đốt vôi. Hình ảnh người Ninh Bình đi bán đá, bán vôi khắp các vùng đã trở nên quen thuộc. Thế rồi từ những năm 2000, với việc chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, là hướng đi được Ninh Bình lựa chọn và được nhiều thế hệ lãnh đạo của Ninh Bình kiên trì thực hiện. Nghị quyết của Tỉnh ủy Ninh Bình về phát triển du lịch tỉnh giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045 xác định, phấn đấu đưa Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch lớn, nằm trong nhóm 10 điểm đến du lịch hàng đầu của cả nước và khu vực Đông Nam Á - du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, đóng góp 10% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP). Trong dịp kỷ niệm 50 năm Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới tại Việt Nam được tổ chức ở Ninh Bình vào tháng 9/2022, bà Audrey Azoulay – Tổng giám đốc UNESCO đã nhận xét: “Khu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An đã kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững mà vẫn tôn trọng thiên nhiên. Nơi đây đã trở thành hình mẫu, câu chuyện thành công trong việc duy trì mối quan hệ cân bằng giữa phát triển và bảo tồn di sản”.

Tới đây, tuyến đường Đông – Tây theo dự tính sẽ kéo dài khoảng 56km đi qua 4 huyện, thành phố, kết nối cực phía Tây đến cực phía Đông của tỉnh Ninh Bình, từ vùng rừng núi của huyện Nho Quan đến huyện ven biển Kim Sơn, sẽ mở ra không gian lớn cho phát triển. Tuyến đường này kết nối với các tuyến quốc lộ, hứa hẹn đánh thức tiềm năng của vùng đất phía Tây tỉnh Ninh Bình.

Nơi du khách “phải lòng”

Khu du lịch Hang Múa (Ninh Bình) nhộn nhịp đón khách quanh năm. (Nguồn: Internet)

Theo ông Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình tự hào là vùng đất cổ, nơi có con người cư trú từ thời tiền sử, cách đây 30 ngàn năm. Trước khi hình thành kinh đô Hoa Lư, nơi đây đã từng là một trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế với vai trò, chức năng trị sở lớn. Trải qua 86 năm, với tám đời vua của ba triều đại: Đinh, Tiền Lê, Lý, Nhà nước Đại Cồ Việt đã có đóng góp to lớn, giữ vị trí, vai trò quan trọng trong tiến trình lịch sử dân tộc, khẳng định mạnh mẽ nền độc lập, tự chủ, ý chí tự cường, tự tôn dân tộc.

Hơn một nghìn năm trôi qua, nhưng âm hưởng của kinh đô Hoa Lư xưa vẫn còn vang vọng tới tận hôm nay. Mặc dù, với tính chất kinh đô mang màu sắc quân sự nhưng chất cố đô đã ảnh hưởng, góp phần tạo nên tính cách người Ninh Bình. Sự hào hoa phong nhã, phong lưu nhưng rất tinh tế như một sự thừa hưởng tính cách của tầng lớp quý tộc phong kiến. Có thể đó còn là sự ảnh hưởng của vùng địa văn hoá với núi non trùng điệp của một Hạ Long trên cạn, là ảnh hưởng của sông Vân núi Thuý bình an như tên gọi Ninh Bình, mảnh đất bình yên và vững chãi.

Vùng đất địa linh nhân kiệt và không gian văn hóa đặc sắc ấy đã tạo nên tính cách con người cố đô Hoa Lư - Ninh Bình luôn yêu thương, đoàn kết, thân tình với nhau. Trên những chặng đường lịch sử ngàn năm, người Ninh Bình luôn thể hiện tinh thần cần cù, sáng tạo, đoàn kết, đùm bọc, giúp đỡ nhau trong khó khăn, gian khổ và luôn dũng cảm, kiên cường trước thiên tai, giặc ngoại xâm. Bên cạnh đó, thiên nhiên ưu ái ban tặng cho Ninh Bình một vùng non nước hữu tình với nhiều di tích, danh thắng nổi tiếng thu hút sự quan tâm đặc biệt của đông đảo du khách. Để từ đó, người dân Ninh Bình lại tiếp nối mạch nguồn văn hóa xa xưa chào đón du khách bằng sự chân chất, hiền hậu, mộc mạc, thanh lịch vốn có.

Thực tế, khi du khách đến với Tràng An hay bất kỳ điểm du lịch nào ở Ninh Bình chúng ta sẽ thấy mỗi người dân như một “đại sứ du lịch”. Việc giữ gìn, bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp đều do người dân thực hiện. Đặc biệt, ở các khu du lịch của Ninh Bình không có trộm cắp, không có ăn xin, không chèo kéo du khách mua bán, chụp ảnh. Trước đây, người dân Ninh Bình chỉ quen với nghề làm nông nghiệp, chăn nuôi, nghề thủ công thì nay hoạt động du lịch đã hình thành nhiều ngành nghề mới: Kinh doanh lưu trú, nhà hàng ăn uống, chèo thuyền phục vụ du khách, chụp ảnh, hướng dẫn viên tại các điểm du lịch, bán hàng, dịch vụ du lịch cộng đồng...

Có thể nói, việc phát triển du lịch đã làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của cư dân. Khi người dân sống cùng du lịch, họ thêm yêu thương, tự hào về lịch sử, truyền thống, để từ đó không ngừng gìn giữ, nâng niu bản sắc riêng có trên quê hương mình. Đồng thời, Ninh Bình đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đồng bộ, những giải pháp cụ thể, chú trọng giáo dục và nâng cao nhận thức của cộng đồng về phát triển du lịch... để mỗi người dân đều trở thành một sứ giả thiện chí.

Theo ông Nguyễn Cao Tấn, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình thì, khi người dân tham gia vào các hoạt động bảo tồn, khai thác du lịch, trở thành một phần của di sản thì họ mới gắn bó máu thịt và đồng hành với di sản. Thời gian tới, Ninh Bình tiếp tục khai thác du lịch theo chiều sâu, tạo thêm nhiều điểm đến mang giá trị văn hóa vào buổi tối như: Tổ chức sân khấu hoạt cảnh lớn giới thiệu về lịch sử đất và người Ninh Bình, các không gian thưởng thức văn hóa truyền thống như hát xẩm…

Bên cạnh đó, Ninh Bình sẽ xây dựng cánh đồng đồng lúa nghệ thuật Tam Cốc. Nếu như mùa hè, Tam Cốc rực rỡ với những cánh đồng lúa chín vàng còn bước sang mùa thu, đông, ngành đang xây dựng ý tưởng trồng hoa súng trên dòng sông Ngô Đồng. Đây là loài hoa bản địa, có khả năng sinh trưởng tốt, thời gian nở hoa kéo dài, màu hoa đậm nét tạo thành dòng sông hoa. Từ chính những sản phẩm nông nghiệp của người dân bản địa sẽ tạo nên một Tam Cốc “bốn mùa”.

Không chỉ vậy, du khách có thể có những trải nghiệm bốn mùa trải dài khắp các huyện như Nho Quan, Gia Viễn trong màu xanh bất tận của trầm tích ngàn năm và những mênh mang trữ tình, những món ăn mộc mạc rất riêng của miền di sản và châu thổ sông Hồng…