Cổ đông đề nghị ĐH Kinh doanh - Công nghệ Hà Nội chuyển đổi mô hình theo đúng quyết định của thủ tướng

(PLVN) - Mặc dù đã có quyết định chuyển đổi sang mô hình tư thục từ tháng 6.2019, song một bộ phận điều hành Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội vẫn cố tình trì hoãn, nhằm loại bỏ những cổ đông tâm huyết, vốn là các nhà giáo tâm huyết, đã bỏ tiền đầu tư xây dựng trường từ ngày thành lập cách đây 26 năm.
Cổ đông đề nghị ĐH Kinh doanh - Công nghệ Hà Nội chuyển đổi mô hình theo đúng quyết định của thủ tướng

Phớt lờ chủ đầu tư, chậm chuyển đổi cơ chế hoạt động

Xuất phát từ mong muốn phát triển giáo dục nước nhà, năm 1994, một số nhà giáo tâm huyết ở Hà Nội đã đứng ra góp vốn thành lâp Trường ĐH kinh doanh.

Ngày 13/10/1994, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thời điểm đó đã ra quyết định số 2943/GD-ĐT công nhận Hội đồng sáng lập Trường Đại học dân lập Kinh doanh gồm 21 thành viên do Giáo sư Trần Phương làm Chủ tịch. Tiếp đó, ngày 15/06/1996 Thủ tướng Chính phủ ra quyết định số: 405/TTg cho phép thành lập Trường Đại học dân lập Quản lý và Kinh doanh Hà Nội (năm 2006 đổi thành trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội). 

Kể từ khi thành lập cho đến trước khi có quyết định 671/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (ĐH KD&CN Hà Nội) sang mô hình trường tư thục vào ngày 3/6/2019,  trường này hoạt động theo phương thức không vì lợi nhuận, các cổ đông chỉ hưởng lợi tức cổ phần bằng lãi suất tiền tiết kiệm gửi ngân hàng.

Cổ đông đề nghị ĐH Kinh doanh - Công nghệ Hà Nội chuyển đổi mô hình theo đúng quyết định của thủ tướng

Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội

Những tưởng, sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển đổi từ mô hình dân lập sang tư thục, Ban Giám hiệu Trường ĐH KD&CN Hà Nội sẽ nhanh chóng tiến hành các bước chuyển đổi cần thiết theo nghị định 99/2019/NĐ-CP để ổn định hoạt động, quyền lợi của những nhà đầu tư được xác định

Cụ thể, lẽ ra ngay sau khi Thủ tướng có quyết định nêu trên, Trường ĐH KD&CN Hà Nội phải tiến hành các bước chuyển đổi từ mô hình dân lập sang tư thục như: soạn thảo Điều lệ trường ĐH tư thục mới, thực hiện kiểm toán, chốt tài sản, minh bạch tài chính, tiến hành đại hội cổ đông, thành lập Hội đồng trường (những người đại diện cho các nhà đầu tư), bầu Ban kiểm soát, Ban Giám hiệu theo mô hình trường “Đại học tư thục” và xây dựng mô hình quản trị theo Luật Doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đã hơn 1 năm sau khi có quyết định của thủ tướng,  những người điều hành ở trường này đã cố tình phớt lờ không thực hiện mà cố tình duy trì cơ chế cũ để trục lợi, khiến những nhà đầu tư bức xúc.

Chậm chuyển đổi mô hình vì “lợi ích nhóm”?

Trong đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng và truyền thông, ông Lại Việt Hùng - Ủy viên HĐQT, nguyên Trưởng phòng Quản trị A của trường đồng thời là cổ đông lớn nhất, là Trưởng ban Liên lạc các nhà đầu tư, cho rằng  có một nhóm lợi ích đang thao túng và cố tình chuyển đổi mô hình hoạt động không đúng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ để trục lợi.

Trong đơn, ông Hùng khẳng định rằng, tất cả các chức danh Ban Giám hiệu hiện tại đều do chỉ định, không được bầu bởi đại hội cổ đông, chưa được UBND TP Hà Nội công nhận. Do đó, mọi hoạt động của BGH hiện nay theo qui định của pháp luật là bất hợp pháp.

Ông Hùng cho biết, lợi dụng việc Giáo sư Trần Phương lớn tuổi, đang bệnh (GS Trần Phương năm nay 93 tuổi, bị tai biến, phải ngồi xe lăn, không thể điều hành, không thể cầm bút ký được), một hiệu phó cùng một số người trong trường đã sử dụng mẫu chữ ký được đúc sẵn của ông để lập hồ sơ gửi lên Bộ GD&ĐT xin chuyển từ trường đại học dân lập sang trường“đại học  tư thục không vì lợi nhuận”, để mặc sức thao túng hàng ngàn tỉ lợi nhuận tích lũy. Tuy nhiên, vụ việc thất bại vì hồ sơ gửi đi không hợp lệ.

Sau vụ hồ sơ không hợp lệ này, đến ngày 3/6/2019, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định 671 đồng  ý cho Trường ĐH KD&CN Hà Nội chuyển từ mô hình Dân lập sang Tư thục.

Cũng cần lưu ý rằng, trường “đại học tư thục không vì lợi nhuận” sẽ hoạt động không vì lợi nhuận, không rút vốn, không hưởng lợi tức; phân lợi nhuận tích lũy hằng năm thuộc sở hữu chung hợp nhất không phân chia để tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đại học, trong khi “đại học tư thục” hoạt động theo kiểu như một doanh nghiệp. Và theo ông Hùng đó là lý do mà “nhóm lợi ích” cố chuyển từ trường đại học dân lập sang “Đại học tư thục không vì lợi nhuận” để qua đó gạt quyền lợi hợp pháp, đóng góp của các nhà đầu tư (cổ đông) ra khỏi trường và thu lợi trái phép.

Trở lại với quyết định số 671/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển đổi Đại học KD&CN Hà Nội loại hình từ dân lập sang tư thục và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019, trong đó quy định thời gian phải thực hiện việc chuyển đổi, thành lập, công nhận Hội đồng trường, Chủ tịch Hội đồng trường phải xong trước ngày 15/8/2020.

Tuy nhiên, mặc cho quyết định của Thủ tướng Chính phủ và thời gian ấn định của Nghị định 99, Ban giám hiệu Trường ĐH KD&CN Hà Nội lập ra hàng loạt tổ chức gọi là “Ban trù bị”, “Nhà đầu tư là cổ đông”, “Hội đồng thư ký”, “chi phí vốn” và tất cả đều theo hướng trường “Đại học tư thục không vì lợi nhuận”.

Chính sự đánh tráo khái niệm của Ban giám hiệu Trường ĐH KD&CN Hà Nội, sự không minh bạch, theo ông Lại Việt Hùng, đã gây thiệt hại lớn đến các cổ đông sáng lập và đó là lý do mà các cổ đông đề nghị cơ quan chức năng sớm can thiệp để trả lại quyền lợi hợp pháp của mình.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Đọc thêm