Bất tín nhiệm hoàn toàn
Theo Luật Doanh nghiệp (DN) và Điều lệ của PNC, cổ đông nắm giữ 10% cổ phần phổ thông trở lên liên tục hơn 6 tháng thì được quyền yêu cầu triệu tập Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường. Dựa trên Khoản 3 Điều 114, Điểm c Khoản 3 Điều 136, Khoản 5 Điều 136 Luật DN 2014 và Điểm a, b Điều 12 Điều lệ PNC, ngày 29/7/2015 nhóm cổ đông (CĐ) đang nắm giữ 18,56% cổ phần đã gửi đơn yêu cầu Hội đồng quản trị (HĐQT) triệu tập ĐHĐCĐ bất thường để giải quyết những vấn đề mà nhóm CĐ này đưa ra, gồm: xem xét bãi nhiệm thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2012-2017; xem xét bãi nhiệm thành viên Ban Kiểm soát (BKS) nhiệm kỳ 2012-2017; chọn đơn vị kiểm toán mới thay đơn vị kiểm toán hiện nay là Cty Kiểm toán DTL (DTL); sửa đổi Điều lệ PNC hiện hành đã được ĐHĐCĐ thông qua ngày 26/7/2014. Nhóm này nhấn mạnh: Nếu HĐQT không thực hiện hay thực hiện không đúng, yêu cầu BKS triệu tập ĐHĐCĐ bất thường.
Lý giải việc bất tín nhiệm HĐQT đến như vậy, đại diện nhóm CĐ này cho biết: “HĐQT đã có nhiều hành vi sai phạm như vi phạm Nghị định 52/NĐ-CP hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Cụ thể, phần vốn liên doanh trong Megastar của PNC là 20% nhưng HĐQT công bố qua bản cáo bạch, báo cáo tài chánh, báo cáo tổng kết là 10%. HĐQT công bố thông tin đối tác CJI độc lập với Envoy nhưng thực chất 2 đối tác này là một (PLVN đã phản ánh ở loạt bài trước). HĐQT bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Hoạt làm Tổng Giám đốc ngày 22/5/2015 nhưng không trình phê chuẩn ĐHĐCĐ là vượt thẩm quyền”.
Một CĐ bức xúc: “Cty DTL không thực hiện tốt vai trò kiểm toán, báo cáo sau kiểm toán không trung thực, chỉ kiểm toán 10% vốn góp trong Megastar. HĐQT và BKS đã lừa dối chúng tôi. Từ năm 2011 đến nay, qua thông báo của HĐQT, qua báo cáo tài chánh được DTL xác nhận, CĐ chúng tôi biết PNC chỉ còn 10% vốn góp trong liên doanh CJ CGV Việt Nam (CGV VN). Thế nhưng trong thông cáo chung ngày 20/7/2015 giữa Envoy Media Partners (Envoy) với PNC, Envoy đã xác nhận rằng tỷ lệ vốn góp của PNC trong liên doanh CGV VN (CJ CGV Hàn Quốc mua 92% vốn của EnvoyPV) là 20% vốn điều lệ. Khoản vốn mà Evoy nộp thay PNC thuộc sở hữu của PNC”.
Vị này nhấn mạnh: “Cụm từ “thuộc sở hữu PNC” khẳng định PNC có 20% vốn trong CGV VN, thế nhưng HĐQT và kiểm toán chỉ báo cáo 10%, vậy 10% còn lại (tương đương 800.000 USD) đi đâu, sao không thể hiện trên báo cáo tài chính 2014? Tại sao BKS không biết 10% này đi đâu từ năm 2011 đến 20/7/2015? Phải chăng BKS là bù nhìn của HĐQT?”.
Do kết quả kinh doanh của PNC thua lỗ liên tục trong năm 2012-2013 nên cổ phiếu của PNC bị đưa vào diện kiểm soát và sẽ bị hủy niêm yết nếu năm 2014 tiếp tục bị lỗ. Lập tức CGV VN “quăng” cho PNC một cái phao trị giá 600.000 USD. Số tiền này được DTL báo cáo trong kết quả kiểm toán rằng: Năm 2014 Cty có khoản thu dịch vụ từ Cty TNHH CJ CGV Việt Nam là 11. 650.909.901 đồng.
Tại ĐHĐCĐ ngày 16/7/2015, nhiều CĐ chất vấn HĐQT và BKS về khoản thu dịch vụ này: Dịch vụ này là dịch vụ gì? Hợp đồng dịch vụ có vi phạm pháp luật hay không? Tiến độ thực hiện hợp đồng đến đâu? Khoản thu này đã quyết toán thuế hay chưa?... Trước những câu hỏi của CĐ, thành viên HĐQT - Luật sư Nguyễn Ngọc Bích trả lời: Mặc dù chưa được cơ quan chức năng cho phép nhưng HĐQT đã đem lợi về cho Cty. Câu trả lời này bị CĐ phản đối kịch liệt.
Ban Kiểm soát chỉ là “bù nhìn”
Trước khi ĐHĐCĐ lần thứ nhất diễn ra (17/6/2015), nhóm CĐ nắm giữ 10,91% cổ phần gửi một bản kiến nghị đến BKS yêu cầu BKS đưa những vấn đề nêu trên vào chương trình nghị sự của đại hội. Ngày 16/6/2015, BKS trả lời nhóm CĐ này bằng Công văn số 05/BKS-PNC nhưng nội dung hoàn toàn không dính dáng gì đến những vấn đề mà nhóm CĐ này yêu cầu. Sau đó, chính BKS đơn phương rút lại Công văn 05 và những yêu cầu của nhóm CĐ này bị BKS phớt lờ.
Chính vì những khuất tất trên nên CĐ tẩy chay ĐHĐCĐ ngày 17/6/2015. ĐHĐCĐ này không nhóm họp được vì CĐ tham gia không đủ tỷ lệ theo luật định. Sau đó nhóm CĐ này tiếp tục gửi bản kiến nghị lần 2 đến BKS, ngoài những yêu cầu đã nêu lần trước, yêu cầu BKS xác định trách nhiệm của HĐQT, BKS về việc không đưa những kiến nghị đúng luật của họ vào chương trình ĐHĐCĐ, đồng thời làm rõ những sai phạm của Ban điều hành như PLVN đã nêu ở loạt bài trước…
Phúc đáp CĐ bằng email ngày 24/7/2015, Trưởng BKS - bà Huỳnh Kim Đảnh chỉ nại lý do là làm việc kiêm nhiệm, không chuyên trách, phải tập trung báo cáo các cơ quan có liên quan… nên xin thêm thời gian để trả lời. Đến nay đã quá thời hạn theo luật định nhưng BKS vẫn im lặng.
Do không tin tưởng vào tính trung thực của báo cáo tài chính năm 2014 (điển hình là mâu thuẫn giữa tỷ lệ góp vốn của PNC tại CGV VN như đã đề cập ở trên), nhóm CĐ đã yêu cầu Cty chọn đơn vị kiểm toán mới để kiểm toán lại báo cáo tài chính năm 2014. PLVN đã cố gắng liên lạc với ông Đặng Xuân Cảnh - Tổng Giám đốc DTL để có thêm thông tin nhưng ông Cảnh không nghe điện thoại.
Chính bởi thái độ bất chấp của HĐQT nên ĐHĐCĐ lần 2 ngày 16/7/2015 của PNC cũng thất bại do 61% CĐ biểu quyết bác bỏ toàn bộ các báo cáo, tờ trình của HĐQT. Chưa biết ĐHĐCĐ bất thường rồi đây có cứu vãn được một thương hiệu Việt vốn từng được nhiều người yêu mến.