Phía sau cuộc “chiếm quyền” của cổ đông ngoại, quyền lợi của hàng trăm người lao động tại Anco cũng không có ai đứng ra bảo vệ…
Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Anco được thành lập năm 2001, năm 2003 chính thức chuyển sang liên doanh, với 60% cổ phần do 3 cổ đông người Malaysia lắm giữ và 40% cổ phần do hai người Việt Nam là ông Thân Trung Tín và Lê Văn Hiếu nắm giữ. Phía Malaysia giữ vai trò Chủ tịch HĐQT, còn phía Việt Nam do ông Tín làm Tổng Giám đốc - người đại diện theo pháp luật.
Ngày 6/11, Anco họp HĐQT với 8 nội dung đưa ra để bàn thảo, phê chuẩn; trong đó, nội dung 3.1 là việc bãi miễn Tổng Giám đốc -người đại diện pháp luật của Cty; điểm 3.2 là việc bổ nhiệm Tổng Giám đốc - người đại diện pháp luật của Cty. Cuộc họp HĐQT mới chỉ thực hiện hết nội dung 3.2 thì tạm dừng vào lúc 19 giờ cùng ngày, thống nhất sẽ họp tiếp vào ngày 12/11/2013. Văn bản cuộc họp (viết tay của thư ký cuộc họp) đã ghi rõ: “Tạm dừng cuộc họp tại điều 3.3 cho nên mọi quyết định tại cuộc họp này chưa được công bố và thực hiện”.
Tuy vậy, ngày 7/11/2013, ông Yew Kean Lai - Chủ tịch HĐQT Anco - đã ký văn bản gửi Ban Quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai đề nghị điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư của DN. Theo đó, đến ngày 11/11/2013, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh số 472033000720 với nội dung: “Thay đổi người đại diện theo pháp luật của DN từ ông Thân Trung Tín sang ông Ernest Vijyakumar Richars”.
Đến ngày 20/11, theo thông báo của ông Yew Kean Lai gửi ông Thân Trung Tín, cuộc họp HĐQT tiếp tục lúc 9h30 và với tư cách là Chủ tịch HĐQT, ông Yew Kean Lai thông báo việc bổ nhiệm Tổng Giám đốc - người đại diện pháp luật mới của Anco là ông Ernest Vijyakumar Richars. Như vậy, một trong hai cổ đông Việt Nam tại Anco đã bị cổ đông ngoại “chiếm quyền”?
Không chỉ vi phạm nội dung cuộc họp HĐQT, Chủ tịch HĐQT Anco Yew Kean Lai đã “bỏ qua” cả những quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của Cty Anco khi tại Điều 20 có ghi rõ thông qua quyết định của Đại hội đồng cổ đông: Bầu, nhiễm miện và thay thế thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát, phê chuẩn việc HĐQT bổ nhiệm Tổng Giám đốc điều hành.
Khi được hỏi về việc cấp điều chỉnh giấy phép mới của Anco, bà Dương Thị Xuân Nương - Phó Trưởng phòng quản lý đầu tư, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai nói: “Ban Quản lý đã làm theo đúng quy trình, quy định của việc cấp phép. Còn việc HĐQT Anco chưa họp xong, nhiều nội dung của cuộc họp chưa được thảo luận và phê chuẩn thì mãi đến sáng ngày 22/11, ông Hiếu đến phản ánh mới biết. Việc Chủ tịch HĐQT không thực hiện đúng cam kết trong cuộc họp HĐQT thì thấy cần thiết ông Hiếu và ông Tín có thể khiếu nại để Ban Quản lý phối hợp cùng giải quyết”.
Quyền lợi của hàng trăm cán bộ nhân viên liệu có bị “đánh cắp”?
Theo hồ sơ lưu được bà Nương cho xem, ngoài đơn đề nghị cấp điều chỉnh Giấy phép đầu tư của Chủ tịch HĐQT Anco, biên bản cuộc họp HĐQT được đánh máy cắt khúc và đóng dấu treo, kèm theo là những lá phiếu tán thành của các thành viên HĐQT. Bà Nương cho rằng: “Như vậy đã đủ căn cứ việc HĐQT đã thông qua để Ban Quản lý cấp đổi giấy phép điều chỉnh”.
Chỉ là biên bản được đóng dấu treo mà đã cho là đủ căn cứ để cấp giấy phép mới làm thay đổi người đại diện pháp luật - Tổng Giám đốc của một DN, không hề căn cứ vào những quy định tại Điều lệ hoạt động của Anco như Ban Quản lý các KCN Đồng Nai đã làm, liệu có phải là hành động “tiếp tay” cho cổ đông ngoại “chiếm quyền” quản lý, điều hành Anco?
Và, mối nguy hại nhất ở đây là ngoài việc thâu tóm DN, sẽ là một kế hoạch thao túng thị trường thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam, đe dọa quyền lợi của toàn bộ lao động Việt Nam. Kể từ khi quy mô phát triển được đẩy lên cao, phía cổ đông Malaysia dùng quyền phủ quyết tìm cách chia tách, thâu tóm quyền điều hành trong Anco. Đến khi đối tác Malaysia tham gia vào nhiều mặt quản lý điều hành, tại Anco đã hình thành nên hai cấp quản lý, nảy sinh nhiều mâu thuẫn. Nhiều chế độ phúc lợi của cán bộ nhân viên (CBNV) Việt Nam làm việc tại đây luôn bị phía cổ đông Malaysia áp đặt cắt giảm bớt, bất chấp việc phía cổ đông Việt Nam nhiều lần đề nghị tăng lương.
Theo định kỳ, tháng 8 hàng năm Cty tăng lương cho CBNV nhưng năm 2012, phía cổ đông Malaysia tìm cách trì hoãn, đòi bỏ qua quy định, ép người lao động nhận mức lương cũ thêm 5 tháng. Chỉ sau nhiều lần đấu tranh của hai cổ đông Việt Nam, phía Malaysia mới chấp nhận bù trượt vào tháng 8/2012 và hứa tăng lương vào tháng 1/2013 nhưng đến thời điểm đó, họ lại lấy lý do đã tăng lương đợt tháng 8 định kỳ nên không tăng nữa. Chính từ điều này, tháng 1/2013 đã xảy ra đình công tại Nhà máy Anco Đồng Nai nhưng cho đến tận bây giờ, chưa có bất cứ cơ quan nào đứng ra bảo vệ cho quyền lợi chính đáng của những người lao động Việt Nam…