Công ty Vĩnh Tường nhiều lần nói dối Chủ tịch Nước

(PLO) - Bằng chứng cho thấy Công ty Vĩnh Tường nói dối thể hiện trong nhiều đơn gửi Chủ tịch Nước trước và sau khi Tòa án xét xử phúc thẩm vụ Công ty Cổ phần Vĩnh Thiện Đồng Nai khởi kiện đòi Công ty Vĩnh Tường phải giao tài sản theo hợp đồng để đối trừ công nợ.
Chụp mũ “lừa đảo” cho ân nhân 
Sau khi Báo Pháp luật Việt Nam đăng bài phản ánh việc bà Linda Tan Woo - Chủ tịch Công ty TNHH Vĩnh Tường có đơn kêu cứu gửi Chủ tịch Nước với nội dung không trung thực, Báo Pháp luật Việt Nam đã nhận được phản hồi từ Công ty Vĩnh Tường. Trong đơn, bà Linda Tan Woo cho rằng Công ty Vĩnh Tường là “nạn nhân” của một vụ lừa đảo và việc Báo Pháp luật Việt Nam phản ánh như trên sẽ gây “hiểu lầm” đối với Công ty Vĩnh Tường.
Khách sạn Wooshu Plaza đã được Tòa giao cho Công ty Vĩnh Thiện Đồng Nai
Khách sạn Wooshu Plaza đã được Tòa
giao cho Công ty Vĩnh Thiện Đồng Nai 
Việc Công ty Vĩnh Tường là nạn nhân hay “thủ phạm” có lẽ không cần thiết phải nhắc lại bởi các chứng cứ trong hồ sơ vụ án mà Báo Pháp luật Việt Nam nêu ra đã nói rõ điều này. Điều mà dư luận quan tâm là cần phải nghiêm khắc đối với những nội dung không trung thực trong đơn gửi Chủ tịch Nước. Vì, Tòa án đã xem xét và khẳng định những nội dung mà Công ty Vĩnh Tường nêu là không có cơ sở nhưng vẫn được Công ty Vĩnh Tường lặp đi lặp lại để che giấu sự thật là không muốn trả lại tiền đã vay.
Không những thế, trước phiên tòa phúc thẩm, ngày 3/8/2013 và ngày 12/9/2013, bà Linda Tan Woo còn gửi đơn đến Chủ tịch Nước và lãnh đạo Bộ Công an và CQĐT Bộ Công an tố cáo bà Nguyễn Thị Bích Hạnh (người đã đứng ra vay tiền giúp Công ty Vĩnh Tường để trả nợ Ngân hàng Nam Á) có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 
Trong các đơn này, bà Linda Tan Woo còn vu cáo công chứng viên đã công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất bị bà Hạnh “mua” và “tố” cả thẩm phán xét xử sơ thẩm vụ án là bị mua chuộc mà xử sai. Việc tố giác ân nhân và các công chức nhà nước nhưng không có chứng cứ chính là các bằng chứng rõ nét nhất của việc nói dối Chủ tịch Nước.
Những đơn từ trên của Công ty Vĩnh Tường và bà Linda Tan Woo không thể đảo ngược sự thật là bà Nguyễn Thị Bích Hạnh đã đứng ra vay tiền giúp Công ty Vĩnh Tường. Vì, ngoài các giấy tờ mà Công ty Vĩnh Tường và bà Linda Tan Woo ký ủy quyền cho bà Hạnh đứng ra vay vốn và thế chấp tài sản để trả nợ vay thì việc sử dụng tiền vay để trả hết nợ cho Ngân hàng Nam Á là chứng cứ không thể phủ nhận được.
Hơn nữa, ngay trong đơn gửi Chủ tịch Nước, bà Linda Tan Woo cũng phải thừa nhận đã ký ủy quyền để bà Hạnh vay 10 triệu USD cho Công ty. Bản thân bà Linda Tan Woo cũng đã tự tay xác nhận khoản nợ này. Trong thư tay ngày 15/9/2012 gửi vợ chồng bà Hạnh, bà Linda Tan Woo cũng xác nhận nợ gốc 10 triệu USD và gần 1 triệu USD tiền lãi, và đề nghị vợ chồng bà Hạnh gia hạn trả nợ. 
Thậm chí, bà Linda Tan Woo còn tô đậm dòng chữ “nếu sau này có làm gì thì cũng chỉ là để bảo vệ tài sản của Công ty Vĩnh Tường” có hàm ý đe dọa vợ chồng bà Hạnh nếu như vợ chồng bà Hạnh cứ yêu cầu bà Linda Tan Woo phải xuất hóa đơn cho hợp đồng chuyển nhượng tài sản với giá 228 tỷ đồng như đã nêu.  
Thổi phồng giá trị tài sản để làm tăng… nỗi đau
Và đúng như lời “đe” trong thư tay gửi vợ chồng bà Hạnh, khi bị khởi kiện yêu cầu giao tài sản để đối trừ nợ, bà Linda Tan Woo đã tìm mọi cách để chối bỏ khoản vay và thậm chí còn tố cáo bà Hạnh là ký hợp đồng vay 10 triệu USD “khống” khiến cho bà Hạnh nhiều phen lao đao vì bị Công an Đồng Nai triệu tập đến để giải quyết đơn tố cáo của bà Linda Tan Woo. Ngay cả khi CQĐT không có bằng chứng gì để biến bà Hạnh thành “tội nhân lừa đảo”, bà Linda Tan Woo vẫn gửi đơn đến Chủ tịch Nước vu khống bà Hạnh đã lừa đảo Công ty Vĩnh Tường.
Những thông tin không trung thực còn thể hiện ở việc bà Linda Tan Woo thổi phồng giá trị tài sản để chứng minh việc Tòa buộc Công ty Vĩnh Tường giao tài sản cho Công ty Vĩnh Thiện Đồng Nai để trừ nợ là gây thiệt hại cho Công ty Vĩnh Tường. Bà Linda Tan Woo cho rằng, khách sạn Wooshu Plaza có trị giá 500 tỷ đồng nên việc bà Hạnh bán với giá 228 tỷ đồng là... quá rẻ.
Sự thực thì hoàn toàn không phải như vậy. Khi giải quyết vụ kiện này, TAND tỉnh Đồng Nai đã tiến hành định giá tài sản. Theo kết quả định giá của Công ty Cổ phần Thẩm định giá Đồng Nai thì quyền sử dụng đất và tài sản trên đất là khách sạn Wooshu Plaza chỉ có giá hơn 194 tỷ đồng. Với giá trị tài sản được xác định như trên thì việc bà Hạnh chuyển nhượng tài sản cho Công ty Vĩnh Thiện Đồng Nai với giá 228 tỷ là làm lợi cho Công ty Vĩnh Tường.
Vụ án đã bước vào giai đoạn thi hành án nhưng Công ty Vĩnh Tường không chấp nhận trả nợ mà tìm mọi cách tác động để mong muốn được “giám đốc thẩm” vụ án, kể cả việc chụp mũ “lừa đảo”, “rửa tiền” lên đầu người đã giúp đỡ, cho vay tiền. Song, những thông tin không trung thực mà Công ty Vĩnh Tường gửi đến lãnh đạo Nhà nước và các cơ quan tư pháp không giúp Công ty Vĩnh Tường tránh được nghĩa vụ trả nợ mà còn có thể trở thành bằng chứng để cơ quan chức năng xử lý đối với hành vi vu khống và chiếm đoạt tài sản của ân nhân.

Đọc thêm