Ấy thế nhưng thời gian càng lùi, trở lại những nơi đó càng buồn. Đà Lạt mộng mơ, người dân thân thiện. Nhưng càng về sau này, Đà Lạt mất dần đi những thứ đó. Mà sự mất mát là bởi con người. Bản sắc tạo nên Đà Lạt là thiên nhiên, cảnh quan và khí hậu chứ không phải bê tông. Con người với “tư duy ngắn hạn”, “tầm nhìn nông nổi” đã biến trung tâm Đà Lạt đẹp như cô gái má hồng e thẹn thành cô gái thành thị lạnh lùng.
Các vấn đề quan trọng nhất của thành phố: lợi ích về kinh tế, văn hóa lịch sử và môi trường thì những người có trách nhiệm từ nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ khác đều không “trả lời” được, thậm chí sai lầm chồng lên sai lầm.
Thành phố Nha Trang đẹp, hấp dẫn vì mọc lên trên bờ một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới. Đặc trưng của vịnh Nha Trang chính là dải cây xanh cộng với bãi cát trắng và mặt nước vịnh tạo nên cảnh quan của cả một cái vịnh không ở đâu có.
Nơi đây cũng là chỗ để mọi người đều được hưởng thụ cái không khí trong lành của biển và cảnh quan vịnh này. Còn bây giờ cho bê tông hóa lên tức là đã xây dựng, đã hủy hoại môi trường. Quy hoạch Nha Trang đã biến thành phố này trở thành “nồi lẩu” của bê tông và kính.
Những ngày vừa qua, dư luận Đà Nẵng lại nóng lên khi UBND TP Đà Nẵng có một văn bản hành chính (công văn) cho tạm dừng triển khai dự án Marina Complex để kiểm tra, rà soát hồ sơ pháp lý của dự án. Thưa vâng, hai bờ sông Hàn trong lòng Đà Nẵng là hữu hạn nhưng nhu cầu và lòng tham là vô hạn. Một xăng-ti mét vuông lấn sông Hàn đã mang lại “tiền tấn” cho chủ đầu tư.
Ở đây, vì lợi nhuận người ta không chỉ băm nát đô thị mà còn can thiệp thô bạo vào dòng chảy – điều tự nhiên đã sắp xếp cân bằng vĩnh cửu.
Thử hỏi trên đất nước Việt Nam này, có mấy dự án, quy hoạch được hỏi ý kiến nhân dân?. Lợi ích của nhân dân, đất nước bị đặt dưới lợi ích của nhà đầu tư (không thiếu bóng dáng của nhóm lợi ích); lợi ích ngắn hạn “đè bẹp” lợi ích dài hạn; lợi ích “nhất thời” bóp nát” lợi ích vĩnh cửu.
Những đô thị nhìn về không gian quy hoạch đã thấy “chụp giật” đến méo mó và kinh dị. Những trung tâm đô thị lớn của cả nước ùn tắc đã đến mức không chịu đựng nổi vì “tư duy chặt chém”. Hở ra miếng đất nào là cấp phép cho các dự án bất động sản, tòa sau cao hơn tòa trước. Lợi nhuận rơi vào túi các nhà đầu tư là không giới hạn nhưng lợi ích công bị “bóp chết”.
Hình như “tư duy địa ốc” đã thay thế, nhường chỗ cho tư duy bền vững. “Văn hóa bê tông” đã thay thế các các giá trị trường tồn?.