Dùng cây dại làm nhang sinh học
Nén nhang (còn gọi là hương) theo quan niệm dân gian kết nối tâm linh giữa thế giới con người với một thế giới vô hình mà xưa nay dân gian tin rằng nó tồn tại. Dâng hương thể hiện sự thành kính với ông bà tổ tiên hay thần linh. Điều đó đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống không thể thiếu với người phương Đông nói chung và người Việt nói riêng.
Tuy nhiên, thực tế khói nhang lại tác hại xấu đến sức khỏe con người. Theo các nhà khoa học, khói nhang có thể gây ung thư tương tự khói thuốc lá, gây tổn thương mắt, da, hệ hô hấp, hệ thần kinh... của con người nên khi hít phải khói nhang ta thường ho, chảy nước mắt và khó thở…
Những tác động nguy hiểm này đang ảnh hưởng sức khỏe hằng ngày nhưng ít ai quan tâm. Cô giáo Đào đã vận dụng chuyên môn của mình để nghiên cứu ra loại nhang sinh học lành tính, bảo vệ sức khỏe. “Tôi mong muốn tạo ra một sản phẩm hữu cơ lành tính với người tiêu dùng, sao cho khi thắp nhang lên trong gia đình có bầu không khí sạch”, chị Đào chia sẻ.
Tận dụng những kinh nghiệm dân gian ông bà truyền lại và vốn sống, vốn kiến thức của mình, chị Đào dành thời gian thí nghiệm cây quao nước, một loại cây mọc dại ven các kênh rạch miền Tây. Đối với vùng sông nước, cây quao là một loại thực vật khá “lì lợm”, có khả năng chống sạt lở tốt, khả năng chống chịu mặn cao. Ngoài ra, nó còn được người dân sử dụng làm thuốc chữa bệnh hoặc mỗi lần đi vườn bà con cũng thường dùng lá cây quao chà vào tay, chân tránh các loài côn trùng đốt.
Năm 2013, chị Đào bắt đầu lên ý tưởng và mày mò công thức làm nhang. Trải qua nhiều lần thất bại, một năm sau chị mới có được thành phẩm hoàn chỉnh. Sau đó, chị mang dự án của mình đi thi và sản phẩm nhang sinh học đạt giải Chung kết tại cuộc thi Khởi nghiệp Nông nghiệp năm 2017.
Có thể nói, đây là bước đà quan trọng tiếp thêm niềm tin và động lực để chị hoàn thiện nhang quao có chất lượng tốt nhất và nhanh chóng đưa sản phẩm đến gần bà con. Hiện sản phẩm nhang quao của chị Đào đã có mặt tại nhiều nơi như Hà Nội, TP HCM và các tỉnh ĐBSCL...
Tác dụng nhiều trong 1
Đặc điểm nổi bật của nhang này là không sử dụng bất kỳ một loại hóa chất nào trong quá trình làm nhang nên đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng. Thêm vào đó, nhang quao không có chất dễ cháy nên hầu như không có khói, tránh ô nhiễm không khí.
Mỗi cây nhang có thể cháy liên tục 80 - 90 phút, không bị tắt ngấm giữa chừng nên được nhiều người ưa chuộng. Chị Ngô Ngọc Gia (huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre) cho biết: “Hồi nào giờ mình ở đây chỉ biết trồng cây này cho không lở đất, trồng làm thuốc nam với nấu lá xông. Nghe nói làm nhang thấy cũng lạ lạ nên mình cũng mua dùng thử để coi sản phẩm như thế nào. Đốt nhang này không có nhiều khói, cảm giác không độc hại như những nhang nhà hay dùng trước đó, mà mùi thì thơm dễ chịu nữa nên tui thấy an tâm”.
Chia sẻ về quá trình làm nhang, chị Đào cho biết, để làm nhang, trước tiên phải thu hái lá quao, đem phơi khô rồi xay nhuyễn. Do lá quao không có tinh dầu, khó cháy nên chị phối trộn với các loại dược liệu thuốc bắc có tinh dầu, hương thơm để tạo nên nhang sinh học hoàn toàn thiên nhiên. Chính vì vậy, nhang của chị có màu nâu tự nhiên của dược liệu và mùi thơm thoang thoảng dễ chịu của đồng quê.
Cơ sở làm nhang của chị Đào còn giúp tăng thu nhập cho các chị em phụ nữ tại địa phương, đặc biệt là những cô, dì lớn tuổi. |
Theo chị Đào: “Công đoạn quan trọng nhất quyết định tới sự thành bại của sản phẩm là điều chỉnh độ nén của máy với cái lưới xay và công thức không được sai hàm lượng, nếu không sản phẩm ra khác liền. Để có được hương thơm tốt nhất và độ cháy tốt nhất, tôi thay đổi 16 lần công thức mới thấy ổn”.
Điểm đặc biệt khác của nhang quao là có đến hai công dụng. Bên cạnh việc dùng để thắp lên bàn thờ, nhang này còn có tác dụng xua muỗi giống như nhang muỗi nên bà con còn có thể yên tâm thay thế nhang muỗi thông thường. Ở những miền quê, các em học sinh hay đốt nhang muỗi học bài mỗi đêm, suốt 12 năm học lượng hóa chất độc hại các em hít vào là không nhỏ, nên sử dụng nhang này sẽ rất tiện lợi.
Việc sản xuất nhang sinh học của cô giáo miền Tây còn tạo thêm công việc ổn định, tăng thu nhập cho các chị em phụ nữ tại địa phương, đặc biệt là những cô, dì lớn tuổi. “Cũng nhờ cô Đào mà những chị em phụ nữ khoảng từ 50 tuổi trở lên có công ăn việc làm thêm. Làm ở đây một ngày chị em kiếm được 70 - 80.000 đồng. Tùy theo thời tiết, nắng làm được nhiều thì sẽ được tiền hơn”, chị Nguyễn Thị Tuyết Lan (huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre) người đang làm việc tại cơ sở của chị Đào cho biết.
Cây quao nước thường mọc hoang ở các bờ kênh rạch miền Tây, chủ yếu có nhiều ở Bến Tre, rừng U Minh...
Theo Đông y, quao có vị chua, chát, tính bình, không độc, vỏ thân, lá và rễ cây quao có thể dùng làm thuốc trị bệnh. Vỏ cây chuyên chữa các bệnh như viêm gan, xơ gan... lá cây bổ phổi từ ho, rễ cây có tác dụng chữa sỏi thận cũng rất tốt.