Có hai ông Trần Văn Hoài trong lịch sử chống Pháp miền Tây Nam Bộ

(PLVN) - Cần Thơ có một con đường mang tên Trần Văn Hoài. Tiền Giang cũng có một trường THPT Trần Văn Hoài. Thoạt nghe qua, nhiều người cứ nghĩ là cùng một người nhưng trên thực tế lại là hai nhân vật cùng tên sống cùng sống ở giai đoạn lịch sử kháng chiến chống Pháp miền Tây Nam Bộ.
Ảnh tư liệu ông Trần Văn Hoài (1914 - 1949) treo cờ Thành đồng Tổ quốc ngày 2/9/1948
Ảnh tư liệu ông Trần Văn Hoài (1914 - 1949) treo cờ Thành đồng Tổ quốc ngày 2/9/1948

Tên của các anh hùng, các nhân vật lịch sử thường được dùng đặt tên các tuyến đường, trường học. Có khi tên một người lại được sử dụng để đặt phổ biến ở nhiều tỉnh, thành khác nhau. Trường hợp nhân vật “Trần Văn Hoài” nhiều người cũng nghĩ là giống vậy Tuy nhiên, trên thực tế “Trần Văn Hoài” được đặt trên trường ở Tiền Giang và “Trần Văn Hoài” được đặt tên đường ở Cần Thơ lại là hai nhân vật hoàn toàn khác nhau. Giữa họ có điểm chung là đều tham gia cách mạng và cùng có công trong kháng chiến chống Pháp xâm lược. Nhiều người không biết rất dễ nhầm dẫn. 

Ông Trần Văn Hoài ở Cần Thơ

Qua nghiên cứu và tìm hiểu được biết, Trần Văn Hoài ở Cần Thơ sinh năm 1914 và mất năm 1949. Quê quán tại Vàm Nhon, làng Thới Thạnh, quận Ô Môn, tỉnh Cần Thơ (cũ) trong một gia đình nhà nho yêu nước, luôn ủng hộ các cuộc đứng dậy khởi nghĩa chống thực dân Pháp. Đồng thời, ông còn là người chỉ huy quân sự tài ba, thao lược đã lãnh đạo giành thắng lợi trong nhiều trận chiến quan trọng của địa phương. 

Ông có nhiều đóng góp trong công tác chỉ đạo cách mạng từ cấp quận, đến cấp tỉnh, rồi cấp trung đoàn, liên trung đoàn chống giặc Pháp xâm lược. Trần Văn Hoài đã đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy cách mạng đương thời như: Trưởng Ban cán sự Đảng bộ quận Ô Môn; Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến tỉnh Cần Thơ; Chỉ huy trưởng Chi bộ 21 chịu trách nhiệm hoạt động vùng Long Châu Hà (Long Xuyên – Châu Đốc – Hà Tiên); Trung đoàn Trưởng Trung đoàn 122 hoạt động địa bàn Cần Thơ – Rạch Giá; Liên Trung đoàn trưởng, Trung đoàn 122,124.

Chân dung ông Trần Văn Hoài (1914 - 1949), người chỉ huy quân sự tài ba, thao lược đất Tây Đô
  Chân dung ông Trần Văn Hoài (1914 - 1949), người chỉ huy quân sự tài ba, thao lược đất Tây Đô

Mặc dù qua đời khi còn rất trẻ nhưng ông có nhiều đóng góp lớn cho cách mạng Cần Thơ và khu vực Tây Nam Bộ. Ông là một cán bộ chỉ huy quân sự tài năng, đầy sáng tạo, mặc dù chưa qua trường lớp đào tạo chính quy nhưng với kinh nghiệm thực tiễn và dũng cảm đã tổ chức đánh thắng nhiều trận quan trọng.

Đồng thời, ông còn là một cán bộ chính trị giỏi, thường xuyên bồi dưỡng trình độ giác ngộ chính trị và kỹ thuật cho chiến sĩ. Đặc biệt, ông còn là một cán bộ vận động quần chúng tốt, hành quân đến đâu giúp địa phương gầy dựng cơ sở đến đó. Xây dựng quân đội thật sự là quân đội của nhân dân, “ở dân thương đi dân nhớ”. 

Và ông Trần Văn Hoài ở Tiền Giang

Trong khí đó, nhân vật Trần Văn Hoài được người dân Tiền Giang tưởng nhớ và đặt tên cho một trường THPT tại huyện Chợ Gạo lại là một nhân vật khác. Theo tư liệu, Trần Văn Hoài sinh năm 1872, hy sinh năm 1947, còn có tên khác là Trần Vĩnh Hoài. Vì ông từng là Hương trưởng nên còn gọi la Hương trưởng Hoài. 

Ông là người làng Bình Ninh, tổng Hoà Hảo, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang). Trần Văn Hoài được biết đến là một người nhiệt tình, yêu nước và đã tham gia nhiều phong trào kháng chiến chống Pháp. Nhiều lần bị giặc Pháp bắt giam nhưng đến khi mãn hạn tù ông lại tiếp tục hoạt động cách mạng. 

Đến năm 1940 ông là quận uỷ viên Quận uỷ Lâm thời Chợ Gạo. Đặc biệt, nhà của ông được biết đến là nơi lưu trú và tụ họp của nhiều sĩ phu yêu nước, nhân vật lịch sử quan trọng như: Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Trần Văn Giàu, Hà Huy Giáp… Đây còn là nơi diễn ra hội nghị thành lập Xứ uỷ Lâm Thời Nam kỳ (1943) do ông Trần Văn Giàu làm Bí thư. Tháng 5/1945 Xứ uỷ Nam kỳ cũng triệu tập hội nghị toàn xứ tại nhà đây và đã đề ra các hoạt động chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945. 

Chân dung ông Trần Văn Hoài (1872 - 1947), người có nhiều công lao, đóng góp cho cách mạng tỉnh Tiền Giang

Chân dung ông Trần Văn Hoài (1872 - 1947), người có nhiều công lao, đóng góp cho cách mạng tỉnh Tiền Giang

Ngày mùng 10/5/1947, ông bị địch phục kích bắn hy sinh trên đường đi công tác vượt qua lộ Đông Dương (nay là Quốc lộ 1A) đoạn thuộc xã Long Định,huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Ông được công nhận là liệt sĩ. Ngôi nhà của ông Hoài là một nhân chứng lịch sử cách mạng của Tiền Giang qua bao thăng trầm, từ các phong trào yêu nước đến ngày đất nước khải hoàn.

Trong quyển Hồi ký của mình, GS Trần Văn Giàu cũng nhiều lần nhắc đến ông Trần Văn Hoài. Hồi ký có đoạn viết: “Dù vật đổi sao dời mà lòng chúng tôi vẫn sắc son với  Bác Hương Trưởng Hoài và đồng bào Tân Thuận Bình”, hay là đoạn: “Gia đình ông Trần Văn Hoài là nơi tin cậy của Đảng, là cái nôi của những năm đấu tranh cách mạng”. 

Ông Trần Văn Hoài là một đảng viên cộng sản đầy nhiệt khí. Cả gia đình ông đều sống và chiến đấu dưới ngọn cờ của cách mạng vô sản. Ngoài ra, theo hồi ký Trần Văn Giàu, nhà của ông Trần Văn Hoài là nơi ở của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc sau khi thôi bốc thuốc ở Sài Gòn và từ đây cụ Nguyễn Sinh Sắc đi về Cao Lãnh và sống tại đó cho đến cuối đời. 

Việc có hai nhân vật cùng tên, cùng có công với cách mạng và cùng được dùng tên đặt tên đường, tên trường thực sự là trường hợp hiếm gặp, nên việc nhầm lẫn là điều thú vị và khó tránh khỏi. Thiết nghĩ, cần tuyên truyền làm rõ để người dân có thể hiểu rõ về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của các nhân vật lịch sử và tránh nhầm lẫn trong dân chúng. 

Đọc thêm