Có hay không những khuất tất trong hoạt động kinh doanh tại Công viên Thống Nhất?

(PLO) - Liên quan đến  phản ánh của bạn đọc nghi vấn về những khuất tất trong hoạt động kinh doanh đối với các khoản thu bán vé, khoán thầu… tại Công viên Thống Nhất (Hà Nội), Ban lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Công viên Thống Nhất (Cty Công viên Thống Nhất) khẳng định, sẽ làm rõ và nếu công nhân làm sai có thể sẽ bị xử lý sa thải.
Công viên Thống nhất (Hà Nội)
Công viên Thống nhất (Hà Nội)

Người lao động bức xúc “điểm mặt” nhiều hoạt động cần làm rõ

Phản ánh tới Báo PLVN, bà Vũ Thị Minh Hằng (trú tại 36 Hàng Khoai, phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội) – nguyên là người lao động tại đây - cho rằng, gần đây, tại Xí nghiệp vui chơi và Xí nghiệp văn hóa  - hai đơn vị trực thuộc Công ty Công viên Thống Nhất - xuất hiện nhiều khuất tất cần phải làm rõ. 

Cụ thể, bà Hằng cho rằng, Xí nghiệp vui chơi có 4 quầy dịch vụ, mức khoán doanh thu mỗi quầy dao động từ 20 - 28 triệu đồng/quầy/tháng, tuy nhiên việc nộp tiền khoán hàng tháng này không có phiếu thu trả lại quầy. 

“Việc bán vé vào cổng, trông giữ xe đạp, xe máy khoán rất cao cho nhân viên các cổng. Được biết, từ ngày 1/1/2016, UBND TP. Hà Nội quy định không thực hiện bán vé vào cổng nhưng Công viên Thống Nhất vẫn tiến hành bán vé. Vậy khi thu tiền vé thì những khoản thu đó được thực hiện như thế nào?” – bà Hằng thắc mắc.

Ngoài ra, bãi trông giữ xe ô tô tại Hồ Ba Mẫu là bãi xe tự phát, hàng tháng trông giữ khoảng 60 đầu xe, giá bình quân mỗi xe 1,2 -1,5 triệu đồng/xe/tháng. “Số tiền này Xí nghiệp thu xong để đi đâu? Bãi xe trên đường Đại Cồ Việt được Cty khoán cho một nhóm trông giữ dưới sự chỉ đạo của Giám đốc Xí nghiệp văn hóa với mức khoán lên tới 8 triệu đồng/tháng. Không những thế, xí nghiệp văn hóa cho tư nhân thầu lại hồ cá tại Công viên vi phạm quy định pháp luật” – bà Hằng nói. 

Bà Hằng còn cho biết thêm, có tới 14 cửa hàng ăn tư nhân vào kinh doanh trong Công viên với tiền thuê chỗ 2-3 triệu đồng/cửa hàng/tháng, đồng thời Công viên còn tổ chức nhiều sự kiện như hội chợ, triển lãm… với doanh thu rất lớn, không rõ tiền được dùng vào mục đích nào? 

“Hàng tháng người lao động chúng tôi còn phải nộp cho công đoàn với mức phí 130 nghìn đồng/người/tháng. Thế nhưng, hầu như chúng tôi không được hưởng bất kì quyền lợi nào phát sinh từ phía Công ty. Lương chúng tôi càng ngày càng thấp đi, một số công nhân cũng đã phải nghỉ việc” - bà Hằng bức xúc.

Đều làm theo đúng quy định

Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Hưng Quân – Phó Tổng Giám đốc Cty Công viên Thống Nhất - cho biết: Cty là doanh nghiệp cung ứng sản phẩm dịch vụ đô thị trực thuộc UBND TP. Hà Nội, vì vậy, phương án thu vé hay để người dân ra vào cửa tự do là phụ thuộc vào quyết định của UBND TP. Hà Nội. Căn cứ vào Quyết định số 2261/QĐ-UBND ngày 6/6/1998 của UBND TP. Hà Nội, Công ty chúng tôi đang áp dụng thời gian bán vé vào cổng Công viên Thống Nhất hiện tại là từ 8h đến 21h30 hàng ngày. Còn đối với người tập dưỡng sinh, thể dục thể thao trước 8h sáng và buổi chiều từ 16h-19h là không thu phí vào cổng”. 

Liên quan đến phản ánh việc thu tiền doanh thu hàng tháng không hoàn trả phiếu thu, ông Quân cũng cho biết: “Cá nhân bà Hằng cũng như các cửa hàng khác nộp tiền khoán dịch vụ cho bộ phận thống kê 1 lần mỗi tháng. Việc nộp tiền này bà Hằng đã được kí vào sổ theo dõi doanh thu và được gửi về Phòng Tài chính. Sau đó, Phòng Tài chính có phiếu thu chung của tất cả xí nghiệp. Như vậy việc nộp tiền mức khoán doanh thu hàng tháng đều có chữ kí xác nhận”. 

Về phản ánh liên quan đến việc thu vé gửi xe quá cao so với quy định, ông Hoàng Kim Hồng – Tổng Giám đốc Tổng Giám đốc Cty Công viên Thống Nhất - cho hay: “Việc bán vé vào cổng thực hiện theo Quyết định của TP. Hà Nội, giá người lớn 4 nghìn đồng/ người, trẻ em 2 nghìn đồng/người. Chưa có cơ sở, bằng chứng nào chứng minh việc công nhân của Cty chúng tôi thu giá cao. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại phản ánh này, và nếu có việc nhân viên bán vé thu giá cao hơn quy định, chúng tôi sẽ tiến hành kỉ luật, cao nhất là hình thức sa thải”.

Liên quan đến bãi trông giữ xe ô tô tại Hồ Ba Mẫu, ông Hồng khẳng định: “Trước đây, Cty được Sở Giao thông Công chính cấp phép trông giữ xe máy, ô tô tại bãi trông giữ xe ở Hồ Ba Mẫu. Từ năm 2014 UBND TP. Hà Nội đã thu hồi giấy phép này. Hiện nay, chúng tôi không tiến hành trông giữ xe ở đây nữa”. 

“Riêng đối với bãi xe phía đường Đại Cồ Việt cho khoán 8 triệu đồng/tháng, Cty có khoán cho một bộ phận của Cty đứng ra tổ chức trông giữ xe vào buổi sáng, khi người dân tập thể dục vào Công viên từ 4 giờ sáng – thời điểm mà Cty chưa tổ chức trông giữ xe.  Việc khoán này do Ban chấp hành Đảng ủy Cty giao nhiệm vụ cho Ban Giám đốc Cty để tổ chức thực hiện nhằm tăng nguồn thu cho nhân viên” – ông Hồng nói. 

Về mức lương, ông Hồng cho biết, người lao động được tuyển dụng vào Cty được trả lương theo thang bảng lương. Riêng bộ phận kinh doanh dịch vụ thì ăn lương theo khoán – và cũng dựa vào hệ số tiền lương của người lao động được khoán để chi trả. Trong hợp đồng lao động cũng thể hiện hệ số lương của từng nhân viên.  Còn việc bà Hằng là công đoàn viên thì nộp phí công đoàn, và tiền phí này sử dụng để thăm hỏi công đoàn viên là do tổ chức công đoàn thực hiện, Cty không liên quan đến việc này. 

“Việc Cty tổ chức các sự kiện như: hội chợ, triển lãm.., nguồn thu từ các hoạt động đó là kết quả kinh doanh dịch vụ của Cty, và đều có hợp đồng, hóa đơn, phiếu thu đúng theo quy định” – ông Hồng khẳng định. 

Đọc thêm