Cơ hội nghề luật trong kỷ nguyên công nghệ số vẫn còn rất lớn

(PLVN) - Trong kỷ nguyên công nghệ số và thời đại pháp quyền, Thẩm phán cao cấp Chu Thành Quang, Phó Chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội cho rằng, cơ hội nghề nghiệp cho các bạn sinh viên luật là rất lớn.

Ngày 26/4, trong khuôn khổ Diễn đàn Khoa học trẻ “Luật học mùa Xuân” lần thứ nhất, năm 2024, Trường Đại học Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã tổ chức Tọa đàm chuyên đề “Đào tạo luật và thực tiễn nghề luật ở Việt Nam trong thời đại pháp quyền và kỷ nguyên công nghệ số - Đối thoại giữa nhà tuyển dụng và người học”.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, PGS.TS Trịnh Tiến Việt, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật cho biết, Trường có nhiều hoạt động đào tạo, nghiên cứu với trọng tâm nâng cao chất lượng đào tạo, chú trọng những hoạt động gắn lý luận với thực tiễn. Tọa đàm là cơ hội rất lớn để sinh viên, nghiên cứu sinh đón nhận những chia sẻ về nghề nghiệp, kỹ năng, kinh nghiệm của các diễn giả, chuyên gia đến từ các cơ sở tuyển dụng, những khó khăn, vướng mắc có thể gặp phải sau khi ra trường để có được những lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai; đồng thời giúp Nhà trường có kế hoạch rà soát đổi mới đào tạo thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền và kỷ nguyên công nghệ số.

PGS.TS Trịnh Tiến Việt, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật phát biểu khai mạc Tọa đàm. (Ảnh: M.T)

PGS.TS Trịnh Tiến Việt, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật phát biểu khai mạc Tọa đàm. (Ảnh: M.T)

Đại diện Ban Tổ chức Diễn đàn, PGS.TS Mai Văn Thắng (Trường Đại học Luật) nhấn mạnh, bối cảnh thời đại pháp quyền và kỷ nguyên công nghệ số ảnh hưởng sâu rộng đến tất cả các ngành nghề. Riêng với ngành luật thì Ban Tổ chức Diễn đàn đề xuất 4 lĩnh vực chịu tác động nhiều nhất và mời các diễn giả có liên quan đến 4 lĩnh vực, bao gồm nghề thẩm phán, nghề luật sư, nghề giảng viên, nghề công chứng.

Trao đổi tại Tọa đàm, Thẩm phán cao cấp Chu Thành Quang, Phó Chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội cho biết, toàn ngành Tòa án hiện có khoảng 6.500 thẩm phán, còn thiếu nhiều so với số lượng biên chế được giao (kể cả phải tinh giản 10% theo chủ trương chung) và lượng việc ngày một tăng (khoảng 600.000 vụ việc). Ngoài ra, Luật Tổ chức TAND đang được sửa đổi với rất nhiều điểm mới như thành lập tòa án chuyên biệt; đổi mới TAND cấp tỉnh, cấp huyện theo thẩm quyền xét xử… Vì vậy, cơ hội nghề nghiệp cho các bạn sinh viên luật là rất lớn.

Ông Chu Thành Quang cho rằng, cơ hội nghề nghiệp cho các bạn sinh viên là rất lớn. (Ảnh PV)

Ông Chu Thành Quang cho rằng, cơ hội nghề nghiệp cho các bạn sinh viên là rất lớn. (Ảnh PV)

Ông Chu Thành Quang cũng đã chia sẻ những chức năng, nhiệm vụ, yêu cầu đối với thẩm quyền; tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm thẩm phán và trang trọng nhắc lại những lời dạy của Bác Hồ dành cho cán bộ tư pháp. Với hàng chục năm công tác trong ngành Tòa án, trải qua nhiều vị trí khác nhau, ông Chu Thành Quang mong muốn các bạn sinh viên chủ động trang bị kiến thức chuyên môn, quan tâm đến một số môn học lý luận như Lý luận Nhà nước và Pháp luật, Triết học… và bồi dưỡng các kỹ năng nghiên cứu hồ sơ, xét xử, điều hành phiên tòa, ra bản án… để sau này nếu có cơ hội công tác trong ngành Tòa án thì sẽ là “chỗ dựa của người dân về mặt công lý”

Đồng tình bối cảnh thời đại pháp quyền và kỷ nguyên công nghệ số tác động đến tất cả các ngành nghề, Luật sư Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội đã phân tích những xu hướng mang tính thuận lợi và cả vướng mắc của bối cảnh này.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: M.T)

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: M.T)

Về thuận lợi, theo ông Hà, internet giúp chúng ta tiếp cận nhanh chóng với mọi thông tin, trong khi trước kia muốn tìm hiểu một quy định pháp luật có thể mất cả buổi, cả ngày. Tuy nhiên, chính điều đó lại tạo ra sức ì lớn của con người là không chịu nghiên cứu, chủ quan cho rằng chỉ cần smartphone kết nối mạng là biết được mọi thứ và sinh viên ngành luật cũng không phải ngoại lệ.

Luật sư Hà nhấn mạnh, có một thứ mà công nghệ không thể thay thế được là tư duy của con người. Ông kỳ vọng, sau này, các bạn sinh viên dù trở thành luật sư tranh tụng hay tư vấn thì không ỷ lại vào công nghệ, tích cực trau dồi kiến thức, tạo nền tảng vững chắc cho mình, bởi điều quan trọng không phải là thuộc lòng các điều luật mà phải hiểu được về chúng, nắm được nội dung hồn cốt của chúng và đặc biệt phải lấy pháp luật soi vào đời sống xã hội…

Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn Khoa học trẻ năm nay, Trường Đại học Luật còn tổ chức Hội thảo “Pháp luật Việt Nam trong thời đại pháp quyền và kỷ nguyên công nghệ số”; Hội thảo chuyên đề với chủ đề “Ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo và một số công nghệ mới nổi khác tới đào tạo, nghiên cứu và thực hành nghề luật”; trao các giải thưởng của Diễn đàn dành cho các bài viết, báo cáo xuất sắc nhất…

Đọc thêm