Có khuất tất chuyện thoái vốn nhà nước tại DAFCO?

(PLO) - Một số cổ đông, cán bộ tại Cty Cổ phần Giày Đông Anh (DAFCO) có văn bản tố giác các dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quá trình TCty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thoái vốn nhà nước tại DAFCO có nguy cơ gây thất thoát hàng tỷ đồng thu về ngân sách nhà nước. Thực hư chuyện này ra sao…?
Tại sao Công ty JimBrother’s mới chỉ là đối tác làm ăn mà lại có quyền quyết định tối thượng tại DAFCO như vậy?
Tại sao Công ty JimBrother’s mới chỉ là đối tác làm ăn mà lại có quyền quyết định tối thượng tại DAFCO như vậy?
Hủy hợp đồng do vi phạm
Được chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sang Cty cổ phần từ năm 2005, DAFCO có vốn điều lệ hơn 9,2 tỷ đồng; trong đó 45% là vốn nhà nước do SCIC nắm giữ, 55% vốn do các cổ đông khác và người lao động nắm giữ.
Năm 2007, 45% phần vốn nhà nước được SCIC bán toàn bộ với giá 140.000đ/cổ phần (mệnh giá 100.000đ/cổ phần) cho đối tác của DAFCO là Cty Jim Brother’s (Đài Loan) với trị giá 5,7 tỷ đồng. Theo hợp đồng ký kết ngày 6/6/2007,  sau 10 ngày Cty Jim Brother’s phải chuyển toàn bộ số tiền về tài khoản SCIC.
Việc bán cổ phần đã dẫn đến khiếu kiện kéo dài giữa SCIC, DAFCO và cổ đông do có vi phạm các quy định của pháp luật. Tại Bản án số 81/2014/KDTM-PT ngày 20/5/2014, Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội đã tuyên hủy phần vốn nhà nước cho Jim Brother’s; SCIC buộc phải thỏa thuận hủy hợp đồng.
“Quyết bán” bằng được?
Ngày 25/8/2015, SCIC lại ra Văn bản số 492/QĐ-ĐTKDV quyết định bán 41.400 cổ phần của SCIC tại DAFCO với tổng giá trị theo mệnh giá là 4,14 tỷ đồng, trong đó: bán đấu giá công khai 12.420 cổ phần (tương đương với 30% số cổ phần của SCIC tại DAFCO) với giá khởi điểm 302.000 đồng/1 cổ phần (mệnh giá 100.000 đồng/1 cổ phần); bán 28.980 cổ phần (tương đương 70%) còn lại cho nhà đầu tư chiến lược là Cty JimBrother’s theo giá đấu thành công bình quân của số cổ phần bán đấu giá.
Các cổ đông, cán bộ tại DAFCO một lần nữa không chấp nhận, gửi đơn tố giác tới các cơ quan chức năng cho rằng quyết định bán 70% vốn của SCIC không thông qua đấu giá cho Cty JimBrother’s là trái quy định của pháp luật, dẫn đến Nhà nước không thu hồi được lợi nhuận tối đa trong quá trình thoái vốn, cũng đồng nghĩa với việc thất thoát rất lớn đối với ngân sách nhà nước.
Theo lập luận của các cổ đông, từ trước tới nay, DAFCO chưa hề có văn bản nào công nhận “Cty JimBrother’s là đối tác chiến lược”. Thực tế, DAFCO với JimBrother’s chỉ ký Hợp đồng gia công số 02/2012/VN-TW/GC các mặt hàng gia công sản phẩm giày, dép có thời hiệu từ năm 2013 đến hết năm 2022. Câu hỏi đặt ra là SCIC căn cứ vào đâu để xác định Cty JimBrother’s là đối tác chiến lược của DAFCO ?
Mặt khác, theo thông báo tại Công văn số 136/TC – 2014 ngày 17/11/2014 của Cty DAFCO về việc chuyển đơn vị, thay đổi các chức danh, tăng, giảm lương… các đơn vị phòng ban thì: “Trưởng phòng Tổ chức hành chính xem xét từng trường hợp cụ thể, kiểm tra rà xét hồ sơ cán bộ… Sau đó trình Giám đốc ký quyết định. 
Khi có quyết định của Giám đốc, Phòng Tổ chức hành chính chuyển toàn bộ thủ tục trình lãnh đạo cao nhất Cty JimBrother’s phê chuẩn. Thủ tục đã được phê chuẩn của JimBrother’s được chuyển đến Phòng Nhân sự và các phòng ban liên quan tổ chức thực hiện”. Tại sao Cty JimBrother’s mới chỉ là đối tác làm ăn mà lại có quyền quyết định tối thượng tại DAFCO như vậy? Để trả lời cho câu hỏi này, đề nghị lãnh đạo SCIC cùng các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ… 

Đọc thêm