Năm ấy là năm Thìn, niên hiệu Tự Đức 32 (1879), vào hồi tháng ba, lúa má hoa màu, đồng nào đồng ấy đang tốt mượt xanh um – dù mới chỉ là lúc “trông cây” nhưng nhân dân đều đã chứa chan hi vọng lắm – thì bỗng một thiên tai đưa đến, làm cho ai nấy đều phải khiếp sợ oai giời.
Sau một tuần nắng gay gắt, giời bỗng u ám. Một cơn mưa bụi phay phảy sa bay, nhân dân vừa mừng được mát mẻ, dễ chịu; lúa màu được mát gốc chóng bốc lên, thì ở giữa hai tỉnh Hà Nội - Sơn Tây hồi gần sáng, dân một làng kia đang nấu cơm ăn đi làm, bỗng thấy lạnh ghê người.
Một cơn gió lớn sức mạnh như giông tố, ầm ầm kéo đến. Giời đã sáng tỏ, bỗng lại tối sầm. Nhưng chỉ trong nửa khắc, gió lặng trời lại quang. Mọi người đang ngơ ngác hỏi nhau là gió gì, thì lại đều sửng sốt cả người cùng đổ xô ra sân xem, thứ sâu gì quái lạ, bé chỉ bằng con ruồi con, sắc đen nhánh, nhung nhúc bậu đặc trên các ngọn cỏ lá cây.
Chỉ một lát, chúng lại từng đàn hàng triệu con vù vù bay đi, đàn nọ tiếp đàn kia, bay đặc cả một khoảng không, như những đám mây đen ngòm. Tiếng bay vù vù họp lại như tiếng bão vang động cả một vùng. Nơi nào sau khi chúng đã bỏ đi rồi, bất cứ cây cỏ gì chỉ còn trơ lại cành không, chẳng còn một cái lá.
Đang khi ấy, thì mấy người đi thăm ruộng sớm cũng đều hốt hoảng chạy về, bảo tất cả hoa màu lúa má ở các cánh đồng đều bị sâu ăn trụi cả. Bấy giờ ai nấy mới biết là nạn hoàng trùng ăn lúa.
Thực là một thiên tai lạ thường. Hết cánh đồng này đến cánh đồng kia trong có nửa ngày hàng chục vạn mẫu ruộng, hầu hết các phủ huyện trong hạt tỉnh đều bị giống hoàng trùng ác hại phá sạch sành sanh. Thế là cả một vụ chiêm vừa lúa vừa màu hàng triệu người trông cậy vào đó để nuôi sống nhau cho đến vụ mùa, đều mất hết hi vọng.
Một thiên tai ghê gớm xảy đến, nạn đói kém tức thì diễn ra, các nhà giàu giữ thóc gạo lại không bán, có bán cũng cầm chừng và lấy một giá đắt cắt họng, đang một quan hơn hai chục đấu gạo, bỗng sụt xuống một quan một đấu, tình cảnh dân nghèo thực là gieo neo khốn khổ quá.
Thương hại cho số rất đông dân nghèo, lúc đầu dù kém còn có tiền mà đong, cơm chẳng đù thì nấu hồ nấu cháo nuôi nhau, cũng chưa đến nỗi lòng không dạ đói, nhưng chẳng được mấy ngày, tiền lưng đã cạn, đồng ruộng mất hết lúa, chẳng còn ai thuê mướn làm gì. Chẳng đi làm, lấy đâu ra tiền để đong gạo, thế là cả nhà đều nhịn đói.
Nhịn chẳng được, phải đi mò cua, ốc, trai, hến ở các hồ ao chuôm vũng mà ăn. Họ xô nhau mò nhiều quá, đến nỗi con ốc vặn, cái tép đanh cũng chẳng còn. Bây giờ mới thực là hết cái ăn. Đói quá chịu không nổi, họ sinh ra làm liều, ăn liều, kẻ còn có sức thì đi trộm, cướp giật của người khác mà ăn, kẻ yếu đuối thì lê la đi đào rễ cây chỉ cần tống cho đầy cái dạ dày không còn sợ độc.
Sau nạn hoàng trùng phá hại được vài mươi ngày, khắp nơi dân đói, già trẻ lớn bé, bồng bế dắt díu nhau đi đầy đường ăn xin hay lĩnh những cơm cháo thí của một vài nhà từ thiện. Lắm kẻ đói quá đi không được, nằm lăn ra đường, cứ thế rồi lả đi mà chết.
Chẳng những chết đói mà thôi, lại còn bị nạn chết dịch nữa, vì lúc ấy đã sang mùa hè, khí giời nóng nực, các thức ăn nhất là hoa quả dễ hư hỏng thối nát. Phần đông dân đói chẳng còn e sợ giữ gìn ăn liều ăn lĩnh vào, thành bệnh mà bỏ mạng. Bệnh dịch nguy hiểm vì đó sinh ra truyền nhiễm ra nhiều người, nhiều nơi, có nhiều làng người chết chôn không kịp.
Đối với thiên tai ghê gớm ấy, chính phủ hồi đó phá như thế nào? Các quan đầu hai tỉnh đã dâng bản tấu về kinh, kể rõ tình hình và xin cứu tế, chờ mãi chưa được chỉ chuẩn, hàng ngày công văn các phủ huyện bẩm lên, ngày nào cũng có kẻ khai số người chết đói, ngày thì hàng chục, có ngày tới hàng trăm. Chẳng thể ngồi nhìn dân đói mà không cứu, các quan chức lúc đầu còn tự bỏ lương bổng của mình và tới các nhà phú hộ khuyến quyên, nhưng gáo nước tưới vào xe củi cháy, sức cứu tế chẳng được là bao, tình hình tai nạn trăm phần vẫn chưa bớt được một.
Gần một tháng giời mới có sắc chỉ ban ra, cho được mở kho đem tiền, thóc cấp cứu các dân đói, ngoài ra lại sức cho các phú hộ trong hai hạt, hễ ai bỏ ra được nghìn quan tiền hay nghìn thúng thóc chẩn cứu cho dân nghèo do quan địa phương xét thực sẽ ban cấp cho hàm cửu phẩm bá hộ; bỏ ra được hơn số đó sẽ được hàm cao hơn.
Lúc ấy ở Đồng Xuân phường, tỉnh Hà Nội, có một bà quả phụ là Lê Thị Mai, tự bỏ của riêng ra hơn hai vạn quan tiền và hơn hai vạn phương thóc chia cấp cho dân đói hai tỉnh, quan địa phương có tấu xin tỉnh thưởng, nhưng bà từ chối.
Mấy vị cố lão đã thuật lại nạn đói này, đều cho là một thiên tai ít khi thấy có trên đất nước. Một cố lão lại đọc cho nghe một câu ca dao của dân hồi ấy, như để đánh dấu một vết thương của một thời đã qua: “No nên bụt, đói nên ma/ Năm Thìn ma đói kéo ra đầy đường”.
Bài viết không chỉ nhằm giới thiệu lịch sử tới bạn đọc, mà còn là một cách nhắc nhớ để chúng ta thấy rằng những thế hệ sau đã hạnh phúc hơn, ấm no hơn biết bao lần so với một thời cha ông chịu nhiều thiên tai vất vả. Tài liệu được công bố từ gần 100 năm trước, Pháp luật & Thời đại về cơ bản xin giữ nguyên văn phong, cách viết để bạn đọc tham khảo. Mời bạn đọc tìm xem trên Pháp luật và Thời đại số đặc biệt tháng 3/2014.
Pháp luật và thời đại, ấn phẩm đặc biệt của báo Pháp luật Việt Nam phát hành 5 kỳ/ tháng với nhiều nội dung đặc sắc thú vị!