Có một Hà Nội phố

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hà Nội phố với mái ngói lô nhô, những căn nhà ống 36 phố phường luôn là một phần tâm hồn của cư dân không chỉ Hà Nội. Chẳng thế, câu cửa miệng của người Hà Nội khi rảnh là hẹn nhau “lên phố”, là khu phố cổ bên hồ Hoàn Kiếm...
Chợ Hàng Bè khu vực ngã ba Hàng Bè - Gia Ngư năm 1992. (Ảnh: Henk Stakelbeek)
Chợ Hàng Bè khu vực ngã ba Hàng Bè - Gia Ngư năm 1992. (Ảnh: Henk Stakelbeek)

Nhà của người hàng phố

Trải qua bao biến thiên thăng trầm cùng lịch sử, những con phố chạy dọc ngang với những ngôi nhà lô xô mái ngói thâm nâu, tường vôi mốc thếch loang lổ rêu phong đã in dấu, hằn sâu trong ký ức của biết bao thế hệ người Hà Nội. Có nơi nào như ở đây, những đường phố nhỏ có cái tên bắt đầu từ chữ Hàng, gợi cho ta nhớ về những phường nghề xa xưa. Đó là những Hàng Khay, Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Gai, Hàng Bông, Hàng Bạc, Hàng Đường, Hàng Bồ, Hàng Buồm, Hàng Mã, Hàng Mắm, Hàng Chĩnh…, Thuốc Bắc, Lò Rèn, Lãn Ông, Cầu Gỗ, Đồng Xuân, Cửa Đông…

Thuở ấy, vào cuối thế kỷ thứ X, dân làng nghề tứ xứ kéo nhau đổ về ngoại thành Thăng Long sinh cơ lập nghiệp, quây quần bán mua bên bờ Nhị Hà. Dần dần tạo thành phường, thành hội. Câu ca “Buôn có bạn, bán có phường” cũng là vì thế. Cho đến những năm 1875, khi người Pháp tiến hành công cuộc đô thị hóa lần thứ nhất ở Hà Nội, thì khu 36 phố phường được xây dựng lại với việc xây dựng hệ thống đường phố rộng rãi theo hình ô bàn cờ, trải nhựa, có vỉa hè, hai bên xây nhà phố một, hai tầng lợp ngói. Nhà có đặc trưng là mặt tiền hẹp, chỉ rộng hơn 3m nhưng chạy sâu vào bên trong như một cái ống dài vài chục mét, thậm chí đến cả trăm mét, nhiều nhà còn thông từ phố này sang phố kia. Nhà tuy dài nhưng được khéo léo ngăn chia thành nhiều lớp bởi các khoảng sân trong, là nơi nghỉ ngơi thư giãn, trồng cây cảnh, đón ánh sáng, gió và khí trời, tạo nên nét độc đáo của kiến trúc nhà ống.

Nhà phố thường dùng tầng một để mở cửa hàng, nơi buôn bán trao đổi. Bên trong và tầng hai dùng để ở, làm kho chứa hàng hóa. Do nơi đây buôn bán thuận lợi, giao thương dễ dàng vì cạnh sông Hồng nên rất nhiều người Hoa và cả người Ấn cũng tìm đến để làm ăn sinh sống. Phố Hàng Buồm đông người Hoa hơn cả. Những người dân cao niên ở đây đây vẫn nhớ về những khu phố buôn bán sầm uất xưa. Người trong phố cổ sống với nhau hòa thuận, coi trọng nếp nhà, tình người, lễ nghĩa, tuy làm ăn buôn bán nhưng rất đàng hoàng và luôn giữ chữ tín. Chính những đức tính đó đã tạo nên văn hóa thanh lịch của người Hà Nội.

Cuối những năm 70 thế kỷ XX trở về trước, khu phố cổ Hà Nội hầu như vẫn còn nguyên vẹn. Khi đó, một trong 6 tuyến tàu điện chạy suốt từ chợ Mơ lên Bờ Hồ rồi qua Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, chợ Đồng Xuân, Quán Thánh, Thụy Khuê cho đến tận Bưởi. Người từ ngoại ô vào, hay ở các phố trung tâm lên khu phố cổ hầu hết đều đi tàu điện. Cho đến nhiều năm sau này, trong ký ức nhiều người vẫn là tiếng leng keng tàu điện bờ hồ, như những miền ký ức không xa...

Cùng với những ngôi nhà ống, trong cấu trúc ô phố bàn cờ rộng, mật độ không gian xanh cao, những con đường rợp bóng cây, những ngôi biệt thự xinh xắn đã tạo nên nét rất riêng cho khu phố cũ ở Hà Nội. Các nhà quy hoạch người Pháp thời kỳ đầu thế kỷ XX đã khéo léo kết hợp kiến trúc phương Tây với những điều kiện khí hậu bản địa để tạo nên một không gian đô thị độc đáo, từ đó tạo cho Hà Nội một bản sắc duy nhất mà không đô thị nào khác ở khu vực Đông Nam Á có được.

Giới trẻ diễu hành cổ phục trong nhiều hoạt động văn hóa của phố cổ. (Ảnh: BQLPC)

Giới trẻ diễu hành cổ phục trong nhiều hoạt động văn hóa của phố cổ. (Ảnh: BQLPC)

Ngày nay, trong nhịp sống hiện đại, vào những buổi sớm mai hay những buổi đêm tĩnh lặng, khu phố cổ vẫn như thực, như mơ trong tranh của danh họa Bùi Xuân Phái. Bởi thế, ngoài 36 phố phường, còn phố 37, ấy là phố Phái. Hà thành của phố Phái là hình hài của thời gian cổ kính, trầm mặc, yên ắng, của những ngôi nhà gối đầu lên vai nhau, của những người cần lao chật kín phường hội, bán buôn… Trong hội họa Bùi Xuân Phái, người ta sẽ đi qua một con ngõ nhỏ, tiếng dế râm ran khi trời đã nhá nhem tối, có mùi trạt cỏ mới xén, mùi nhựa mới rỉ, mùi khói bếp, mùi của bông khế và những quả ổi chín rục… Những tòa nhà hai tầng lợp ngói xám nối liền cả con phố nhỏ với nhau. Trên bức tường bong tróc, có thể mơ hồ nhìn thấy nét chữ của chỉ thị từ năm nào đó xa lắc. Có thằng bé đứng vẽ bậy và tờ quảng cáo chi chít trên những cột điện. Có đám bồ câu trên mái nhà...

Phố cổ trong tranh của họa sỹ Bùi Xuân Phái cứ lặng lẽ, kỳ ảo như thế như những năm 90 của thế kỷ trước, bảng lảng, tinh khôi qua những thước phim tuyệt đẹp của đạo diễn Trần Anh Hùng trong Mùa hè chiều thẳng đứng, hay Mùi đu đủ xanh. Những vẻ đẹp ấy trên nền nhạc Trịnh Công Sơn về những căn nhà cổ, những người dân phố thị tỉ mỉ, trau chuốt và tinh tế đến nao lòng...

Cần được gìn giữ xứng tầm

Theo thời gian, diện mạo khu phố cũ cũng đang dần biến đổi do bị tác động bởi khí hậu, thời tiết, quá trình đô thị hóa, sự phát triển kinh tế, gia tăng dân số… Nhiều công trình hiện bị xuống cấp nghiêm trọng. Một số công trình có nguy cơ sụp đổ, gây nguy hiểm cho người sử dụng.

Sự thay đổi trong quan niệm của người dân được cộng hưởng với những nỗ lực của chính quyền đã đem đến những đổi thay. Nhiều tuyến phố được đầu tư cải tạo mặt đứng, đồng bộ nhất là tuyến phố Lãn Ông, hay tuyến phố Tạ Hiện.

Nơi các nàng thơ xúng xính áo dài trên phố. (Ảnh: PV)

Nơi các nàng thơ xúng xính áo dài trên phố. (Ảnh: PV)

Cùng đó, một số di tích được tu bổ lại trong nét đẹp phố xưa. Không tính đến những di tích lớn, được nhiều người biết đến như: Đình Kim Ngân (số 42, 44 phố Hàng Bạc), Hội quán Quảng Đông (số 22 phố Hàng Buồm, nay là Trung tâm Văn hóa nghệ thuật), đền Quán Đế (số 28 phố Hàng Buồm)…, những di tích vốn ít được biết đến như: Đình Tú Thị (phố Yên Thái), đình Hà Vỹ (phố Hàng Hòm), đình Trung Yên (ngõ Trung Yên), đình Phả Trúc Lâm (phố Hàng Hành)… cũng được đầu tư tu bổ. Khu phố cổ rộng 87ha, nhưng cứ đi quãng hơn trăm mét lại gặp một ngôi đình, đền hay miếu. Không phải di tích nào cũng hút khách.

Nhưng những di tích hồi sinh, những căn nhà, những không gian được tôn tạo theo lối xưa giúp phố cổ Hà Nội có thêm nhiều không gian xưa cũ, điều tưởng như mất dần. Không chỉ dừng lại ở những di sản vật thể, những lễ hội của phố cổ cũng được hồi sinh. Cả những lễ hội mới ra đời, kế thừa truyền thống. Nhiều người dân và du khách bây giờ chờ đợi chương trình Tết Việt do Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội tổ chức. Ở đó, có những màn diễu hành cổ phục, những nghi lễ dâng hương, tế cáo Thành hoàng, nghi lễ dựng cây nêu ở đình Kim Ngân. Ở đó, người ta thấy thấp thoáng hồn cốt phố xưa trong đời sống hiện đại.

Cuối năm ngoái, show diễn “Chuyện phố Hàng” được ra mắt tại Ngôi nhà Di sản số 87 phố Mã Mây giúp mọi người hiểu thêm về cuộc sống thường ngày của người dân qua câu chuyện của một gia đình làm thuốc. Ngôi nhà Di sản số 87 phố Mã Mây được giữ nguyên vẹn mọi không gian như hàng trăm năm trước vốn thế, từ phòng khách, giếng trời, không gian thờ cúng cho đến bếp núc.

Phó Trưởng ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội Trần Thúy Lan cho biết, Ngôi nhà Di sản số 87 phố Mã Mây từng có hộ gia đình làm nghề thuốc đông y sinh sống, làm việc. Do đó, vở diễn chính là sự tái hiện cuộc sống, công việc có thật của người Hà Nội xưa ở nơi nó từng diễn ra. Show diễn tái hiện cuộc sống, công việc của gia đình làm thuốc, mà cũng giúp các vị khách tìm hiểu về nghề đông y, tự tay trải nghiệm một số công việc chế biến thuốc…

Việt Nam có nhiều làng cổ, nhưng phố cổ là “của hiếm”. Trong cả nước, số phố cổ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Phố cổ Hà Nội đất chật, người đông. Cuộc sống luôn bị giằng xé giữa bảo tồn các nét truyền thống, với xây mới để đáp ứng nhu cầu cuộc sống.

PGS TS Đỗ Thị Hảo, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam chia sẻ, hiện nay một số các đình, đền thờ tổ trong khu phố “hàng” Hà Nội đã được tu tạo, phục dựng khang trang, hoành tráng như: Đình Kim Ngân, Đình Hàng Đào, Đền Trúc Lâm, Đình thợ thêu… Tuy nhiên, số lượng di tích được đầu tư tôn tạo còn ít. Chính quyền thành phố cần quan tâm đầu tư hơn nữa để trả lại giá trị văn hóa đặc thù di sản phố nghề Thăng Long xưa. Do đó, sau khi đã phục dựng được những di tích đền thờ tổ do cha ông để lại thì cần “thổi hồn” vào đó bằng cách khôi phục những sinh hoạt văn hóa cổ truyền lâu đời (lễ hội dân gian, giỗ tổ nghề…). Điều này sẽ thu hút sự quan tâm chú ý của du khách khi thành phố đang nhân rộng mô hình phố đi bộ Hà Nội.

KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho rằng, để bảo tồn và phát huy giá trị của phố nghề - phố cổ Hà Nội cần đánh giá đúng vai trò và cái tầm của phố cổ. Có nghĩa là phố cổ Hà Nội không phải là di sản của riêng Hà Nội nữa mà nó phải được coi là di sản quốc gia, hơn nữa ở tầm thế giới. Ông cho hay, từ những năm 1995, giá trị di sản phố cổ đã được giới thiệu với tổ chức UNESCO. Cho đến nay đã có rất nhiều các hội thảo, hội nghị bàn giải pháp bảo tồn phố cổ, nhưng nhiều năm qua, khu phố cổ Hà Nội chưa được quảng bá và đầu tư xứng tầm.

KTS. Hoàng Đạo Kính thì cho rằng, cho dù thế nào phố cổ Hà Nội vẫn có sức sống rất riêng. Ở đó di sản văn hóa, kiến trúc phản ánh rõ nét đặc trưng phát triển của vùng Kẻ Chợ xưa qua sự biến đổi của thời cuộc. Vì thế, hãy lạc quan về sức sống của phố cổ Hà Nội, bởi nó vẫn đang được bảo tồn trong dòng chảy của cuộc sống. Cái quý của phố cổ không phải là việc kiểm kê xem có bao nhiêu nhà cổ, bao nhiêu biệt thự để lượng hóa mà đó chính là sự thích ứng, tích hợp giữa những giá trị cũ mới trong cuộc sống đô thị hôm nay...

Đọc thêm