Có một “người mẹ đặc biệt“…

(PLVN) - Hơn 13 năm duy trì Trung tâm dạy nghề cho trẻ khuyết tật Quỳnh Hoa, bà Đoàn Thị Hoa – người thành lập trung tâm - cho biết, điều bà nhận lại suốt những năm tháng kiên trì dạy dỗ cho trẻ khuyết tật đó chính là niềm hạnh phúc khi thấy các em trở nên tự tin, có việc làm nuôi sống bản thân cho đến lúc lập gia đình. 
Bà Đoàn Thị Hoa– người thành lập Trung tâm dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa.
Bà Đoàn Thị Hoa– người thành lập Trung tâm dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa.

"Cái nghiệp, cái duyên…"

Tại thôn Thanh Oai (Thanh Trì, Hà Nội), Trung tâm dạy nghề cho trẻ khuyết tật Quỳnh Hoa do bà Đoàn Thị Hoa thành lập và là giám đốc, được mọi người biết đến như là ngôi nhà thứ 2 của những đứa trẻ khuyết tật. Gọi là giám đốc nhưng những người trong trung tâm đều xưng hô với bà một cách thân thương, gần gũi "u Hoa". 13 năm thành lập trung tâm, dạy dỗ qua tay hơn 500 trẻ em khuyết tật vận động và thiểu năng trí tuệ, bà Hoa đã dành tâm huyết cả một đời người vào mái ấm này. 

Với tấm lòng hướng Phật, thường xuyên đi từ thiện, hành trình thiện nguyện đó đã gieo vào lòng người phụ nữ này bao trăn trở. Trong số những lần thiện nguyện ấy, cái nghiệp duyên với người khuyết tật đã đến với bà Hoa. Bà chia sẻ: "Trước đây tôi thường đi từ thiện, tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh éo le. Trong một chuyến đi từ thiện ở miền Nam, gặp một em bé khuyết tật ngồi một mình. Tôi tặng cho em một món quà nhưng em không vui. Tôi hỏi em ước mơ là gì thì em bảo chỉ mong muốn có một cái nghề, làm ra tiền để có thể nuôi sống bản thân mình".

Câu nói đó đã khiến người phụ nữ có khuôn mặt đầy phúc hậu này trăn trở suốt nhiều ngày, để rồi cuối cùng quyết tâm thành lập một nơi dạy nghề cho người khuyết tật. Sau thời gian dài nỗ lực vay mượn người thân, xin trợ cấp từ chính quyền và các chi hội, cuối cùng ngày 28/8/2007, Trung tâm dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa đã chính thức ra đời ngay trên mảnh đất của gia đình. Mới đầu, cơ sở gồm hai dãy, một dãy nhà xưởng có diện tích 112m2 và 67m2 làm dãy phòng ở. Bà đã phải vay mượn thêm của anh em, họ hàng được hơn 35 triệu đồng mua 10 chiếc máy khâu, 1 máy vắt sổ, 1 máy dập khuy và đón nhận 15 học viên khuyết tật đầu tiên vào học. Chồng bà Hoa cho biết, mới đầu, gia đình chưa quen với việc có những thành viên lạ hiện diện trong gia đình nên mọi sinh hoạt bị đảo lộn. Nhưng các cháu ở lâu lại trở thành thân thiết với gia đình. Chỉ cần một ngày tất cả các cháu đi giao lưu ở đâu đó, vắng tiếng cười nói rôm rả là ngôi nhà ảm đạm hẳn.

Tự nhận mình là người may mắn, được sinh ra lành lặn, bà dặn với các con ruột của mình rằng: "Các con thông cảm cho mẹ, trời sinh mẹ lành lặn có ăn có học, bởi vậy mẹ thương các bạn khuyết tật rất nhiều, mẹ nâng niu các bạn ấy hơn các con". Hiểu được nỗi lòng đó, gia đình bà cũng dần thấu hiểu và đồng cảm với việc làm của bà. 

Bà Hoa đã sử dụng mảnh đất dành cho chăn nuôi, trồng cây của gia đình để xây dựng một xưởng nhỏ và dãy nhà 3 gian, dạy cho các em xung quanh xã. Đến tháng 8-2007, 15 người khuyết tật được đón về trung tâm. Bà Hoa nhìn bàn tay họ và chấp nhận tất cả những ai có khả năng tự chăm sóc bản thân, dù họ bị khuyết tật vận động, câm điếc hay thiểu năng trí tuệ. Những người ở gần thì được gia đình sáng đưa đến, tối đón về. Còn người ở xa thì được bố trí ăn ở tại chỗ. Họ lao động ra sản phẩm thì được trả lương.

Bà Hoa cười, kể rằng: "Có em ở Cà mau mới đến đây được 3 tháng, lúc đến em nặng tới 85kg, không nói được. Nhưng bây giờ đã giảm còn 80kg, nhờ  vào chạy thể dục. Ở đây, tôi không chỉ để các em ngồi không như một con người không có lý tưởng, tôi rèn luyện cho các em trở nên săn chắc, khỏe mạnh. Đó không phải là điều đơn giản đâu".

Hiện trung tâm có 35 người nội trú, có 6 phòng và mỗi phòng từ 6 - 8 người. Bà Hoa chia sẻ, có lúc phải nhường các gian nhà trên cho các bạn bởi rất nhiều bạn mới đến từ các tỉnh xa xôi khác. Không thông báo rầm rộ thế nhưng, "tiếng lành đồn xa", nhiều gia đình nghe đến trung tâm của bà Hoa đều cố gắng đưa con đến đây.

Trong căn phòng làm việc rộng, thoáng treo đầy những bằng khen, ảnh lưu niệm, các học viên ngồi chăm chú làm những bức tranh, con giống bằng giấy. Những bàn tay thoăn thoắt cuộn, dán giấy, lắp ghép những con giống, những bức tranh vô cùng khéo léo. Có lẽ nếu không để ý kĩ, thật khó để nhận ra những khuyết tật trên cơ thể các em.

Không gian tại Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật Quỳnh Hoa.
 Không gian tại Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật Quỳnh Hoa.

Mái ấm tình thương 

Dạy nghề cho người lành lặn đã khó, dạy cho người khuyết tật lại càng khó hơn. Từ khi thành lập đến nay, đã phải hơn 20 nghề qua tay mà bà Hoa dạy cho các em. Bà chia sẻ: "Cứ ai mách cái gì lại nhận về dạy cho các em. Nhưng cứ qua một thời gian các em lại không làm được bởi sức khỏe yếu, không thể ra thành quả. Cuối cùng nghề thủ công giấy là phù hợp với sức khỏe các em và các em có thể ngồi học mãi, có thể tiếp thu được dù rằng có hơi chậm". Bởi hầu như mọi sinh hoạt của những người khuyết tật ở trung tâm đều do trung tâm tự lo, tự liệu, tự chi tiêu nên công việc của bà Hoa là duy trì nghề giấy thủ công để các em học, dạy cho nhau đồng thời cũng để các em giao lưu hòa đồng với nhau.

"Trước đây có các cô giáo đến tình nguyện dạy các em. Đến khi các em thông minh hơn, quen việc thì cứ người cũ dạy lại cho người mới, đỡ các cô giáo phải đến hỗ trợ. Những sản phẩm mới thì tôi và các cô sẽ hướng dẫn thêm cho các em. Bởi vì nơi này không có lương bổng gì nên mọi người cứ phải tự giúp nhau là chính", bà Hoa chia sẻ.

Những người được bà Hoa nhận dạy nghề, không vì khuyết tật vận động, khó đi lại thì cũng là thiểu năng trí tuệ, trí nhớ kém nên với bà Hoa, khó khăn nhất là khi chỉ bảo cho các em. Bởi các em không thể nhớ được nên phải rất kiên nhẫn khi dạy nghề, cứ dạy đi dạy lại đến lúc các em quen tay và tự làm ra sản phẩm. Bà trăn trở: "Các em không thể nhớ được, không làm chủ được là đã đáng thương rồi, bây giờ nếu tôi không giúp đỡ các em thì các em sẽ khổ lắm".

Công việc không phải dễ dàng và đòi hỏi tính nhẫn nại cao, bà Hoa chia sẻ rằng, chính khi thấy khát khao được sống của các em – những người mà bà Hoa nhận giúp đỡ, bà càng có thêm động lực để tiếp tục công việc này. Bà nhớ lại: "Lắm lúc tôi muốn buông xuôi tất cả, nhưng nghĩ lại, tại sao những người đó còn cố gắng như thế, tại sao mình lại không cố được. Cho nên tôi cứ thế tiếp tục thôi".

Theo lời chia sẻ của bà Hoa, mỗi một gia đình của các em tại đây đều có một hoàn cảnh khổ riêng, không có gia đình nào sung túc. Nhiều gia đình rất đáng thương, nhiều khi không thể hỗ trợ gì cho con cái. Bởi vậy, đối với bà Hoa, trung tâm này chính là mái ấm mà bà dành trọn tâm huyết, tình thương cho những con người được sinh ra nhưng không may mắn trong cuộc sống.

Hy sinh nhiều điều cho mái ấm này, bà Hoa thú nhận điều mà bà nhận lại đó là khi được thấy các em hạnh phúc. "Bây giờ tôi vẫn đi cho, cái nhận lại là mình giúp người ta, người ta đến với mình và người ta thấy mình có ích. Mình tạo ra công việc cho họ, thậm chí có nhiều người còn có gia đình hạnh phúc".

Theo bà Hoa, những năm nay, sản phẩm giấy thủ công mà những người khuyết tật làm ra có đầu ra khá ổn, phục vụ chủ yếu cho du lịch. Đây cũng chính là một phần nguồn hỗ trợ chi phí trang trải sinh hoạt ở trung tâm, trả lương cho các bạn. Tuy nhiên, năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến hoạt động du lịch khó khăn nên sản phẩm cũng khó bán, tài chính và cuộc sống cũng hạn chế hơn.  

Bà chia sẻ rằng, dù khó khăn nhưng bây giờ nhân dân hướng thiện nhiều, nhiều tổ chức đã đến hỗ trợ gạo, mì và cuộc sống của các em cũng  ổn định hơn. "Đó là điều mà trời phật thương. Những lúc khó khăn, mình vẫn có gạo nuôi các em, vẫn đầy đủ thịt cá rau xanh đầy đủ".

Bà cười bảo rằng, ở đây bà con xung quanh cứ tị nạnh rau sạch không bán mà chỉ để dành cho các em ăn bởi phải cho các em đầy dủ chất dinh dưỡng, chăm sóc và không để các em ốm.

Một tiếng "u Hoa", hai tiếng "u Hoa" mà những đứa trẻ gọi, trong mái ấm này, tự bao giờ đã tròn đầy tiếng cười, niềm hạnh phúc giản dị mà bà Hoa nâng niu, cất dành chục năm nay. 

Đọc thêm