Chương trình lễ cưới tập thể “Giấc mơ có thật” do Trung tâm Phụ nữ và Phát triển thuộc Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Trung tâm Phụ nữ và phát triển thành phố Hà Nội tổ chức đã bước sang năm thứ 3.
Năm nay, lễ cưới dự kiến sẽ có sự góp mặt của 60 cặp đôi hiện đang sinh sống tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc là người khuyết tật, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang yêu nhau hoặc đã đăng ký kết hôn, đã có con, mong muốn được kết hôn nhưng không có khả năng, điều kiện tổ chức đám cưới.
“Tôi đã từng nghĩ rằng váy cưới không bao giờ dành cho mình”
Đó là cảm xúc của rất nhiều cặp đôi của hai mùa “Giấc mơ có thật” trước đó vào các năm 2018 và 2019 khi họ cùng nhau có mặt và chia sẻ hạnh phúc của mình. Bế đứa con mới 5 tháng tuổi đến tham dự lễ công bố chương trình lễ cưới tập thể “Giấc mơ có thật” lần thứ 3 tại Hà Nội vào cuối tháng 10/2020, vợ chồng anh Lại Đức Nhuần sinh năm 1984 ở huyện Đông Anh, Hà Nội và chị Nguyễn Thị Diệu sinh năm 1984 ở Sơn Tây, Hà Nội bừng lên niềm hạnh phúc.
Vợ chồng anh Nhuần cho biết, đứa trẻ là tình yêu kết tinh sau đám cưới tập thể “Giấc mơ có thật” lần thứ 2 năm 2019 mà anh chị là một trong những cặp cô dâu, chú rể được hỗ trợ tổ chức đám cưới.
Trước đó, dù biết anh Nhuần bị khuyết tật vận động bẩm sinh nhưng chị Diệu vẫn quyết tâm đi theo tiếng gọi của tình yêu. Dù phản đối kịch liệt, nhưng rồi trước tình yêu sâu đậm của hai người, gia đình chị Diệu đành miễn cưỡng đồng ý nhưng trong lòng đầy lo lắng. Năm 2009, hai bên gia đình tổ chức bữa cơm để chúc phúc cho họ chứ không có đám cưới.
Những năm hôn nhân của họ nhiều khó khăn về kinh tế nhưng họ vẫn nương tựa, động viên nhau vượt qua. Hàng ngày, chị Diệu đi làm phụ bếp ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long, anh Nhuần đi bán rong bông tăm. Tối về, nhìn hai đứa con khỏe mạnh, lành lặn, với anh Nhuần, chị Diệu, đó là niềm vui, niềm hạnh phúc không gì có thể đánh đổi được.
Mười năm sau, khi được khoác trên người bộ váy cưới cô dâu rất đẹp trong đám cưới tập thể năm 2019, chị Diệu cảm thấy vui và hạnh phúc ngập tràn. “Khi em được mặc váy cưới chụp ảnh cùng chồng và 2 đứa con, em có rất nhiều cảm xúc. Với những người có hoàn cảnh không may mắn thì đây đúng như một giấc mơ” – chị Diệu chia sẻ.
Vợ chồng anh Lại Đức Nhuần và chị Nguyễn Thị Diệu hạnh phúc trong lễ cưới tập thể. |
Anh Hoàng Văn Thành và Mai Thị Linh đều là người khuyết tật khiếm thị. Họ gặp nhau tại Hà Nội và dần dần tình cảm đến lúc nào không biết. Chị Linh chia sẻ, trong một tai nạn từ nhỏ, chị đã mất dần thị lực và không còn nhìn được ánh sáng. Chị nghĩ rằng, cuộc đời chị sẽ chấm dứt từ đó.
Tuy nhiên, khi lớn lên và gặp anh Thành, anh đã động viên, yêu thương chị rất nhiều và tình yêu giữa hai người ngày một lớn lên. Để tổ chức một đám cưới lại khó khăn vì công việc chưa ổn định, hoàn cảnh gia đình hai bên cũng không khá giả. Vì vậy anh chị đã quyết định về sống chung với nhau mà không cần một đám cưới. Từ Hà Nội, vợ chồng trở về quê và mở dịch vụ massage của người khiếm thị.
Anh Thành luôn động viên vợ: “Vợ chồng yêu thương nhau là chính, còn đám cưới chỉ là thủ tục”. Năm 2019, nghe tin Hội Phụ nữ tổ chức đám cưới tập thể cho người khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn nên anh Thành đã tìm hiểu và đăng ký tham gia. Nghe tin vui từ chồng, ban đầu, chị Linh còn băn khoăn, từ chối nhưng vì chiều chồng, muốn vợ được mặc áo cô dâu, muốn hai vợ chồng có một đám cưới thực sự nên chị đã gật đầu.
Vậy là một đám cưới tưởng chỉ có trong giấc mơ đã thành hiện và đó cũng là một sự kiện không thể nào quên của gia đình chị. Chị Linh phấn khởi cho biết năm nay, gia đình chị đã đón thêm cậu con trai gần 1 tuổi, dịch vụ massage cũng được mở rộng hơn.
Vận động viên khuyết tật sở hữu 36 Huy chương Vàng tại ParaGame Đông Nam Á Phạm Hồng Thức và vợ là Hoàng Hồng Kiên đã có một đám cưới đúng nghĩa sau 14 năm góp gạo thổi cơm chung. Anh Thức, chị Kiên vẫn rưng rưng xúc động khi nhớ về đám cưới ý nghĩa của hai năm trước, năm 2018.
“Mỗi lần đi qua hay tham dự một đám cưới nào, tôi cũng rất ao ước khi nhìn cô dâu trong bộ váy trắng tinh, xinh đẹp và nghĩ rằng, những bộ váy đó không bao giờ dành cho mình. Thế nên, khi được chương trình tổ chức đám cưới tập thể, với tôi, đó như là một giấc mơ. Tôi đã vô cùng hồi hộp mong chờ ngày được đi chụp ảnh cưới. Điều thú vị nhất là đám cưới của vợ chồng tôi có hiện diện cả hai đứa con. Thực sự, đó là kỷ niệm, là dấu ấn không thể quên trong cuộc đời…” - chị Hồng Kiên xúc động chia sẻ.
Lan tỏa tình yêu thương
Theo thông tin từ bà Dương Thị Ngọc Linh - Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển thuộc Trung ương Hội LHPN Việt Nam thì đến thời điểm hiện tại, đã có trên 40 cặp đôi được lựa chọn tham gia lễ cưới, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 6/12/2002 tại Hà Nội.
Lễ cưới tập thể “Giấc mơ có thật” tiếp tục được tổ chức lần thứ ba chính là món quà, thể hiện sự quan tâm, chăm lo, tạo điều kiện để những người khuyết tật, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có cơ hội làm đám cưới chính thức, xây dựng mái ấm gia đình và qua đó, tạo động lực để họ vượt qua mọi khó khăn vươn lên xây dựng gia đình hạnh phúc, góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp.
Một lễ cưới với đầy đủ nghi lễ truyền thống, chụp ảnh cưới, trước sự chứng kiến không chỉ của gia đình, bạn bè mà còn đại diện nhiều cơ quan, đơn vị, sẽ là một trải nghiệm khó quên của các cặp vợ chồng. “Giấc mơ có thật” sẽ là một hoạt động nhân văn sâu sắc, lan tỏa tình yêu thương và tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau.
Có thể nói, tính nhân văn của “Giấc mơ có thật” mà bà Linh nhắc đến đã và đang nhìn thấy được qua những nụ cười, những giọt nước mắt, những nỗi niềm hạnh phúc của rất nhiều cặp đôi trong hai mùa trước và nay họ vẫn cùng chung một nghĩ suy: “Đó là kỷ niệm, là dấu ấn không thể quên trong cuộc đời. Tôi mong muốn nhiều người không may mắn được chương trình tổ chức đám cưới, được khoác lên mình bộ cô dâu, chú rể, được nhận lời chúc phúc từ bạn bè, người thân. Những hạnh phúc ấy thực sự vô cùng quý giá với những người khuyết tật như chúng tôi”, như lời chia sẻ của chị Hoàng Hồng Kiên – một trong những cô dâu hạnh phúc của “Giấc mơ có thật”.