Trả lời:
Hiện chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể về việc công dân khi nhận được “giấy mời” của cơ quan nhà nước nói chung và cơ quan công an nói riêng thì bắt buộc phải có mặt theo yêu cầu.
Tuy nhiên như bạn trình bày, bạn là người làm chứng trong một vụ án hình sự và cơ quan công an đã gửi giấy mời đến phối hợp cung cấp thông tin để điều tra vụ án thì bạn cần đến để hợp tác điều tra vụ việc.
Trong trường hợp bạn không thể đến theo đúng thời gian ghi trong giấy mời có thể làm đơn nêu lý do vắng mặt gửi lên cơ quan công an. Trong thời gian gần nhất bạn cần đến cơ quan công an đã gửi giấy mời để phối hợp cùng cơ quan này làm rõ vụ việc, cũng như nắm được mình có liên quan như thế nào trong vụ án.
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, khi cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố vụ án, việc phải có mặt theo giấy triệu tập là một nghĩa vụ tố tụng (bắt buộc) đối với các đối tượng sau: Bị can: phải có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan điều tra, viện kiểm sát; Bị cáo: phải có mặt theo giấy triệu tập của Toà án; Người bị hại: là người bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản do tội phạm gây ra. Người bị hại phải có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án; Nguyên đơn dân sự; Bị đơn dân sự; Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; Người làm chứng.
Như vậy, bạn được xác định tham gia tố tụng với tư cách người làm chứng trong vụ án hình sự nên bắt buộc phải có mặt khi cơ quan pháp luật triệu tập. Nếu vắng mặt phải có lý do.
Trường hợp người làm chứng đã được cơ quan điều tra, viện kiểm sát triệu tập nhưng cố tình trốn tránh, vắng mặt không có lý do chính đáng và việc họ vắng mặt gây trở ngại cho việc điều tra, truy tố thì cơ quan đã triệu tập người làm chứng có thể ra quyết định dẫn giải.