(PLO) - Bức tranh giao thông vốn hỗn loạn ở Việt Nam lại càng có nhiều mảng tối hơn khi những vụ việc mất an toàn giao thông do xe đạp, xe máy điện xảy ra liên tiếp. “Đối xử” với xe đạp, xe máy điện ra sao là vấn đề mà các nhà quản lý đang cân nhắc.
Thừa nhận sự lúng túng
Khi mới xuất hiện trên thị trường, xe đạp điện trong hình dung của nhiều người là một loại phương tiện giao thông an toàn bởi xe được thiết kế trên nền tảng xe đạp, chỉ khác ở chỗ có động cơ điện, nên rất phù hợp với người lớn tuổi và người chưa đủ tuổi đi xe máy. Thêm vào đó, điều khiển xe đạp điện không cần có bằng cũng là một trong những lý do khiến xe đạp điện “lên ngôi”.
Nhưng thực tế lại không phải vậy. Về mặt kỹ thuật, rất nhiều xe đạp điện nhập vào Việt Nam có tốc độ giới hạn rất cao, trên 40 km/h tức là tương đương với tốc độ trung bình của xe máy. Trong khi đó, thiết kế về độ bền, độ chịu lực, hệ thống phanh và khả năng giảm tốc của xe đạp thấp hơn xe máy nên mức độ nguy hiểm đối với người đi xe đạp điện cao hơn xe máy rất nhiều.
Về người sử dụng, ở Việt Nam phần lớn là học sinh cấp hai, cấp ba nên chuyện đánh võng, lạng lách ngoài đường là rất thường xuyên, thậm chí những vụ tai nạn giao thông gây chết người do xe đạp điện gây ra cũng đã xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành.
|
Không hiếm gặp cảnh xe đạp điện lạng lách ngoài đường |
Ở góc độ quản lý, hệ thống quản lý chất lượng phương tiện này vẫn đang trong tình trạng bị bỏ ngỏ. Thông tư về kiểm tra chất lượng và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia dùng làm căn cứ để quản lý và kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật đối với xe đạp điện vẫn đang được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) xúc tiến.
Sự buông lỏng này cũng đã được chính Bộ GTVT thừa nhận tại cuộc họp Ban Thường trực Ủy ban An toàn giao thông trung tuần tháng 9, khi Bộ trưởng Đinh La Thăng tỏ ra bất ngờ trước tình trạng xe đạp điện lưu hành mà không chịu chế tài quản lý.
“Dù muốn hay không thì xe đạp điện đã tràn lan rồi, bây giờ không quản lý thì vai trò quản lý nhà nước ở đâu?. Rõ ràng là chúng ta buông lỏng. Một loạt xe đạp điện lưu thông trên đường mà cơ quan quản lý nhà nước chỉ đứng nhìn, không có một động tĩnh gì thì chúng ta phải xem lại”, theo Bộ trưởng Đinh La Thăng.
Mấu chốt nằm ở khâu…phân biệt?
Vì xe đạp điện có tốc độ không thua kém gì xe máy và khả năng gây mất an toàn giao thông cũng tương tự xe máy nên phải chịu sự quản lý như xe máy (đăng ký tên tuổi, địa chỉ khi mua, có số khung, số máy gắn biển kiểm soát)… là phương án đang được dư luận bàn tán nhiều ngày nay.
Vui vẻ chào đón thông tin này tất nhiên trước hết là lực lượng Cảnh sát Giao thông (CSGT). Trung tá Đinh Thanh Thảo - Đội trưởng Đội Quản lý đăng ký xe, Phòng CSGT Hà Nội cho biết, loại phương tiện này cần phải có số khung, số máy để tiện xác định xử lý khi người điều khiển vi phạm. Nhưng hiện nay cả xe máy và xe đạp điện khi mua chỉ cần một hoá đơn bán hàng, một giấy bảo hành, không cần số khung, số máy đăng ký. Tiếp đến là những người trông giữ xe tại các bãi xe, vì một khi có số khung, số máy, biển kiểm soát sẽ tránh tình trạng ghi số nhằng nhịt hay lấy nhầm xe như thực tế đang diễn ra ở các bãi xe trường học hiện nay.
Nhưng, ở phương diện phụ huynh học sinh và quản lý nhà nước thì còn rất nhiều trở ngại vì một số phụ huynh cũng lo ngại vì phần lớn người sử dụng đều là học sinh dưới 18 tuổi, nên theo quy định pháp luật, việc đăng kí sẽ gặp khó khăn, phụ huynh sẽ mất thời gian đi đăng ký xe cho con dưới tên mình.
Mặt khác, hiện nay trong các quy định của Chính phủ và Bộ GTVT, phương tiện chạy điện được phân thành 2 loại: xe máy điện và xe đạp điện. Xe máy điện thì phải tuân thủ các quy định như xe máy dưới 50cm3 là phải có đăng ký, đăng kiểm, quy định về độ tuổi cho người điều khiển, đội mũ bảo hiểm khi vận hành; xe đạp điện phải giới hạn tốc độ tối đa và khi tham gia giao thông bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm.
Thống kê của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia cho thấy, trong số những xe chạy điện đang được sử dụng, có đến 70% là xe máy điện và 30% là xe đạp điện.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng, lực lượng chức năng rất khó phân biệt đâu là xe máy điện, đâu là xe đạp điện; người đi xe cũng không quan tâm và không cần biết mình có cần đội mũ bảo hiểm, xe có phải đăng ký không. Vì thế, việc phân biệt rạch ròi để kiểm soát, gắn biển chắc chắn sẽ rất khó khăn. Phân biệt rõ khái niệm về xe đạp điện và xe máy điện để từ đó có những biện pháp, khuyến cáo đối với người sử dụng và công tác quản lý được rõ ràng, theo ông Hiệp là điều cần làm ngay.