Như PLVN đã thông tin trong bài viết Đòi bồi thường vụ tiêu hủy gián, trước sự việc chưa từng có tiền lệ là cấp phép cho doanh nghiệp nhập khẩu và nuôi con gián đất, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Bắc Ninh Ngô Tân Phượng đã thừa nhận với truyền thông:
“Trong quá trình tiếp nhận hồ sơ, anh em Phòng Đăng ký kinh doanh sơ suất nên đã cấp cho hộ dân nuôi con gián đất. Có thể do anh em chưa tra cứu kỹ cũng như hiểu biết vẫn còn mơ hồ, đây là một sai sót…”.
Sở đã nhận sai…
Động thái rút bỏ ngành nghề kinh doanh cùng với phát ngôn khá rõ ràng của một cán bộ có thẩm quyền thuộc Sở KH&ĐT Bắc Ninh đã thừa nhận sai, và sau đó sửa sai bằng một cuộc họp “kín” hôm 25/3 với ông Nguyễn Đình Nguyên là chủ nuôi gián để thương lượng việc giải quyết bồi thường.
Trong khi dư luận và công luận đang dõi theo nội dung, kết quả của cuộc đàm phán thì ngày 27/3/2014, Bộ KH&ĐT bất ngờ có công văn gửi Sở KH&ĐT Bắc Ninh, trong đó trích dẫn một loạt quy định của Luật Doanh nghiệp và các văn bản luật liên quan để nói rằng việc cấp bổ sung ngành nghề kinh doanh số 0149 (chăn nuôi con gián đất) cho doanh nghiệp nói trên của Sở là không trái quy định pháp luật.
* Phải xử lý cá nhân, đơn vị có liên quan
“Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về việc tự ý nhập khẩu và gây nuôi gián đất trên địa bàn Bắc Ninh, đồng thời kiểm điểm rút kinh nghiệm về trách nhiệm quản lý của các cá nhân, đơn vị có liên quan.”
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám
Bộ đã trích dẫn một cách “thẳng tưng” quy định về đăng ký doanh nghiệp: “Cơ quan đăng ký kinh doanh chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, không chịu trách nhiệm về những vi phạm pháp luật của doanh nghiệp xảy ra trước và sau đăng ký doanh nghiệp”.
Bộ chỉ đường “thoát hiểm”
Thực tế, Nghị định số 43/2010/NĐ-CP của Chính phủ có điều khoản quy định như vậy. Nhưng xin nhắc lại, trước đó 5 năm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) trên cơ sở Pháp lệnh Giống vật nuôi, Pháp lệnh Chất lượng hàng hóa… đã ban hành Quyết định số 67/2005/QĐ-BNN về Danh mục giống vật nuôi được phép sản xuất, kinh doanh gồm 9 loài (lợn, gia cầm, bò, trâu, dê, ngựa, thỏ, ong, tằm) và tuyệt nhiên không có con gián đất.
Pháp luật không cho phép nhưng Sở vẫn cấp Chứng nhận đăng ký kinh doanh ngoài danh mục để doanh nghiệp đầu tư tiền tỷ nhập khẩu, chăn nuôi một loài côn trùng vốn là loài ngoại lai xâm hại, là trung gian truyền bệnh nguy hiểm vào Bắc Ninh. Bộ KH&ĐT sau đó lại chỉ đường cho Sở “thoát hiểm” bằng quy định “không chịu trách nhiệm về những vi phạm pháp luật của doanh nghiệp xảy ra trước và sau đăng ký doanh nghiệp” là không thuyết phục.
Đáng nói, sau khi việc cấp đăng ký kinh doanh này bị giới làm luật và cơ quan quản lý Nhà nước về chăn nuôi chỉ trích gay gắt, Sở KH&ĐT Bắc Ninh đã cầu cứu tới Bộ KH&ĐT rằng: “Nhiều cơ quan báo chí đã thực hiện phóng sự và bình luận: Phòng Đăng ký kinh doanh đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chăn nuôi con gián đất là vi phạm Quyết định số 67/2005/QĐ-BNN của Bộ Nông nghiệp… đề nghị Bộ xem xét, có văn bản để Sở trả lời, giải thích với các cấp…”.
Lẽ ra trước sai sót đã rõ của cấp dưới cần có chỉ đạo kiểm điểm xử lý nghiêm, thì Bộ KH&ĐT lại ban hành văn bản trấn an Sở này: “Ngành, nghề kinh doanh có điều kiện kinh doanh áp dụng theo các quy định của Luật, Pháp lệnh, Nghị định chuyên ngành hoặc Quyết định có liên quan của Thủ tướng Chính phủ”.
Với lập luận này, Bộ KH&ĐT đã viện dẫn Nghị định số 102/2010/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp khẳng định Danh mục nói trên chỉ được cụ thể hóa trong một “Quyết định” của Bộ NN&PTNT nên “không có hiệu lực thi hành”?
Tuy nhiên, trong Công văn số 810/BNN-CN gửi UBND tỉnh Bắc Ninh, Bộ NN&PTNT vẫn tái khẳng định lập trường của mình: “gây nuôi gián đất là việc làm bị nghiêm cấm”. Vì thế, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh phải “kiểm điểm rút kinh nghiệm về trách nhiệm quản lý của cá nhân, đơn vị có liên quan”.
* Đã từng có bài học tàn phá môi trường khủng khiếp của ốc bươu vàng
“Việc quyết định cho nhập giống ngoại lai vào Việt Nam thuộc thẩm quyền của Bộ chứ các Sở NN&PTNT cũng không có quyền này. Ngoài ra, trong quá trình chăn nuôi nếu “anh” làm quy mô lớn thì phải có Báo cáo đánh giá tác động môi trường được ngành Tài nguyên và Môi trường thẩm duyệt. Quy định chặt như vậy để tránh nhập phải giống thuộc danh mục ngoại lai xâm hại. Bởi chúng ta đã có quá nhiều bài học đau xót nhãn tiền về sự sinh sôi, nảy nở và tàn phá khủng khiếp đối với mùa màng, đồng ruộng… của những loài đó, chẳng hạn như ốc bươu vàng. Trường hợp này không cần bàn luận gì thêm nữa vì gián đất không có trong danh mục, vì thế việc cấp đăng ký kinh doanh là không đúng”.
TS. Nguyễn Đăng Vang - Chủ tịch Hội chăn nuôi Việt Nam