Như báo PLVN đã thông tin đến bạn đọc về một số đối tượng ngang nhiên mời chào khách làm bằng đại học, cao đẳng và các giấy tờ như: sổ đỏ, giấy đăng ký kết hôn, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm... Và trong vai nguời muốn làm bằng đại học để đi xin việc, chúng tôi đã tiếp cận được với những đối tượng rao bán bằng đại học này. Qua cuộc thương lượng với phía ''đối tác” làm bằng, chúng tôi chỉ cần cung cấp thông tin cá nhân qua chứng minh nhân dân bản gốc, mã ngành, mã trường.
Tuy nhiên ngôi trường mà chúng tôi nhập vai để làm bằng, là do đối tác tên Việt tư vấn, bởi vậy phía đối tượng sẽ lo liệu phần mã trường, mã ngành cho chúng tôi. Ngoài ra chỉ cần chi một khoản tiền khoảng 4 triệu 200 nghìn đồng và đợi 3-5 ngày sau, là chúng tôi đã có thể cầm trên tay tấm bằng cử nhân đại học, thay vì phải khổ luyện đèn sách suốt 4 năm ròng.
Về vụ việc này, luật sư Cường đã dẫn ra điều 267 Bộ luật hình sự (BLHS) năm 1999 quy định về hình phạt đối với những cá nhân, tổ chức không có nhiệm vụ, không có thẩm quyền cấp phát các loại giấy tờ hành chính pháp lý; nhưng lại tự ý làm ra, làm giả con dấu, giả chữ ký, giả các loại giấy tờ của cơ quan, tổ chức; thì hành vi này là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý về tội làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức. Cụ thể:
1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc nị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm:
a. Có tổ chức
b. Phạm tội nhiều lần
c. Gây hậu quả nghiêm trọng
d. Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 4 năm đến 7 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng.
Và đốu với tổ chức là pháp nhân thương mại có hành vi vi phạm, thì từ ngày 1/7/2016 cũng sẽ bị xử lý hình sự theo quy định của BLHS năm 2015.
|
Luật sư Đặng Văn Cường, thuộc Văn phòng luật sư Chính pháp |
Luật sư Cường cho biết, bộ máy nhà nước được tổ chức theo một trình tự, thủ tục nhất định, thành mộ thể thống nhất gồm nhiều cơ quan, tổ chức có những chức năng, nhiệm vụ khác nhau. Chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, tổ chức được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật. Và chỉ những cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ quản lý hành chính, nhiệm vụ cấp các giấy tờ hành chính, thực hiện thủ tục hành chính thì mới có quyền cấp các giấy tờ hành chính, pháp lý theo trình tự, thủ tục luật định.
Theo quy định của Luật đất đai thì ủy ban nhân dân (UBND) cấp quận, huyện và UBND cấp tỉnh mới có quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Việc cấp GCNQSDĐ phải tuân thủ trình tự, thủ tục mà Luật đất đai và các văn bản dưới luật thi hành. Việc cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do UBND cấp xã, phuờng, thị trấn cấp cho người Việt Nam; Sở tư pháp cấp, làm thủ tục kết hôn cho những trường hợp hôn nhân có yếu tố nước ngoài. Cơ sở giáo dục được cấp bằng cấp theo chuyên môn, lĩnh vực đào tạo quy định của Luật giáo dục và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Việc cấp các giấy tờ hành chính này phải do người có thẩm quyền theo quy định pháp luật thực hiện và thủ tục cấp phải tuân theo trình tự chặt chẽ, đúng quy trình luật định. Nếu người cấp các loại giấy tờ này không đúng thẩm quyền hoặc câdp sai trình tự thủ tục, sai đối tượng...thì giấy tờ đó sẽ bị hủy bỏ, không có giá trị pháp lý.
Luật sư Cường phân tích nguyên nhân dẫn đến vấn nạn cò chạy giấy tờ và trào lưu làm giả tài liệu đang diễn ra ồ ạt và ngày càng mang tính công khai hơn như hiện nay:
Thứ nhất: Do sự yếu kém trong công tác quản lý của các cơ quan chịu trách nhiệm quản lý hành chính, xử lý vi phạm chưa làm hết trách nhiệm, gây hệ lụy xấu cho xã hội.
Thứ hai: Sự thiếu hiểu biết về pháp luật của cả người mua và người bán các loại giấy tờ. Những người làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức, nhiều khi vẫn tưỏng rằng vi phạm này chỉ bị xử lý hành chính, mà không biết rằng hình phạt đối với họ có thể lên tới 7 năm tù giam theo khoản 3, điều 276 BLHS.
|
Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự người làm giả bằng đại học |
Với người mua thì nhu cầu của họ đã sinh ra bên cung ứng, nghĩa là có cầu ắt có cung. Mặc dù người mua, sử dụng không phải trường hợp nào cũng bị xử lý hình sự; nhưng nếu dùng các loại giấy tờ giả đó để nộp hồ sơ thi tuyển, ứng tuyển, thì kết quả tuyển dụng sẽ bị hủy bỏ ( nếu bị phát hiện ); và nếu sử dụng vào các giao dịch kinh tế thì có thể bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, quy định tại điều 139 BLHS.
Thứ ba: Việc phát hiện, xử lý còn chưa kịp thời, thiếu kiên quyết; dẫn đến nhiều trường hợp vi phạm vẫn ngang nhiên hoạt động, gây bức xúc dư luận..
Như vậy, việc Việt cung ứng bằng cho chúng tôi khi nhập vai làm người mua là hoàn toàn không đúng thẩm quyền, cấp sai trình tự thủ tục và sai đối tượng; bởi chúng tôi chưa qua đào tạo của bất kỳ ngành nào mang tên ngôi trường Đại học kinh tế kỹ thuật công nghiệp, nhưng vẫn được anh Việt ‘ cấp bằng''. Thậm chí bằng là trung bình, khá hay giỏi nằm trong ‘quyền' tự quyết theo ý muốn của chúng tôi.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần sớm vào cuộc, điều tra làm rõ vấn đề để tránh hệ lụy cho xã hội về sau.