Có tự mảy may…

(PLVN) - Thời Lý, thiền sư Từ Đạo Hạnh từng nói: "Có thì có tự mảy may/ Không thì cả thế gian này cũng không."
Mùa Phật đản, hãy thong thả dành cho mình thêm chút tĩnh lặng, hãy thưởng thức hương vị của kiếp sống như đứng trước một đầm sen rộng lớn, tận hưởng mùi của lá xanh, của những cánh sen biếc. (Internet)

Đây là bài kệ mang đậm tinh thần Chân không diệu hữu, cái thấy bất nhị và pháp giới vô ngại, trùng trùng duyên khởi trong Kinh Hoa Nghiêm của thiền sư. Bài kệ ra đời vì nhân duyên một vị tăng đã hỏi thế nào là tâm Phật.

Khi tâm hoàn toàn vắng lặng thì nội ngoại đều không. Khi tâm khởi động dụng thì trong ngoài, đều có. Thế nên mới có câu: ngũ uẩn giai không vậy. Tuệ giác soi thấy năm uẩn đều không có tự tính, thì thoát khỏi mọi khổ đau ách nạn. Tâm kinh từng khẳng định như vậy. Không dính mắc vào cái nhìn nhị nguyên. Có và Không là hai thực tại tương dung, không biệt lập.

Chính bởi chỗ lập tri của hành giả là có, thì muôn sự đều có. Cái này sinh nên cái kia sinh, chúng ở trong nhau, phản ánh lẫn nhau trùng trùng vô tận như những hạt châu của lưới trời Đế Thích.

Bát Nhã từng nói, khi bồ tát “chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách” vậy. Thấy rằng không, thì muôn sự đều là không. Không có một tự tánh riêng biệt. Tất cả đều tương dung, tương tức, tương nhiếp, tương nhập chính là lý duyên khởi trùng trùng của giáo điển Hoa Nghiêm.

Trong Kinh Phật Tự Thuyết (Tiểu Bộ kinh I), nguyên lý Duyên khởi đã được Thế Tôn tóm tắt thế này:

Do cái này có mặt nên cái kia có mặt.

Do cái này không có mặt nên cái kia không có mặt.

Do cái này sinh nên cái kia sinh.

Do cái này diệt nên cái kia diệt.

Định thức duyên khởi hay chân không – diệu hữu cũng chính là thực tánh của các pháp. Từ chỗ thấy ra lý duyên khởi mà đức Thế Tôn đã đạt được giác ngộ toàn vẹn. Ngài từng nói: "Ai thấy duyên khởi là thấy pháp; ai thấy pháp là thấy Như Lai." Thấy Như Lai chính là thấy ra được, hiểu được thế nào là tâm Phật.

Liên hiệp quốc năm 2017 đã có một thông điệp Phật đản thế này:

Như một đoạn Kinh đã viết: Vì tất cả chúng sinh đều bị bệnh tật, ta (Như Lai) cũng trải qua bệnh tật.”

Thông điệp từ bi này là vô tận. Trong thế giới tương liên của chúng ta, sẽ không thể có hoà bình đích thực trong khi người khác đang gặp nguy khốn; không có an ninh thực sự khi người khác vẫn còn bị tước đoạt; không thể có tương lai bền vững cho đến khi tất cả thành viên của gia đình nhân loại tận hưởng được các quyền con người. Nhân ngày Vesak này, tất cả chúng ta hãy ca tụng trí tuệ của đức Phật bằng cách hành động vì tha nhân với tinh thần đoàn kết mạnh mẽ.

Chính bởi tính duyên khởi trùng trùng nên con người và vạn vật trong vũ trụ này không phải là những thực tại riêng biệt và độc lập. Chúng ta có mặt ở trong nhau, phản chiếu lẫn nhau, vì nhau mà biểu hiện. Nếu hiểu được điều đó, vì tha nhân và đoàn kết xây dựng một thế giới an lành chính là chúng ta đang thiết lập một quốc độ tốt đẹp cho bản thân mình vậy.

Sự cộng sinh mang đến mối quan hệ tương hỗ vô cùng đáng quý. Cuộc sống chỉ trở nên đầy những rối ren vì cái tôi của ai cũng muốn thể hiện mình, muốn cái tôi của mình được khẳng định, được chú ý, được sự tốt đẹp. Tham, sân, si cũng được bắt nguồn do bởi muốn bành trướng bản ngã. Tập khí lâu ngày đã trở nên sâu dày và tinh thần còn yếu đuối sẽ không ngừng kéo chúng ta đi về phía bất an và tự ti, về phía của sợ hãi...

Như bóng tối chỉ có thể được loại trừ khi chúng ta rọi vào đó ánh sáng. Tuệ giác về duyên khởi, về tương tức chính là một thứ ánh sáng giúp cho người ta sống tốt đẹp, lành thiện và hạnh phúc.

Từ hàng ngàn năm nay, dân tộc Việt đã thực hành nghi thức tắm Phật trong ngày mừng kỷ niệm đản sanh của ngài. Thời điểm tôi ghi lại mấy dòng chữ này, Sen đã bắt đầu hé nụ. Hạ về. Những ánh nắng khiến cho màu lá thêm xanh mướt, hương lúa, hương sen quện vào nhau và ướp cho nắng, cho gió trở thành những tấm áo mỏng manh ngọt ngào, cho mùa Hạ thơm lành.

Mùa Phật đản sinh, cũng là mùa sen nở. Nắng vàng rực rỡ chào đón sự ra đời của đức Từ Phụ. Kể từ 1072, theo ghi chép của Đại Việt sử ký toàn thư, nước ta đã tổ chức lễ tắm Phật, đến năm 1105 thì trở thành lệ thường hàng năm, từ đây, nghi thức tắm Phật chính thức mang tầm vóc quốc gia:

(Năm Nhâm Tý, Thần Vũ năm thứ 4 (1072).

“Mùa hạ, tháng 4, ngày mồng 8, vua (Lý Thánh Tông) tham dự lễ tắm Phật”.

"Ất Dậu, Long Phù, năm thứ 5 (1105), (Tống Sùng Ninh năm thứ 4). Mùa thu, tháng 9, làm hai ngọn tháp chỏm trắng ở chùa Diên Hựu, ba ngọn tháp chỏm đá ở chùa Lãm Sơn. Bấy giờ vua sửa lại chùa Diên Hựu đẹp hơn cũ, đào hồ Liên Hoa Đài, gọi là hồ Linh Chiểu. Ngoài hồ có hành lang chạm vẽ chạy chung quanh, ngoài hành lang lại đào hồ gọi là hồ Bích Trì, đều bắc cầu vồng để đi qua. Trước sân chùa xây bảo tháp. Hàng tháng cứ ngày rằm, mồng một và mùa hạ, ngày mồng 8 tháng 4, xa giá ngự đến, đặt lễ cầu phúc, bày nghi thức tắm Phật, hàng năm lấy làm lệ thường".

Đức Thế Tôn đã đặt chân đến mảnh đất của dân tộc này. Bằng giáo pháp của mình, ngài chỉ cho mỗi người thấy được con đường giác ngộ, giải thoát. Đó là con đường của tuệ giác, chứng vào tri kiến Phật. Đức Thế Tôn cố nhiên muốn chúng ta có được tuệ giác để giải thoát mình khỏi bị ràng buộc dính mắc trong sinh tử luân hồi. Người muốn chúng sinh không còn khổ đau và chìm đắm trong ba nẻo sáu đường, trong vô minh và những sân si tham đắm mà thị hiện nơi cõi ta bà. Ngài đã tuyên thuyết một tin mừng cho nhân loại: Tất cả chúng sinh đều có Phật tính, đều là vị Phật sẽ thành.

Vậy thì có lẽ “chưa thành” là bởi do chúng sinh cần phải trải qua những bài học. Học để hiểu, học để yêu thương. Học để nhận ra rằng cộng sinh nơi cõi ta bà này trong kiếp sống hữu hạn chính là để dần dần thấy ra những sự thực và nâng cao phẩm chất giác ngộ của mình. Mỗi một chướng ngại, một sự việc xảy đến chính là lòng từ bi vô hạn của Pháp.

Chúng ta có lẽ đôi lúc cho rằng rất nhiều điều phải vượt qua bởi cuộc sống có quá nhiều gian khó, quá nhiều những thiếu thốn, mất mát, cô độc và chia ly. Nhưng, chúng ta cũng có thể thưởng thức cuộc sống. Bởi dù đau khổ, buồn vui, xấu tốt, tất cả cũng đều là những thực tại màu nhiệm.

Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh! Thế Tôn là vị Phật đã thành, chúng sinh cũng đều là những vị Phật sẽ thành. Kiếp sống chính là trường học, những khó khăn phải vượt qua chính là bởi do lòng từ bi vô hạn của Pháp.

Mùa Phật đản, hãy thong thả dành cho mình thêm chút tĩnh lặng, hãy thưởng thức hương vị của kiếp sống như đứng trước một đầm sen rộng lớn. Có mùi nắng, gió, có mùi vị của bùn, của những giọt sương, có hương thơm lành ngọt của lá xanh và của những cánh sen biếc. Hãy mời vị Phật trong mình biểu hiện, và hoan hỷ đón mừng ngày kỷ niệm đức Từ Phụ đã thị hiện nơi cõi Ta Bà, chỉ cho chúng ta con đường giác ngộ!