Vượt qua giới hạn của bản thân

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Có một câu nói khuyết danh như sau: “Ai không bước chân ra khỏi nơi quen thuộc sẽ không hiểu giá trị đích thực của con người”. Trong sự phát triển của công nghệ thông tin, con người dần đánh mất đi bản năng khám phá, sinh tồn mãnh liệt mà ông cha để lại. Hiện nay, để hòa mình vào thiên nhiên hùng vĩ, khám phá giới hạn bản thân, nhiều người đã dành trọn niềm đam mê cho các chuyến đi phiêu lưu, mạo hiểm.
Thái Hà trong ngày chơi dù lượn trên bầu trời. (Nguồn: NVCC)
Thái Hà trong ngày chơi dù lượn trên bầu trời. (Nguồn: NVCC)

Khám phá tiềm năng của bản thân

Giáng Hương (27 tuổi, sinh sống ở Hà Nội) vừa trở về sau chuỗi ngày tham dự khóa học lặn tự do (Freediving) ở Nha Trang. Cô chia sẻ, bản thân là một người yêu thích bơi lội, đại dương. Giáng Hương từng tham gia nhiều giải bơi lội được tổ chức tại Việt Nam như Oceanman, Việt Nam Festival với các cự ly khác nhau từ 2 - 5km. Với niềm đam mê nhìn ngắm những bãi san hô trải dài, đàn cá đầy màu sắc tung tăng bơi lội, cô đã quyết định xin nghỉ phép ở cơ quan gần một tháng để vào Nha Trang trải nghiệm bộ môn lặn.

Hiện tại, Giáng Hương lặn được khoảng 10 - 15m, nín thở được trên dưới 2 phút. Cô tâm sự, đây là một bộ môn khó học, đòi hỏi nhiều kỹ thuật như bơi lội, nín thở tĩnh, cân bằng tai. Đặc biệt, cô phải học thiền, để tĩnh tâm, thả lỏng cơ thể phục vụ cho việc nín thở để lặn sâu xuống dưới đại dương. Hương chia sẻ: “Ban đầu, cơ thể rất khó thích nghi, tuy nhiên, khi xuống dưới lòng đại dương, cảm nhận không gian tĩnh lặng, thế giới đẹp như miền cổ tích khiến tôi thấy rất xứng đáng”.

Giáng Hương cho biết, đây là bộ môn giúp cô học được ý chí mạnh mẽ, quyết tâm và kiên định vượt qua giới hạn bản thân: “Khi nhịn thở, lượng CO2 tăng cao, khiến tôi muốn thở hết ra để cơ thể thoải mái. Tuy nhiên, tôi dần chiến thắng được cảm giác đó, giữ cho tâm trí bình tĩnh, tỉnh táo để biết rằng mình không nguy hiểm và tiếp tục công cuộc khám phá đại dương”.

Cũng giống như Giáng Hương, Huyền Trang (26 tuổi, sinh sống ở Quảng Ninh) có niềm đam mê “băng rừng, vượt suối, leo núi”. Cô gái 26 tuổi đã có 4 năm kinh nghiệm đến nhiều địa điểm đẹp bậc nhất ở Việt Nam như Lảo Thẩn, Nhìu Cồ San, Cú Nhù San,... Cô cho biết, mỗi đỉnh núi cao đến hàng nghìn mét so với mực nước biển. Để chinh phục được, mỗi người cần rèn luyện thể lực, hơi thở.

Có những lúc leo lên núi, Huyền Trang chỉ muốn bỏ cuộc vì cung đường quá mệt, nhiều cây cỏ dại. Tuy nhiên, cô nói: “Thiên nhiên Việt Nam đúng là đẹp như một bức tranh thần tiên. Đôi lúc quá mệt do leo núi liên tục trong nhiều giờ, nhưng tôi chỉ cần nhìn đám mây trôi lờ lững, rừng hoa tím lịm, là mọi khó khăn đi theo gió, theo mưa bay hết đi”.

Trang cho biết, cô yêu cảm giác cùng đồng đội động viên nhau vượt qua chặng leo khó khăn. Cô thích được cảm nhận cơ bắp đau nhức đến tột cùng, nằm vật ra khi đến đỉnh núi, vừa thở hổn hển, vừa nhìn khung cảnh bao la trên cao. Đó là lúc, Huyền Trang khám phá được những giới hạn mới của bản thân. Cô nói: “Tôi từng rất tự ti khi đi làm, đi học vì nghĩ mình nhỏ con, yếu ớt. Nhưng bây giờ, tôi có thể tự hào nói rằng mình rất khỏe mạnh, dẻo dai có thể chinh phục những đỉnh núi chọc trời”.

Thái Hà (33 tuổi, sinh sống ở Hà Nội) chia sẻ, cô có thú vui tham gia những bộ môn mạo hiểm ngoài trời. Cô không những từng học lặn, từng đi trekking xuyên rừng, xuyên núi, mà còn rất đam mê chơi dù lượn. Thái Hà tâm sự, không gian ở trên cao khiến cô cảm thấy thư thái, hạnh phúc. Đặc biệt khi được nhìn núi rừng, biển xanh bao la, rộng lớn từ trên dù lượn: “Tôi đã từng bay dù lượn ở trên biển và trên núi. Cả hai đều mang lại trải nghiệm khó quên với tôi. Tôi cảm thấy, cũng giống như cuộc sống này, cần thay đổi góc nhìn để giải quyết những vấn đề nan giải”. Hà cho biết, khi gặp vấn đề nan giải, cô lại liên tưởng đến bộ môn dù lượn, nếu không giải quyết được trực diện hãy xoay các chiều trên - dưới, trái - phải để tìm ra phương án phù hợp nhất.

Hà chia sẻ, trong tương lai, cô có thể sẽ học chuyên sâu hơn về bộ môn dù lượn để tự mình có được những trải nghiệm tốt nhất. Cô nói: “Đây là một bộ môn rất khó, độ an toàn không cao. Vì vậy, tôi cần chuẩn bị sức khỏe, kiến thức thật tốt trước khi bắt đầu học “chuyên nghiệp” hơn với bộ môn này”.

Giải phóng những áp lực tích tụ trong cơ thể

Thực tế, có rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra các môn thể thao mạo hiểm giúp người chơi nhận ra và bộc phát nhiều cảm xúc, ví dụ như nỗi sợ hãi hay sự lo lắng, mà không cần phải hạn chế tiềm năng của mình. Đây được coi là một cách vô cùng hiệu quả giúp bạn giải tỏa tâm trạng và những điều bức bối trong cuộc sống. Chính vì vậy, thể thao mạo hiểm đem lại trải nghiệm và cảm giác thanh thản tương tự như thiền chánh niệm.

Các hoạt động thể chất sẽ giúp phát triển vùng hippocampus (nằm trong thùy thái dương, là cửa ngõ giúp não ghi nhớ thông tin). Điều này đặc biệt có lợi đối với những người trung niên, khi trí nhớ đang dần suy giảm. Nghiên cứu đã chỉ ra, người trong độ tuổi trung niên mỗi ngày dành 30 - 40 phút hoạt động thể chất giúp tăng thêm vùng hippocampus lên 2%, đồng nghĩa với việc giúp cải thiện trí nhớ trong thời gian dài. Bên cạnh đó, những cuộc phiêu lưu mạo hiểm cũng giúp chúng ta tăng khả năng chịu đựng, khả năng giải quyết vấn đề bất ngờ và những bất trắc trong cuộc sống.

Ông Nguyễn Anh Đức (60 tuổi, sinh sống ở Hà Nội) cho biết, dù đã có tuổi, nhưng ông Đức vẫn dành niềm đam mê cho một số môn thể thao mạo hiểm. Ông chia sẻ, bản thân thường xuyên đi du lịch, chỉ cần thấy bộ môn thể thao phù hợp với sức khỏe, độ dẻo dai của cơ thể ông sẽ trải nghiệm: “Tôi đã từng chơi đi xe địa hình ATV được thiết kế 4 bánh chuyên biệt để di chuyển trên những địa hình gồ ghề, phức tạp mà không lo bị ngã. Tôi đã tự tay điều khiển xe qua những tảng đá, khe suối, khúc cua, đoạn đèo hiểm trở”.

Ngoài chơi xe địa hình, ông Đức có kinh nghiệm chơi đu dây Zipline qua những khu rừng, vùng biển đẹp ở Nha Trang, Quảng Bình, Phú Quốc,... Đây là trò chơi đòi hỏi thể lực tốt và lòng dũng cảm. Được biết, ông Anh Đức đã có nhiều năm kinh nghiệm tập gym, yoga, thể dục dụng cụ. Sau mỗi lần chơi, ông Đức cảm thấy được sống lại tuổi trẻ thanh xuân, nhiệt huyết. Ông tâm sự: “Đôi khi, chơi trò mạo hiểm giúp con người giải tỏa căng thẳng, tạm quên áp lực tuổi tác, nỗi lo “cơm áo, gạo tiền” trong đời sống để trở nên hồn nhiên, vô tư như một đứa trẻ”.

Minh Thúy (30 tuổi, sinh sống ở Nha Trang) cho biết, cô là một người mê phiêu lưu trải nghiệm những thử thách mới lạ. Thúy đã từng lặn với cá mập ở Maldives - Ấn Độ, cô từng học lướt sóng ở Quảng Nam, chèo thuyền vượt thác tại Nha Trang. Sau mỗi chuyến tham gia các hoạt động thể thao mạo hiểm, Thúy mất đến cả tuần để hồi phục. Cô nói: “Dù tay chân đau nhức khi vượt thác nước, cả người mỏi nhừ để đứng vững trên ván lướt sóng tôi vẫn rất vui. Tôi cảm thấy mọi gánh nặng được trút ra ngoài. Khi chơi thể thao mạo hiểm, tôi tạm quên đi những nỗi lo trong cuộc sống”.

Cần tuân thủ các nguyên tắc khi chơi các bộ môn mạo hiểm. (Ảnh minh họa - Nguồn: sportlink.vn)

Cần tuân thủ các nguyên tắc khi chơi các bộ môn mạo hiểm. (Ảnh minh họa - Nguồn: sportlink.vn)

Mạo hiểm cần đảm bảo an toàn trước khi quyết định tham gia

Giáng Hương, một người đam mê lặn biển cho biết, cô không bao giờ đi lặn một mình mà thường đi cùng các thầy, cô giáo dạy lặn hoặc đồng đội, bạn lặn để đảm bảo an toàn cho nhau. Đó là nguyên tắc cần được tuân thủ khi tham gia bộ môn này. Đặc biệt, cô luôn kiểm tra huyết áp, tim mạch, khởi động kỹ trước khi bắt đầu lặn. Hương không bao giờ lặn quá sâu so với khả năng của mình. Cô nói: “Thể thao mạo hiểm sẽ có rủi ro khi người chơi quyết tâm vượt qua quá mức giới hạn của bản thân. Tuy nhiên, đối với tôi, tôi luôn thực hiện tất cả biện pháp để đảm bảo an toàn cho mình”.

Cũng giống với Giáng Hương, Thái Hà, một cô gái đam mê chơi dù lượn chia sẻ. Dù có dự định học chuyên sâu bộ môn này, nhưng hiện tại, cô vẫn chơi khi có người đi kèm bên cạnh. Công việc chủ yếu của Hà lúc chơi dù lượn là ngắm nhìn thế giới xung quanh. Cô nói: “Hiện nay, các trò chơi mạo hiểm đều được cấp giấy phép và có các biện pháp, dụng cụ an toàn được kiểm tra thường xuyên. Vì vậy, người chơi có thể an tâm. Tuy nhiên, trước khi chơi một bộ môn bất kỳ, tôi thường hỏi các hướng dẫn viên để biết những trường hợp chống chỉ định ví dụ như có tiền sử bệnh tim, phổi, huyết áp cao,...”.

Còn đối với một người có tuổi như ông Nguyễn Anh Đức, ông cho biết, không nên chơi các trò mạo hiểm thường xuyên. Ông chỉ tham gia khi đến các khu du lịch, nghỉ dưỡng, nơi các trò chơi được kiểm định an toàn, phù hợp với phần lớn mọi người. Đặc biệt, ông luôn hỏi những người quản lý các điểm chơi xem xét lứa tuổi, thể chất của bản thân mình có phù hợp hay không? Cuối cùng, để tham gia những trò mạo hiểm ở độ tuổi 60, ông thường xuyên rèn luyện thể dục, thể thao giúp cơ thể dẻo dai, khỏe mạnh.