Cội mai trắng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Cha tôi vẫn gọi vườn của mình là “ngôi vườn ký ức”. Giữa cuộc sống bộn bề, đô thị hóa nhiều nếp nhà cổ của làng đã sụm ngã, nhiều vườn hoa biến mất nhường cho nhà bê tông cốt thép, thì nếp nhà có tuổi đời gấp ba tuổi cha cùng với vườn hoa là một đặc sản của cuộc đời.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Có lần cha bảo một vị chúa hoa đã nhắc nhở ông phải gìn giữ nhiều loài hoa ấy. Thường ngày, cha vẫn cùng thưởng trà đàm đạo với các vị cựu giáo trong xã. Cách đây bảy năm có đám săn nhà cổ về ngã giá đòi mua năm gian hai chái, với cả một vùng ký ức tiên tổ hằn in trong linh hồn nhà, với ba cội bạch mai mấy chục năm tuổi. Thắng - em trai lêu lổng học đòi chỉ thích tống khứ cái ký ức của cha tôi đi để lấy vài tỷ đồng xây nhà ba tầng đủ đầy tiện nghi. Cha bị tổn thương khủng khiếp. Một cuộc họp gia đình đã diễn ra. Người ủng hộ bán nhà và mai cổ chỉ có Thắng và cô em gái út. Mẹ tôi thì thế nào cũng được. Bà chịu khổ nhiều nên bảo cha muốn giữ thì giữ.

Xuân đến dù sao cái không gian cha tạo dựng cũng thấy một màu rực rỡ của nền nếp, chứ không phè phè rộn rạo khi xây nhà ba bốn tầng và trơ ra cái sân bê tông. Cha và tôi nghiêm chỉnh chấp hành lời tổ tiên, nhà cổ và vườn hoa phải được gìn giữ. Cha nói:

- Nhà ba bốn tầng chắc gì đã sướng. Ăn nhiều, ở hết bao nhiêu. Nếu chú thứ không chịu được chật chội, thì suất đất ở đầu làng đó, tôi cho. Ra đấy mà xây.

Xây nhà thì cũng phải tiền tỷ. Cha chỉ cho đất. Thắng không đủ tiền. Với mức thu nhập hiện tại của Thắng chỉ đủ ăn, nuôi vợ con. Hiện tại tổ ấm nhỏ của Thắng ngự ở mé vườn. Không rộng rãi nhưng tôi vẫn thấy ổn. Hương hoa lúc nào cũng có thể ùa vào. Hỏi ra, bạn bè của chú thứ xúc xỉa khích bác nên khiến Thắng đứng ngồi không yên, chỉ muốn cha bán nhà, bán ba cội bạch mai cho khách vip để được chia tiền, hoặc đầu tư cái nhà sừng sững hoành tráng cho sướng. Tác động cha không được, lúc thì Thắng năn nỉ mẹ, khi lại khích để tôi đồng ý thuyết phục. Nhưng tôi cũng như cha. Không gian nhà tôi giờ là một đặc sản của ngôi làng đã từng có cả trăm nếp nhà cổ.

Cũng trong cái năm mấy gã trọc phú nọ về gạ gẫm mua nhà, cha tôi nghĩ đến chuyện trồng toàn bộ mai. Ông muốn tầm các loại mai trắng, nhân rộng toàn bộ khoảng vườn với điểm nhấn là ba cội mai già mà gốc cội đã hằn in những nếp nhăn của thời gian. Tất nhiên những cây mẫu đơn, hoa hồng, cây mận, hai cây mai vàng ông vẫn giữ, tạo sự đa sắc. Hôm bác Tú đến chơi, nghe cha trình bày ý tưởng, bác Tú tán thưởng: “Ông định biến khu vườn thành Mai hoa trang?”. Cha tôi gật gù. Bác Tú tâm đắc. Hai ông đánh cờ. Phía vườn hoa dậy hương.

***

Mai trắng kén người chơi, chỉ dành cho người đồng điệu, tỉ mỉ. Nhưng để tìm được những người sành chơi thứ “thập đại danh hoa” xưa cũng đâu đơn giản. Bây giờ nhiều thứ hoa mới được nhân giống, lai ghép phục vụ Tết. Thú chơi mai trắng đang bị mai một.

Cha ngược lên phía làng Nhật Tân hỏi tìm. Tầm mai cũng khó như tầm lan. Thậm chí khó hơn tầm lan. Các ông lắm của nhiều tiền sẵn sàng bỏ ra vài triệu tới vài chục triệu để thuê một cây mai trắng chơi dịp Tết mà chẳng có. Cũng may, nhờ hỏi dò cha tìm được ông Điều, một cựu chiến binh, cũng là cán bộ nông nghiệp nghỉ hưu, sành mai và còn giữ được năm loại mai trắng.

Khi được ông Điều mời vào nhà, cha tôi ấn tượng với hàng chữ thư pháp chép câu thơ bất hủ của nhà thơ tiên tri Cao Bá Quát: “Thập tải luân giao cầu cổ kiến/ Nhất sinh đê thủ bái Mai Hoa”. Câu thơ khiến máu sưu tầm nổi lên, sự hoài cổ ùa về. Gặp ông Điều, cha như gặp được một người bạn cũ thân lắm đã lâu không gặp, nên hàn huyên cả buổi. Đúng là người chơi hoa lâu năm, nên ảnh hưởng phẩm cách của hoa.

Tính ông Điều khí khái, hào sảng, nhưng rất đỗi nho nhã. Ông Điều hứa sẽ giúp cha thực hiện ý tưởng, bởi ở đất Nhật Tân, Quảng Bá vẫn còn người chơi mai âm thầm.

Nhờ ông Điều cha được gặp cụ Cả, người nổi tiếng với những chậu song mai, khi kết trái thành đôi quả. Cụ cả lại giới thiệu thêm cụ Nghĩ, hiện đang giữ hai cội bạch mai cao tới năm mét, lớn hơn cả ba cội cổ mai của cha ở nhà. Bạch mai có dáng như hoa sứ, tinh khiết, cánh tròn lớn, mùi thơm thoang thoảng hòa lẫn sương đêm. Cha còn tìm được số điện thoại của một vị đại tá về hưu, sở hữu những cây mai Miến Điện quý hiếm. Nghe nói vị này nhập về được một cây rồi cầu kỳ nhân giống. Các lão niên nghe chuyện một ông giáo nghỉ hưu là cha tôi thích tầm mai, tỏ lòng mến phục. Với người lớn, đó còn là cách giáo dục nền nếp gia phong, nên các lão niên đều muốn giúp cha tôi thực hiện tâm nguyện.

Từ đó, cha dọn vườn, tỉa tạp cây, đi lại, nói chuyện, mang tiền nhà mua mai. Công việc bận bịu hơn người chăm con mọn.

Thấy cha nhọc sức tầm mai, chú em trai nghĩ ngắn của tôi lại sôi sục.

- Không muốn nói với cha nữa. Dẹp mấy việc hoa hoét đó đi. Tiền. Nhà. Con cần thứ đó hơn. Đi chậm như cha nên bị bỏ lại phía sau rồi đấy.

Nói xong, chú thứ bỏ đi. Tôi thấy cha rưng rưng. Lựa lời, tôi nói: “Chú đừng làm cha buồn”. Mặt hầm hầm, nó quắc mắt lên: “Còn anh đấy, ở tuổi anh chúng nó chức tước đầy mình. Anh thì lúc nào cũng nghiên mới chả cứu. Nhà cổ với hoa cổ. Có đẽo ra ăn được đâu. Nhà toàn người lắm chuyện!”.

Mấy năm liền, cha như người bị mai trắng hành. Lúc nào cũng bận rộn, chăm sóc, uốn tỉa.

Buổi sáng khi trời còn đậm sương ông đã trở dậy pha trà, săn sóc, thưởng hoa. Nhớ đận trời nắng nóng kéo dài, lo sợ cây mới trồng tàn lụi, ông phải kéo lưới che, tưới tắm điều độ giúp cây sinh trưởng tốt. Đến nỗi tôi thấy tóc cha ngấm màu của bạch hoa. Có điều tôi thấy lạ, là dường như ông cố ý để cậu thứ thấy những việc cha vất vả đôn đáo với mai.

Thi thoảng có đám bạn đến rủ em trai tôi đi chọi gà ngày cuối tuần, thấy cha tôi lo lắng bên hoa, cặm cụi, hết tưới lại uốn nắn, chúng thì thào với em trai tôi: “Ông cụ cứ tự làm khổ mình nhỉ? Nhưng mà hiếm người say hoa như ông cụ”. Thắng trả lời: “Ông cụ mà chịu bán mấy cây mai to lớn đó thì tao đã có tiền xây nhà”. Đám bạn há hốc mồm: “Thật ư?”.

***

Giờ thì vườn của cha đã có sự góp mặt của mười tám loại mai quý. Đa phần mai trắng. Cha đã có thể tự hào về “Mai hoa trang” của mình, khi nhiều người trong xã từng là học trò đến hỏi cách chơi, chăm sóc và đạo chơi hoa. Xuân năm ngoái là mùa mai đẹp nhất. Xuân năm nay cha dự kiến ngôi vườn là một thế giới phô sắc. Tôi thấy mắt cha ngời ngợi niềm vui. Điều đẹp đẽ nhất trong tâm hồn tôi, sau những ngày làm việc áp lực là gặp cội mai cứ sáng rực trong vườn.

Cữ cuối tháng Chạp, nhiều cây bạch mai nở sớm. Ba cội mai cổ thụ dự kiến nở rộ từ ngày ba mươi Tết. Em trai tôi đứng ngồi không yên khi khách thập phương đến hỏi mua mà cha không bán. Điều đó khiến Thắng sốt ruột. Chú em bàn với bạn đánh liều lấy trộm hai chậu lớn cha đã dày công uốn tỉa suốt mấy năm qua. Dân săn hoa từng đến đánh tiếng một tỷ đồng hai chậu.

Chú em thấy đó là món hời. Lợi dụng dịp cả nhà đi vắng, hai chậu bạch mai bị đưa đi. Khi cha về, con vẹt mách: “ất ồi, ất ồi” (mất rồi, mất rồi). Nhìn ra chỗ đặt hai chậu mai, cha thấy tê điếng. Đâu rồi? Đâu? Thẫn thờ. Bần thần. Trừ ba cội cổ thụ ở giữa vườn trồng dưới đất, thì hai chậu quý nhất không còn.

Đến ngày hai chín Tết vẫn chẳng ai có tin tức gì của Thắng. Cả nhà đứng ngồi không yên. Đúng sáng ba mươi, chiếc xe tải cỡ nhỏ dừng ở đầu ngõ. Có người hớt hải chạy vào gọi cha tôi. Thì ra là anh Chức, học trò cũ của cha. Anh thưa: “Thầy ạ, em vô tình gặp chú Thắng nhà ta bán đổ bán tháo hai chậu mai này cho khách. Có thể họ không hiểu mai, hoặc muốn dìm giá buộc Thắng bán rẻ. Em được thầy tâm sự và được ngắm hai chậu bạch mai này. Nó không phải dạng tầm thường, sao chỉ có giá trăm triệu? Hỏi ra, Thắng bảo đem xuống Vĩnh Tân bán cho tay trọc phú để lấy một tỷ. Nhưng mang đến nơi thì người đó đã mua được hai chậu khác. Nay học trò mang về đây, xin gửi lại người chủ tâm huyết”.

Cha tôi cảm kích: “Quý hóa quá. Cảm ơn anh. Tôi sẽ gửi lại anh tiền mua. Nếu không phải là anh, hai cây mai đó đã rơi vào tay người khác”.

Cuối chiều, Thắng thất thểu ra về, nồng nặc hơi men. Thắng cầm tiền bán mai đi uống rượu suốt hai ngày qua. Lúc gặp cha tôi, người Thắng như sụm xuống, hai tay run run, cầm chặt số tiền còn lại, đầy vẻ ân hận. Cha ngồi lặng lẽ bên vườn. Thắng tiến lại, ngậm ngùi:

- Con xin lỗi cha. Con đã mang tiền bán mai đi tất niên. Giờ chỉ còn một nửa… Con rất ân hận.

Cha tôi vuốt chòm râu bạc. Ông nhìn Thắng rồi nhìn hai chậu mai. Những đóa mai đang phun sắc trắng vào xuân, găm vào chiều cuối năm vẻ đẹp trinh nguyên của nó. Cha bảo Thắng: “Cuộc sống này chẳng có gì dễ dàng. Tiền bạc không tự nhiên có nếu mỗi người không cố gắng. Bản thân cha cũng phải nỗ lực mới có khối tài sản là một vườn mai. Con biết lỗi và sẽ sửa là tốt. Cha già rồi, nhưng vẫn phải học những cây mai đấy”.

Mãi sau tôi mới biết, việc cha cố để Thắng thấy mình vất vả bên mai, rồi gặt hái thành quả là muốn dạy cho chú em bài học làm người. Tôi tin, cái hạt cha gieo trong tâm hồn Thắng sẽ nảy cây.