Còn 3 nạn nhân thở máy vụ ngộ độc Botulinum ở Quảng Nam

(PLVN) - Sức khoẻ nhiều bệnh nhân bị ngộ độc Botulinum vì ăn món cá ủ chua ở tỉnh Quảng Nam đã cải thiện một phần sau khi dùng thuốc giải độc. Tuy nhiên vẫn còn 3 bệnh nhân thở máy.

Ngày 19/3, bác sĩ Tô Mười - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Khu vực miền núi phía bắc Quảng Nam (đóng tại huyện Đại Lộc), cho biết sau khi dùng thuốc giải độc, những bệnh nhân trở nặng phải thở máy trong vụ ngộ độc Botulinum sau khi ăn cá ủ chua hiện sức khỏe đã cải thiện một phần.

Các bệnh nhân ngộ độc phải thở máy hiện sức khỏe đã cải thiện một phần sau khi dùng thuốc giải độc.

Theo bác sĩ Mười, sau khi tiếp nhận nhiều bệnh nhân ở huyện vùng cao Phước Sơn nhập viện do ngộ độc thực phẩm, đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện đã làm các xét nghiệm và chẩn đoán các bệnh nhân bị ngộ độc Botulinum.

Ngay sau đó, bệnh viện đã đề nghị Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ điều trị. Tiếp nhận đề nghị hỗ trợ, lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy quyết định cử các chuyên gia hàng đầu về chống độc và hồi sức đến Quảng Nam.

“Các chuyên gia mang 5 lọ thuốc giải độc Botulinum ra hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân. Sau khi cho sử dụng thuốc đặc trị giải độc, sức khỏe 3 bệnh nhân thở máy đã ổn, cải thiện được một phần. Hiện các chuyên gia còn ở lại bệnh viện để tiếp tục theo dõi thêm", bác sĩ Mười nói.

Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy kiểm tra sức khỏe của các bệnh nhân bị ngộ độc.

Theo bác sĩ Mười, thuốc giải độc Botulinum là loại thuốc hiếm, ít được sử dụng và có giá rất đắt. Mỗi lọ thuốc hiện có giá trị hơn 6.000 USD.

“Đây là loại thuốc giải độc đặc hiệu đối với Botulinum. Sau khi đánh giá, các chuyên gia quyết định sử dụng 3 lọ thuốc giải độc cho 3 bệnh nhân đang phải thở máy. Những bệnh nhân còn lại đang được theo dõi kỹ lưỡng, cân nhắc thời điểm cần sử dụng thuốc giải độc”, bác sĩ Mười nói.

Cũng theo bác sĩ Mười, hiện bệnh viện đang điều trị cho 9 bệnh nhân bị ngộ độc sau khi ăn cá chép ủ chua. Trong đó, có 5 bệnh nhân bị nặng được cấp cứu vào ngày 16/3 và 4 bệnh nhân nhập viện vào ngày 7/3.

"Sức khoẻ 5 bệnh nhân mới nhập viện đã ổn định được một phần. Riêng 4 bệnh nhân nhập viện trước đó sức khỏe cơ bản đã phục hồi trở lại. Tuy nhiên, do thời gian bán thải chất độc phải mất khoảng 3 tuần nên các bệnh nhân phải ở lại bệnh viện để theo dõi kỹ”, bác sĩ Tô Mười thông tin thêm.

Tiến sĩ Mai Văn Mười, Giám đốc sở Y tế Quảng Nam khuyến cáo người dân không nên ăn cá chép ủ chua, động thực vật lạ có nguy cơ gây ngộ độc cao.

Theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Nam, từ ngày 6 đến ngày 16-3, trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm tại huyện Phước Sơn, khiến 10 người nhập viện. Trong đó, 1 người tử vong, 3 người đang nguy kịch, phải thở máy. Triệu chứng lâm sàng của các trường hợp này gồm: chóng mặt, đau bụng, khó thở, buồn nôn, nôn, tê chân, tê tay, nhìn mờ, mỏi cơ…

Những người bị ngộ độc trong cả 2 vụ đều là đồng bào dân tộc Giẻ Triêng. Món ăn nghi ngờ là cá chép làm chua. Đây là món ăn truyền thống của người dân, do gia đình tự chế biến từ cá chép, muối, cơm hoặc bột bắp, ớt…, sau đó ủ trong hũ kín khoảng một tuần.

Kết quả kiểm nghiệm mẫu thức ăn liên quan vụ ngộ độc thực phẩm hôm 7-3 tại thôn 2, xã Phước Đức, huyện Phước Sơn từ Viện Pasteur Nha Trang xác định mẫu cá chép làm chua dương tính với vi khuẩn Clostridium botulinum type E.

Tiến sĩ Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam khuyến cáo người dân không sử dụng các món ăn được chế biến liên quan món cá chép làm chua; không sử dụng các thực vật lạ, có nguy cơ gây ngộ độc như nấm rừng, cây củ, quả rừng lạ, côn trùng... Người dân cần có biện pháp chế biến đảm bảo an toàn đối với các sản phẩm mang tính truyền thống, tập quán của địa phương; tuyệt đối không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại, kể cả nấm màu trắng...; không sử dụng sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng…

Đọc thêm