Con dâu bỏ đi, nhà chồng có được đòi lại của hồi môn?

(PLVN) - Làm vợ chưa được bao lâu, con dâu đột nhiên mất tích mang theo toàn bộ tư trang, của hồi môn. Người thì nói đòi lại được của hồi môn từ nhà vợ, người thì bảo không đòi lại được? Quan điểm của chuyên gia pháp luật về vấn đề này như thế nào?
Hình chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Hình chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Thông qua người quen giới thiệu, H đồng ý theo M về làm dâu nhà ông N (huyện An Minh, tỉnh  Kiên Giang). Trong ngày hôn lễ, trước bàn thờ tổ tiên và quan viên hai họ, M trao nhẫn cưới cho vợ, đồng thời ông bà N cũng cho con dâu đồ trang sức trị giá một cây vàng 24k. Khoảng một tháng sau ngày cưới, H mang theo toàn bộ tư trang cá nhân bỏ nhà đi đâu không cho ai biết. 

Quá sốc trước cảnh vợ mình mất tích, M cất công tìm kiếm, dò la tin tức nhưng đều không được tin tức gì. Về phía ông bà N, vừa xót con vừa xót của, vừa phải chịu đựng sự đàm tiếu, khích bác của miệng đời dư luận nên đệ đơn đến Tổ hòa giải ở địa phương đòi thông gia phải trả lại của hồi môn một cây vàng 24k, đại ý là con dâu đã “trộm cắp” tình, tiền nhà mình. 

Ở một xã khác trên địa bàn, Tổ hòa giải nhận được một yêu cầu đòi của hồi môn cũng tương tự. V và K đến với nhau hoàn toàn tự nguyện, hai bên được gia đình cưới hỏi đàng hoàng,V về làm vợ K như bao lứa đôi khác. Bất ngờ khoảng một tháng sau, K xin ly hôn và tiết lộ lý do: “Mang tiếng là ngủ chung giường nhưng tôi chưa một lần được làm chồng. Tôi đã tìm đủ mọi cách, từ năn nỉ đến dọa nạt… đều bị cự tuyệt”.  

Ths. Bùi Đức Độ - Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Kiên Giang - chia sẻ quan điểm giải quyết hai trường hợp trên như sau: Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS) quy định về “hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận” (Điều 457). Vàng, đồ trang sức là động sản nên hợp đồng tặng cho tài sản giữa chồng cho vợ, cha mẹ chồng cho con dâu có hiệu lực kể từ thời điểm vợ/con dâu nhận tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. 

Trong các trường hợp thỏa thuận khác, có quan điểm cho rằng của hồi môn trong hôn lễ được xem như “hợp đồng hôn nhân có điều kiện”, tuy không ai nói ra nhưng ai cũng hiểu cho của hồi môn là thủ tục để trở thành con dâu trong nhà. Áp dụng Điều 462 BLDS về tặng cho tài sản có điều kiện, việc cho vợ/con dâu tài sản không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Theo đó, bên tặng cho (chồng/cha mẹ chồng...) yêu cầu vợ/con dâu thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho là làm vợ/dâu trong gia đình. Trường hợp sau khi nhận của hồi môn, con dâu không về làm vợ hoặc làm vợ không đúng nghĩa như V (vợ của K) thì chồng/cha mẹ chồng có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại. 

Tuy nhiên, ông Độ lại không đồng tình với quan điểm “hợp đồng hôn nhân có điều kiện”, vì cho rằng hôn nhân là vấn đề tự nguyện gắn liền với nhân thân, quyền về nhân thân không phải là đối tượng đem ra mặc cả mua bán. “Hợp đồng là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự” (Điều 385 BLDS). Tặng tài sản cho vợ/con dâu xuất phát từ tấm lòng, từ tình cảm mà không có bất kỳ sự giao ước nào yêu cầu vợ/con dâu phải đền bù. 

Quan điểm không thể đòi lại của hồi môn còn được củng cố bởi Luật Hôn nhân và Gia đình (HN&GĐ) năm 2014 quy định cấm “Yêu sách của cải trong kết hôn” (Điểm đ Khoản 2 Điều 5).  Khoản 12 Điều 3 xác định: “Yêu sách của cải trong kết hôn là việc đòi hỏi về vật chất một cách quá đáng và coi đó là điều kiện để kết hôn nhằm cản trở việc kết hôn tự nguyện của nam, nữ”. Của hồi môn bao gồm tiền, vàng, đồ trang sức của vợ được tặng cho trước khi kết hôn hoặc trong thời kỳ hôn nhân đều được coi là tài sản riêng của vợ (Điều 43), trừ khi cha mẹ tuyên bố “cho vợ chồng con” hoặc vợ chồng thỏa thuận nhập của hồi môn này vào tài sản chung của vợ chồng (Điều 46 Luật HN&GĐ). 

Từ những vấn đề trên, cả hai trường hợp đều không thể đòi vợ/con dâu trả lại của hồi môn được, đối với thông gia thì lại càng không thể được. Có chăng, chồng có thể được chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn trong trường hợp vợ chồng có thỏa thuận, ngược lại không thỏa thuận thì sẽ không áp dụng. Với riêng trường hợp của vợ chồng K, tổ hòa giải nên hòa giải kín, nếu nguyên nhân khuyếm khuyết từ V thì có thể nhờ đến bác sĩ khắc phục.

Đọc thêm