Dự án Đường giao thông nối thị xã Sầm Sơn với Khu kinh tế Nghi Sơn (giai đoạn 1) được kỳ vọng sẽ kết nối các khu du lịch ven biển với các trung tâm kinh tế, cảng biển, tạo thành mạng lưới giao thông liên hoàn, điểm nhấn trong bức tranh giao thông của Thanh Hóa. Tuy nhiên, “bức tranh” ấy dù mới phác thảo những nét đầu tiên đã có những gam màu xám khi nhiều hộ dân cho rằng bị ảnh hưởng, nguy cơ trắng tay.
1m2 bị quy đổi ra… 5 bó rau muống
Xã Quảng Đại, TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, dù chỉ cách trung tâm du lịch nổi tiếng dăm cây số, nhưng cuộc sống vẫn lầm than cơ cực. Đường sá gập ghềnh, lầy lội. Cái nắng ven biển càng rát bỏng sau đợt mưa lũ kéo dài. Người lầm lụi sớm hôm đi biển cào ngao vợt tép; người bám víu mảnh ruộng, chỉ mong ngày ngày đủ bát cơm ăn.
Đại dự án xuất hiện, người dân chưa kịp vui sướng nhìn quê hương “thay da đổi thịt” thì hàng chục hộ dân không còn ruộng để bám, không còn nhà để ở, chưa biết đi đâu về đâu. Vô lý nhất là mảnh đất họ sinh sống hàng trăm năm từ thời cụ kỵ bỗng chốc “hóa giá” 25 ngàn/m2.
Tháng 2/2017, UBND tỉnh Thanh Hóa khởi công Dự án đầu tư xây dựng công trình Đường giao thông nối thị xã Sầm Sơn với Khu kinh tế Nghi Sơn (giai đoạn 1). Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.479 tỷ đồng này nằm trong tổng thể dự án đường bộ ven biển Việt Nam.
Thông tin từ Ban giải phóng mặt bằng (GPMB) của Dự án, chiều dài tuyến chạy qua TP Sầm Sơn là 7,6km. Toàn TP Sầm Sơn có 3.500 hộ ảnh hưởng bởi dự án, trong đó 800 hộ bị thu hồi đất ở. Riêng xã Quảng Đại có 80 hộ, trong đó 70 hộ thuộc diện tái định cư (TĐC). Theo kế hoạch, hết năm 2018, TP Sầm Sơn sẽ bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Tuy nhiên, đến đầu tháng 9, tại xã Quảng Đại mới có 11 hộ nhận tiền bồi thường. Đây là những trường hợp bị thu hồi đất ít, không bị ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống, không có nhu cầu TĐC. Các hộ còn lại quyết liệt kêu than vì cho rằng địa phương tùy tiện trong kiểm đếm, đánh giá áp dụng các quy định về bồi thường hỗ trợ khiến dân bị thiệt thòi.
Một trong những hộ dân này là gia đình ông Hoàng Văn Thống (SN 1943, ngụ thôn 7, xã Quảng Đại). Đang cắm cúi sửa xe đạp giữa cái nắng trưa gay gắt, nghe nhắc tới chuyện GPMB, ông uất ức ném mạnh chiếc cờ lê xuống sân. Vợ ông đang loay hoay mâm bát, cũng dừng bữa cơm lại, chạy ra “tố” sự việc.
Dẫn PV ra nhìn toàn cảnh thửa đất vuông vắn của gia đình nằm ở mặt tiền đường liên thôn, ông Thống cho biết đây là đất ông cha để lại, rộng hơn 270m2. Hồi năm 2004, ông Thống ra xã làm hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), kê khai là đất thổ cư. Nhưng khi nhận sổ mới phát hiện bị ghi sai thành đất trồng cây lâu năm (phần mục đích sử dụng được ghi tắt là “LN”).
Vợ chồng ông gặp cán bộ địa chính thắc mắc thì được giải thích “ghi thế nào thì cũng là đất của gia đình ông bà, ai lấy mà lo”. Sau đó cán bộ địa chính hẹn chỉnh sửa sổ đỏ hết lần này, lần khác không thực hiện.
Ông Thống còn tố giác cán bộ địa chính xã Quảng Đại lúc đó “vòi vĩnh” phải đưa 12 triệu đồng nếu muốn chuyển sang đất thổ cư. Ông bà không có tiền đành chịu. Sợ không lấy sổ thì mất đất, vợ chồng ông bất đắc dĩ cầm sổ đỏ ghi sai về.
Ai ngờ khi đất bị thu hồi làm đường, khi cán bộ kiểm đếm đến tính toán bồi thường, 270m2 đất trên chỉ được bồi thường 5,9 triệu đồng, giá bồi thường Ban GPMB áp dụng là 25 ngàn đồng/m2, căn cứ vào loại đất ghi trên sổ đỏ là đất “LN”, nghĩa là trồng cây lâu năm.
|
Do bị dân khiếu nại, dự án đoạn qua xã Quảng Đại mới chỉ GPMB được ở một số khu vực. |
Bà Hoàng Thị Vậy (vợ ông Thống) chua chát trình bày: Năm 2008 ông bà bí tiền đành đem sổ đỏ thế chấp ngân hàng vay được 50 triệu đồng. Cùng năm đó một người trong thôn đặt vấn đề mua lại thửa đất giá 140 triệu đồng. Năm 2009, ông Thống đáo nợ ngân hàng, tiếp tục thế chấp sổ đỏ vay 100 triệu đồng, hiện vẫn chưa rút sổ về. “Giá trị thửa đất như vậy mà người ta chỉ bồi thường 25 ngàn đồng/m2, bằng 5 bó rau muống ở chợ huyện…”, ông Thống bức xúc.
Không riêng nhà ông Thống, hàng chục hộ dân khác ở Quảng Đại cũng ngơ ngác nhận thông báo về mức bồi thường giá đất như trên. Nhà ít thì vài mét vuông, nhà nhiều vài trăm mét. Tổng tài sản được đền bù, hỗ trợ của một gia đình mấy thế hệ có khi chỉ vài chục triệu đồng, chưa đủ mua đất TĐC. Từ chỗ có nhà có cửa đàng hoàng, bỗng chốc tương lai vô gia cư, không công ăn việc làm, nông dân hết ruộng, dân sao không lo?
Địa phương tùy tiện diễn giải luật
Ông Nguyễn Văn Đồng, trưởng thôn 8, đại biểu HĐND xã Quảng Đại trăn trở: “Chưa bao giờ trong mấy chục năm từ khi thành lập xã lại có làn sóng đấu tranh của người dân Quảng Đại như năm nay. Điều này là do một số cán bộ xã thực hiện sai pháp luật, tước đi quyền lợi chính đáng của nhân dân. Ví dụ chuyện cấp sổ đỏ cho người chưa ra đời (PLVN đã có bài phản ánh) quả thật là chuyện lạ Việt Nam”.
Ông Đồng cho rằng, trong số những hộ dân có “đất 25 ngàn”, nhiều hộ bị “oan” vì cán bộ xã tắc trách, áp dụng không đúng Luật Đất đai khi cấp quyền sử dụng đất cho dân, dẫn tới đất ở bị chuyển thành đất trồng cây lâu năm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi của dân khi GPMB.
Cụ thể: xã Quảng Đại có nhiều hộ dân có đất sử dụng ổn định từ trước năm 1980, nhưng khi xin cấp quyền sử dụng đất lại không được công nhận diện tích đất ở đúng như Luật quy định và các văn bản hướng dẫn của UBND tỉnh Thanh Hóa. Một số hộ dù có cả ngàn mét vuông đất nhưng chỉ được công nhận tối đa 200m2 đất ở. Trong khi với loại đất trước năm 1980, nếu đáp ứng đủ các điều kiện sẽ được tới 1.000m2.
Ngoài Luật Đất đai, Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều thi hành Luật Đất đai, UBND tỉnh Thanh Hóa còn có Quyết định số 4655/2017/QĐ-UBND, trong đó điểm b khoản 2 Điều 5 quy định: “Trường hợp đã sử dụng đất ổn định từ trước ngày 18/12/1980 thì diện tích đất ở được xác định theo thực tế đang sử dụng, nhưng không quá 05 lần hạn mức giao đất ở quy định tại khoản 1 Điều 3 và khoản 1 Điều 4 của quy định này”.
Ông Đồng cho biết, tại kỳ họp HĐND xã, ông đã đề nghị chính quyền áp dụng các quy định trên, nhưng không được trả lời. Người dân Quảng Đại đa phần không nắm rõ các quy định của pháp luật, “cán bộ bảo sao nghe vậy”, đến khi biết đến các quy định trên, họ đã đấu tranh quyết liệt để đòi quyền lợi. Một số hộ còn tố cáo cán bộ địa chính “vòi tiền” để làm sổ đỏ, diện tích đất ở được công nhận ít hay nhiều phụ thuộc vào số tiền “lót tay”.
Căn cứ đối thoại ngày 17/12/2017 của Chủ tịch UBND TP Sầm Sơn, Phòng TN&MT, xã Quảng Đại còn gần 200 bìa đỏ chưa được cấp. “Các ông ấy (cán bộ xã - PV) vẽ đủ đường: không đủ điều kiện, thiếu nọ thiếu kia, tăng không được cấp, giảm không được cấp. Nhưng khi hỏi thế nào là “đủ điều kiện” thì quanh co. Có nhà mấy thế hệ nối tiếp nhau đề nghị lên đề nghị xuống không được cấp sổ, đùng cái phát hiện đất nhà mình đã bị xã bán trái phép cho người khác từ mấy chục năm trước”, vị trưởng thôn nói.
Cán bộ có thẩm quyền nói gì?
Trước những tố cáo trên, cán bộ có thẩm quyền trả lời ra sao? Ngày 6/9, ông Lê Huy Hưng, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng TP Sầm Sơn, Phó ban GPMB Dự án, khi trao đổi với PLVN, vẫn diễn giải như sau: “Ban GPMB dự án phân loại đất dựa vào xác minh nguồn gốc đất của địa phương. Với đất có hình thành nhà ở trên đất trước ngày 15/10/1993 thì được công nhận 200m2 đất ở; diện tích còn lại thường được đền bù theo giá đất trồng cây lâu năm là 25.000 đồng/m2.
Trường hợp hình thành nhà ở sau ngày 15/10/1993 đến trước 1/7/2004, được công nhận 200m2 đất ở nhưng phải nộp thuế bằng 50% giá trị sử dụng đất; và diện tích còn lại không được hỗ trợ mà chỉ được bồi thường theo bảng giá đất nông nghiệp UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành”.
Ông Hưng cho biết hiện Ban GPMB đang gửi dự toán phê duyệt bồi thường về cho các hộ dân, đợi người dân nêu ý kiến, sau đó sẽ tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
PLVN đặt vấn đề cơ quan chức năng địa phương đã áp dụng sai quy định. Ông Hưng nói “người dân kiến nghị thoải mái, nếu hợp lý thì Ban GPMB sẽ kiến nghị cấp trên giải quyết” và cũng xác nhận “qua tiếp xúc thấy nguyện vọng người dân chính đáng… Sẽ tiếp tục tiếp xúc, lắng nghe và sẽ có báo cáo tỉnh. Trường hợp kiến nghị của người dân được chấp thuận, Ban GPMB sẽ phê duyệt bổ sung”.
Trước quan điểm này, ông Nguyễn Văn Đồng, trưởng thôn 8, nêu vấn đề ngược lại: Dự án này không chỉ đi qua Quảng Đại mà nhiều xã khác, tại sao các xã khác người dân không kiến nghị vượt cấp? “Đây là do xã Quảng Đại tiến hành kê khai đền bù không công bằng”, ông Đồng nói.
Ở Sầm Sơn, một bát bún vỉa hè đã 50 ngàn, mà đền bù 1m2 đất ở chỉ 25 ngàn, xót xa như thế dân mới không đồng ý. Ngoài ra, trong quá trình triển khai dự án này còn nhiều điều vô lý khác, có nhà bị kiểm đếm thiếu… nguyên cả cái nhà, cửa gỗ lim giá trị trường khoảng 2,5 triệu đồng/m2, nhưng cơ quan chức năng chỉ bồi thường 140 ngàn đồng. PLVN sẽ phản ánh trong bài sau