Khuất tất kiểm đếm bồi thường, bố trí tái định cư
Nhiều năm làm cán bộ thôn, gắn bó với nhân dân, ông Đồng cho biết người dân Quảng Đại vốn hiền lành, luôn chấp hành chủ trương, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Nghe tin Dự án Đường giao thông ven biển đi qua địa bàn, người dân đều phấn khởi ủng hộ, kỳ vọng vào sự thay da đổi thịt của làng quê.
Tháng 8/2017, người dân bắt đầu kê khai tài sản, hai tháng sau tiến hành kiểm đếm, đến tháng 6 năm nay áp giá bồi thường. Từ đây, ông Đồng mới phát hiện những bất cập trong công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB).
Là thư ký tổ vận động nhân dân, ông biết được “kê khai một đường, kiểm đếm một nẻo”, thiếu hụt tài sản của nhân dân rất nhiều. Có những hộ thiếu hẳn… một cái nhà.
Không chỉ ông Đồng, một thành viên khác của tổ vận động là ông Hoàng Văn Tôn, Trưởng thôn 9 cũng phản ánh việc kiểm đếm bồi thường không chính xác. Nhiều trường hợp áp giá bồi thường không công bằng, như hai nhà sát nhau trên cùng một mặt ngõ, một nhà được đền 2,4 triệu/m2, nhà kia chỉ 2 triệu… Căn cứ theo vị trí mặt đường cũng không đúng, vì nhà trong ngõ lại “được giá” hơn nhà sát đường.
Hay trường hợp mấy gia đình anh em họ Cao ở thôn 8, cùng một khu đất cha ông để lại nhưng mức giá bồi thường “loạn xạ”. Đến cái sân gạch cũng lệch giá, nhà 60 ngàn/m2, nhà 100 ngàn, nhà gấp đôi…
Cá biệt có gia đình bị kiểm đếm “hụt” cả một cái nhà là anh Hoàng Văn Tình ở thôn 9. Anh Tình trình bày, giấy phép xây dựng nhà anh có hai tầng, mặt sàn 144m2, nhưng cán bộ kiểm kê đo đi đo lại vẫn thiếu gần trăm mét vuông: “Em nói các anh ấy (cán bộ kiểm đếm – PV), cái nhà nó không phải cao su mà giãn ra. Nhà em xây đúng như giấy phép, có 2 tầng rõ ràng, vậy mà các anh ấy đo đi đo lại vẫn thiếu”.
Ngoài những thắc mắc liên quan đến kiểm đếm và đền bù tài sản, người dân còn có thắc mắc về tái định cư (TĐC). Ông Hoàng Văn Tôn cho biết: Người dân yêu cầu trả lời rõ dân sẽ được đền bù nền đất tại khu TĐC, hay phải mua đất của khu TĐC. Ngoài ra chưa ai biết khu TĐC ở đâu. “Yêu cầu người dân nhận tiền bàn giao nhà thì biết đi đâu? Đến giờ này vị trí TĐC còn chưa thống nhất”.
Theo ông Tôn, qua những lần tiếp xúc nhân dân, ai cũng ủng hộ dự án đường ven biển, nhưng cho rằng cách địa phương triển khai dự án có nhiều khuất tất, sai từ quy trình, đến giải thích pháp luật, vận động nhân dân.
Thừa nhận việc triển khai dự án có “bất cập” và “bất lợi” khi chưa xây dựng quỹ đất TĐC, ông Lê Huy Hưng, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng TP Sầm Sơn, Phó ban GPMB Dự án đầu tư xây dựng công trình Đường giao thông nối thị xã Sầm Sơn với Khu kinh tế Nghi Sơn nói: “Hiện chưa có quỹ đất TĐC. Chúng tôi đã xây dựng phương án rồi, đang trình Sở Tài nguyên và Môi trường tham vấn xem phù hợp chưa vì có nhiều hộ đặc thù, có nhiều hộ khẩu trong một gia đình”.
Cũng theo vị này, Ban GPMB đang lựa chọn nhà thầu xây dựng khu TĐC, dự kiến sẽ khởi công 2 khu TĐC vào đầu tháng 10/2018 tại khu đồng Bông, đồng Sác của xã Quảng Đại, chỉ mất một tháng thi công là đủ điều kiện bàn giao vì số hộ TĐC ít.
Về quy trình thực hiện dự án, chưa bố trí xong nơi TĐC đã vận động người dân bàn giao mặt bằng, ông Hưng cho rằng như thế “không sai” và khi chưa có đất TĐC thì hộ gia đình không bắt buộc phải giải tỏa bàn giao mặt bằng. Còn nếu hộ nào thấy phương án bồi thường đã ổn, không cần bố trí đất TĐC nữa thì nhận bồi thường.
Thế nhưng theo ghi nhận của PLVN, người dân xã Quảng Đại liên tục được vận động ký nhận bồi thường bàn giao mặt bằng, thậm chí người dân còn được “khuyến khích” nếu ký nhận tiền bồi thường sớm sẽ được ưu tiên lựa chọn vị trí TĐC, được hỗ trợ 1,5- 1,8 triệu đồng/tháng trong vòng 6 tháng. Nếu không di dời sẽ bị cưỡng chế. Ai cũng bức xúc bởi những kiến nghị của họ chưa được xem xét giải quyết đã bị cán bộ khăng khăng “vận động” bàn giao mặt bằng kiểu như vậy, chẳng khác nào đe dọa, ép buộc dân.
Cán bộ tính chuyện… trên trời
Từ thuở lập làng, có lẽ chưa bao giờ người dân Quảng Đại hoang mang như những ngày này. Dự án đã sầm sập chạy đến sau nhà nhưng chưa biết sẽ được “chốt” bồi thường bao nhiêu. Sao lại có chuyện vô lý bị thu hồi đất giá 25 ngàn/m2, mai phải ra khu TĐC mua đất giá 2,6 triệu/m2, cao gấp hơn 100 lần?
Kiểm đếm kiểu gì mà cửa gỗ lim giá thị trường 2,5 triệu/m2, lại chỉ được bồi thường 140 ngàn đồng/m2? Cả xã chỉ có dăm chục hộ bị thu hồi đất, sao cán bộ địa phương nói sẽ làm khu TĐC cả ngàn hộ? Sự việc liên quan cuộc sống biết bao người, sao không thấy cán bộ tỉnh xuống làm việc với dân?
Trước những băn khoăn trên, ông Lê Huy Hưng thông tin, trong dự án đường ven biển, tổng chi phí GPMB 700 tỷ đồng cả đất ở, đất nông nghiệp. Quy hoạch TĐC ở xã Quảng Đại là quy hoạch chung cho cả TP Sầm Sơn chứ không phải riêng dự án đường ven biển. Nguồn vốn TĐC do địa phương tự cân đối và nguồn thu nộp tiền sử dụng đất từ dân, không liên quan đến vốn dự án. Chi phí TĐC 10 tỷ/hecta, ở xã Quảng Đại bố trí TĐC 20 hecta (khoảng 1000 lô, mỗi lô trung bình 100m2) tương đương 200 tỷ.
Đối với nỗi lo nhận tiền bồi thường xong không đủ mua đất, xây nhà ở khu TĐC, ông Hưng trả lời kiểu “đếm cua trong lỗ”: “Người dân nào được quyền TĐC thì chắc chắn hưởng lợi”.
“Cái lợi” theo ông này như sau: Người dân mất đất sang khu TĐC mua đất giá 2,6 triệu đồng/m2 (theo ông Hưng mức này này là dự kiến, còn tùy thuộc vào nhà thầu - PV) thì phải nộp thêm phần chênh lệch giá trị đất vì hạ tầng khác nhau, đường sá “hoành tráng” hơn. Ông Hưng ví von: “Anh đang mặc chiếc áo này, sang tuần cần chiếc áo mới thì áo cũ bán với giá thấp nếu muốn mặc áo mới”. Vị này đã quên một điều rằng ở Quảng Đại, ít ai muốn nhà mình đang yên ổn lại “dính” dự án.
Vẫn lời ông Hưng, khu TĐC sau khi hoàn thiện hạ tầng “chắc chắn giá trị quyền sử dụng đất cao hơn rất nhiều so với vị trí các hộ dân bị di dời đang sinh sống”. Ông này quả quyết: “Giá đất TĐC sẽ khác hoàn toàn. Ví dụ đất người dân đang được bồi thường giao dịch cùng lắm 2,5 triệu đồng/m2, khi ra TĐC mua 2,6 triệu đồng/m2 nhưng chắc chắn bán được giá 6 triệu đồng/m2”. Hỏi căn cứ pháp lý, ông nói: “Giải thích cho người dân thì chỉ giải thích nôm na thế chứ ai lại lôi thông tư, nghị định ra”.
Tại sao biết giá đất TĐC “chắc chắn sẽ tăng, sẽ bán được 6 triệu đồng/m2”, trong khi thực tế người dân chưa thấy mặt bằng TĐC, nhà thầu cũng chưa chọn xong? Ông Hưng thừa nhận đó chỉ là “dự đoán trong tương lai”. Nhưng ông tiếp tục cho rằng “vị trí TĐC sau khi hình thành đường ven biển sẽ đắc địa hơn nhiều lần so với đất người dân đang ở. Và theo xu hướng đô thị hóa thì giá đất không thể xuống được”.
Trái ngược với nhận định của ông Hưng, người dân dẫn PV đến nơi dự kiến TĐC bức xúc: “Vị trí TĐC xa trung tâm xã hơn, nằm giữa cánh đồng, gần nghĩa địa, đường lại cụt. Đi biển thì xa, buôn bán cũng vắng. Ai nói ở đây thuận lợi hơn trong làng?”.
Phản bác những “cái lợi” được vẽ ra như trên, một người dân cho hay: “Ông Hưng nói như giới đầu tư bất động sản, những điều đó đều trong tương lai. Còn người dân chúng tôi chỉ căn cứ vào hiện tại trước mắt, chúng tôi chỉ muốn ổn định cuộc sống, không có nhu cầu đầu tư đất”.
Con đường ngàn tỷ nay đã thành hình từng khúc, đã sầm sập đuổi đến phía sau nhà nhiều hộ dân, trong khi lòng dân chưa yên vì các quy định pháp luật bị địa phương áp dụng tùy tiện, đẩy phần thiệt thòi cho dân bị thu hồi đất. Người ta còn uất ức hơn nữa trước thái độ của cán bộ địa phương. Đền bù đất giá 25 ngàn đồng/m2, nhưng trong một cuộc họp “vận động”, Chủ tịch xã Quảng Đại bị cho là còn trả lời một cách thiếu trách nhiệm rằng “nhận tiền đền bù rồi muốn đi đâu mua đất cũng được, ra Hà Nội mua nhà ở cũng được”. PLVN sẽ tiếp tục phản ánh sự việc, ghi nhận ý kiến từ phía cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa và Trung ương.
Con đường ngàn tỷ nối Sầm Sơn - Nghi Sơn: (Bài 1) Nông dân oán thán vì “luật” của địa phương
Thứ Sáu, 14/9/2018 07:19 GMT+7(PLO) - Ở Sầm Sơn, một bát bún vỉa hè có khi đã bị chủ quán “hét” giá 50 ngàn đồng. Nhưng một mét vuông đất người dân đã sinh sống cả trăm năm chỉ được đền bù… 25 ngàn. Dự án giao thông đi qua, người dân sẵn sàng nhường nhà, nhường đất. Tuy nhiên cho rằng địa phương tùy tiện diễn giải quy định về đền bù bồi thường, dân đâm đơn khiếu nại.
Một số hộ dân bị thu hồi đất cho rằng vì bị địa phương bồi thường sai quy định nên họ có nguy cơ trắng tay.
Dự án Đường giao thông nối thị xã Sầm Sơn với Khu kinh tế Nghi Sơn (giai đoạn 1) được kỳ vọng sẽ kết nối các khu du lịch ven biển với các trung tâm kinh tế, cảng biển, tạo thành mạng lưới giao thông liên hoàn, điểm nhấn trong bức tranh giao thông của Thanh Hóa. Tuy nhiên, “bức tranh” ấy dù mới phác thảo những nét đầu tiên đã có những gam màu xám khi nhiều hộ dân cho rằng bị ảnh hưởng, nguy cơ trắng tay.
1m2 bị quy đổi ra… 5 bó rau muống
Xã Quảng Đại, TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, dù chỉ cách trung tâm du lịch nổi tiếng dăm cây số, nhưng cuộc sống vẫn lầm than cơ cực. Đường sá gập ghềnh, lầy lội. Cái nắng ven biển càng rát bỏng sau đợt mưa lũ kéo dài. Người lầm lụi sớm hôm đi biển cào ngao vợt tép; người bám víu mảnh ruộng, chỉ mong ngày ngày đủ bát cơm ăn.
Dự án đầu tư xây dựng công trình Đường giao thông nối thị xã Sầm Sơn với Khu kinh tế Nghi Sơn có tổng mức đầu tư hơn 1.479 tỷ đồng (nguồn vốn trái phiếu Chính phủ 1300 tỷ đồng, vốn ngân sách và các nguồn huy động khác), thực hiện trong 48 tháng; đi qua 4 xã thuộc TP Sầm Sơn, 6 xã thuộc huyện Quảng Xương. Điểm đầu tại thôn Xuân Phương, xã Quảng Châu, TP Sầm Sơn, điểm cuối tại thôn Bình, xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương.
Đây là tuyến giao thông đối ngoại kết hợp du lịch, là trục giao thông Bắc Nam của quốc gia. Quy mô đường cấp III đồng bằng, đoạn qua TP Sầm Sơn nền đường rộng 48m, 4 làn xe cơ giới, dải phân cách giữa, vỉa hè, cây xanh, điện chiếu sáng…
Tuyến đường này nằm trong tổng thể dự án đường bộ ven biển Việt Nam, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ tháng 01/2010 và phê duyệt điều chỉnh tháng 12/2015.
Theo Quyết định phê duyệt Dự án, UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Giao thông Vận tải là chủ đầu tư; UBND thị xã Sầm Sơn (nay là TP Sầm Sơn) và UBND huyện Quảng Xương làm chủ đầu tư tiểu dự án GPMB, chịu trách nhiệm thực hiện bồi thường, GPMB.
Đến nay, dự án đã chậm tiến độ ở nhiều hạng mục. Đặc biệt, đoạn qua TP Sầm Sơn còn nhiều khó khăn do nhiều hộ dân chưa đồng ý với phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB.