Lấy nhà giữa đêm
Khoảng 21h đêm 29/12/2016, người dân ở hẻm 243, đường Tôn Đản (phường 15, quận 4, TP.HCM) xôn xao vì tình cảnh tội nghiệp của bà cụ Huỳnh Thị Anh (86 tuổi). Đang sống yên lành trong căn nhà hàng chục năm nay, bồng nhiên cụ nhận được tin căn nhà đã bị bán. Và người bán nhà không ai khác chính là người con gái từng được cụ kỳ vọng nhất trong số 4 người con.
Theo lời kể của một số nhân chứng, tối hôm ấy, người mua đến xem nhà, đồng thời yêu cầu cụ phải rời đi để họ sửa chữa. Cụ bà không chịu, liền bị một nhóm người đẩy ra cổng, đồ đạc của cụ cũng bị ném ra vương vãi khắp con ngõ nhỏ. Giữa đêm lạnh, chỉ khoác manh áo mỏng, cụ bà khóc lóc năn nỉ xin được ở lại, ngày mai sẽ dọn đi, nhưng người chủ mới của căn nhà nhất quyết không đồng ý.
Sự việc trên đã làm dấy lên sự bất bình của nhiều người dân đang sống trong khu vực. Một người phụ nữ tự giới thiệu là hàng xóm mấy chục năm với cụ Anh kể: “Đêm ấy, khoảng gần 9h, tôi đang ở nhà xem vô tuyến thì nghe tiếng xôn xao bên nhà hàng xóm. Ra đến nơi thì có 4 thanh niên đẩy bà cụ ra đường, sau đó nhanh chóng khóa trái cửa.
Mặc cho bà cụ ở ngoài gào la, người dân xuống đường gõ cửa khuyên người chủ kia chịu khó đợi đến mai hẵng yêu cầu bà cụ rời đi, vì giờ cũng đã tối muộn rồi, trời lại mưa lất phất nữa. Nhưng những người ấy vẫn không mở cửa, tay vẫn lia lịa ném đồ đạc của cụ ra trước ngõ”.
Một người phụ nữ khác tiếp lời: “Mấy người ấy đến nói là căn nhà đã bị bán, họ đã thanh toán tiền nhà nên yêu cầu bà cụ phải dọn đi nơi khác. Nhưng mà việc mua bán này, cụ ấy không hề hay biết. Cụ cũng chỉ mong được sống ở nhà cụ cho đến khi nhắm mắt xuôi tay. Có muốn cụ dọn đi, cũng phải nói trước vài ngày để bà cụ tìm nơi ăn chốn ở trước, chứ đột ngột đến kêu bà cụ phải đi, thì cụ biết bám víu vào đâu”.
Không thể cứu vãn sự việc, cụ bà bất lực ngồi giữa đường khóc một hồi lâu mới chịu về nhà người con trai thứ hai ở gần đó, tá túc từ ấy cho đến nay.
Căn nhà vốn của cụ Anh nay đã đổi chủ |
Chuyện buồn gia đình
Con trai cụ Anh cho biết, từ sau sự việc xảy ra, bà cụ chẳng thiết tha ăn uống gì. Ngồi trên võng, cụ bà tai lãng, nói năng khó nhọc, vành mắt cứ đỏ hoe, lâu lâu ngồi một mình lại lén lấy vạt áo thấm mắt.
Người con trai kể, trước đây, hai vợ chồng cụ chăm chỉ buôn bán nên gia đình cũng có của ăn của để. Cách đây vài chục năm, hai cụ đã tích cóp mua được mấy căn nhà liền kề nhau ở con hẻm 243. Có cả thảy bốn người con, nhưng ai cũng lấy vợ lấy chồng, có nhiều nỗi bận tâm riêng. Không muốn cậy nhờ con cái, về già, hai cụ bán lần bán hồi hai căn nhà bên cạnh để lấy tiền trang trải cuộc sống. Cuối cùng chỉ còn mỗi căn nhà hiện tại làm nơi ăn chốn ở.
Cách đây hơn hai mươi năm, cụ đưa người con gái thứ 3 lên phường xác nhận cho chị căn nhà đang ở. “Lúc ấy, cụ nghĩ hai đứa con trai quậy phá nhiều quá, còn con gái bao giờ cũng biết thương mẹ nhiều hơn, nên định để tài sản lại cho con gái, những mong về già có người đỡ đần, khi nhắm mắt xuôi tay cũng có người lo ma chay, hương khói.
Thế nhưng, trong hai người con gái, cô út lấy chồng sớm, cô ba lại chí thú làm ăn, ổn định, an nhàn với công việc nhà nước, nghĩ có thể cậy nhờ được nên mới để lại căn nhà cho cô ấy. Nhưng sau này, khi cô lấy chồng rồi về nhà chồng ở, chẳng mấy khi đến thăm nom mẹ”.
Ông kể thêm, sau khi làm giấy tờ cho nhà, người con gái cũng đi lấy chồng, rồi chuyển qua nhà chồng ở quận 7 sinh sống. Căn nhà chỉ có hai ông bà sống vò võ với nhau. Cho đến hơn 1 năm trước, cụ ông không may qua đời vì một cơn bạo bệnh, cụ bà sống một mình lo hương khói cho ông.
Theo lời người con trai, cũng có một thời gian người con gái út sợ mẹ sống một mình buồn nên đón cụ về sống chung. Nhưng sau đó, chồng cô này bị bệnh nặng phải điều trị thường xuyên. Vợ vào viện chăm chồng, không có thời gian trông nom mẹ, cụ bà ra đường chẳng may bị té vỡ đầu. May mắn được những người dân nhanh chóng phát hiện và đưa đi cấp cứu kịp thời.
Sau sự việc ấy, cộng thêm việc cụ nhớ ông, nhớ căn nhà gắn bó cả đời, cụ lại dọn về. Sống cạnh nhà mẹ, người con trai cũng chạy qua chạy lại săn sóc. Nhưng vì ông bị bệnh về đường hô hấp, khó thở nên mọi việc cũng có phần hạn chế, chẳng thể chu toàn.
“Tôi đau ốm chẳng thể đi làm được gì, cuộc sống cũng khá bấp bênh, không thể lo chu toàn cho mẹ, vậy mà cô ấy (người con gái được bà cụ cho nhà – PV) cũng chẳng đến thăm hỏi, lại còn nhẫn tâm bán căn nhà cụ đang ở. Chỉ đến khi người mua nhà đến yêu cầu bà ra khỏi nhà, cô mới mang đến đưa cho bà 1,5 triệu và hứa từ đây đến khi bà mất sẽ chu cấp cho bà 1,5 triệu/ tháng. Song, cụ không nhận vì sợ rằng cô đi là đi luôn, tháng sau có khi chẳng trở lại thăm hỏi, chứ nói gì là chu cấp, nuôi dưỡng”.
Người đàn ông cũng chia sẻ, mối quan hệ của ông và người em gái thứ ba không được tốt đẹp. Đã nhiều năm trôi qua, hai bên không lui tới, thăm hỏi. Ngay cả số điện thoại, địa chỉ nhà của em gái, người anh cũng không biết.
Nói về nguyện vọng của mẹ, người đàn ông cho rằng, ở tuổi gần đất xa trời, cụ chỉ mong mỏi được sống trong căn nhà quen thuộc, lo hương khói cho người chồng quá cố.
“Nhưng bây giờ sự đã rồi, bà có nói muốn cô ấy đưa cho bà 200 triệu để bà trang trải cuộc sống cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, rồi còn lo ma chay về sau, nhưng mà cô không chấp nhận. Cụ bà mắc cùng lúc nhiều bệnh tuổi già, cần nhiều tiền để chữa trị. Trong khi tôi và hai người anh em còn lại cũng khó khăn, túng bấn, nên tôi cũng mong cô ấy suy nghĩ thấu đáo, thể theo nguyện vọng của cụ coi như cũng tận chữ hiếu”.
Lời tố cáo trên có đúng hay không? Nếu đúng, vì sao người con gái lại đột ngột bán nhà đến nỗi đẩy mẹ ra đường? Sự việc hiện vẫn còn nhiều điều chưa rõ, do những người trong cuộc không thiện chí trả lời.