Ôm nợ vì con rể
Năm 2009, anh Trịnh Quang Chiến, Giám đốc công ty TNHH Vạn Hoa ở Hà Nội đã nhờ bố mẹ vợ là ông Nguyễn Đình Hồng và bà Vũ Thị Oanh đứng tên sổ đỏ căn nhà nhỏ số 8 ngách 13, ngõ 241 Khâm Thiên, phường Thổ Quan, quận Đống Đa, Hà Nội. Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của người thứ ba, Hợp đồng công chứng số 1348009 ngày 27/10/2009 định giá 803.000.000đ (tám trăm không ba triệu đồng) để anh Chiến vay 600.000.000 đồng tại một Ngân hàng TMCP. Sau 2 năm, anh Chiến giải chấp số tiền nêu trên.
Lẽ ra anh Chiến phải lấy lại sổ đỏ căn nhà trả cho bố mẹ vợ nhưng lợi dụng lòng tin của bố mẹ vợ người con rể đã phối hợp với Ngân hàng giữ lại sổ đỏ và ký thêm vớt nhau bản Phụ lục số 01/PLHĐ ngày 28/3/2011 để hai bên thỏa thuận thống nhất tăng giá căn nhà thành 1.605.000.000đ (một tỷ, sáu trăm không năm triệu đồng) để anh Chiến vay tiếp số tiền là 1.100.000.000đ (Một tỷ, một trăm triệu đồng).
Lần vay tiền này của anh Chiến (năm 2011) vợ chồng ông Nguyễn Đình Hồng và bà Vũ Thị Oanh không ký công chứng bản Phụ lục này.
Sau đó, do làm ăn thua lỗ, anh Chiến cùng vợ con bỏ trốn khỏi Hà Nội. Đến năm 2017, Ngân hàng khởi kiện Công ty TNHH Vạn Hoa do anh Trịnh Quang Chiến làm giám đốc với quan hệ kinh doanh thương mại “Tranh chấp Hợp đồng tín dụng”.
Bà Lê Thị Ngọc Hà – Thẩm phám TAND quận Cầu Giấy (Hà Nội) được giao giải quyết vụ án này đưa vợ chồng ông Nguyễn Đình Hồng và bà Vũ Thị Oanh vào vụ án với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan (với lý do có bảo lãnh cho anh Chiến vay tiền theo bản Phụ lục số 01/PLHĐ ngày 28/3/2011) (?).
TAND quận Cầu Giấy đã xác định được Cty TNHH Vạn Hoa không còn hoạt động tại trụ sở Công ty từ năm 2012. Anh Trịnh Quang Chiến (Giám đốc Cty TNHH Vạn Hoa) có đăng ký hộ khẩu thường trú tại số 4 ngách 105/15 Thụy Khuê, phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội nhưng không có mặt tại địa phương từ năm 2009 đến nay.
Tuy nhiên, bà Lê Thị Ngọc Hà – Thẩm phám TAND Quận Cầu Giấy không đưa thông tin vụ án lên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định tại khoản 1 và Khoản 3 Điều 180 BLTTDS để thông báo cho bị đơn là anh Trịnh Quang Chiến biết mà chỉ niêm yết Giấy triệu tập anh Chiến tại UBND phường, rồi đưa vụ án ra xét xử theo yêu cầu của Ngân hàng.
Vậy là vụ án kinh doanh thương mại “Tranh chấp Hợp đồng tín dụng” chỉ còn Nguyên đơn Ngân hàng và người có quyền và nghĩa vụ liên quan là vợ chồng ông Nguyễn Đình Hồng và bà Vũ Thị Oanh.
Lúc này, ông Hồng đã 86 tuổi, bà Oanh đã 82 tuổi. Dù không có mặt bị đơn là Công ty Vạn Hoa, vợ chồng ông Nguyễn Đình Hồng và bà Vũ Thị Oanh cũng không ký vào bản Phụ lục số 01/PLHĐ ngày 28/3/2011 nhưng bà Lê Thị Ngọc Hà vẫn tổ chức hòa giải vào ngày 27/7/2017 giữa người đại diện Ngân hàng với ông Hồng (mà không có mặt bà Oanh) về tài sản thế chấp.
Do bà Lê Thị Ngọc Hà chỉ tiến hành hòa giải hình thức nên mặc dù không có mặt bà Oanh, đồng thời bà Oanh không ủy quyền cho chồng là ông Hồng, nhưng bà Lê Thị Ngọc Hà vội vã vin vào biên bản hòa giải (không thành) đó để làm căn cứ giải quyết vụ án với lập luận vô lý rằng vợ chồng bà Oanh đã đồng ý cho xử lý tài sản thế chấp (?).
Tại Bản án sơ thẩm số 09/2017/KDTM-ST ngày 11/09/2017 TAND quận Hai Bà Trưng đã buộc Công ty TNHH Vạn Hoa phải thanh toán trả cho Ngân hàng tổng số tiền vay còn nợ là hơn 2,3 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là 1,1 tỷ đồng, còn lại là nợ lãi. Ngoài ra, kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật, Công ty TNHH Vạn Hoa chưa trả số nợ nói trên thì Ngân hàng yêu cầu cơ quan thi hành án xử lý tài sản bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự để thu hồi nợ là: Quyền sử dụng và tài sản gắn liền với đất tại thửa đất số 08, ngách 13, ngõ 241 phố Khâm Thiên, phường Thổ Quan, quận Đống Đa, Hà Nội theo Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất số AG 5505117 do UBND quận Đống Đa, Hà Nội cấp ngày 04/06/2007 mang tên ông Nguyễn Đình Hồng và vợ là bà Vũ Thị Oanh theo hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất số 1348009 ký ngày 27/10/2009 tại Phòng công chứng số 1 thành phố Hà Nội.
Những khuất tất trong vụ án
Vợ chồng ông Nguyễn Đình Hồng và bà Vũ Thị Oanh đã kháng cáo bản án sơ thẩm nêu trên, trình bày việc thẩm phán Lê Thị Ngọc Hà cố tình bảo vệ Ngân hàng, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, căn cứ Biên bản hòa giải và bản Phụ lục số 01/PLHĐ ngày 28/3/2011 không có giá trị pháp lý để buộc vợ chồng ông bà chịu trách nhiệm bảo lãnh cho anh Chiến vay tiền là không đúng. Trong thời gian chờ TAND TP Hà Nội xét xử phúc thẩm, ông Nguyễn Đình Hồng ốm nặng và mất ngày 27/2/2018.
Do ông Nguyễn Đình Hồng mất, ngày 25/10/2018, vợ và 5 người con của ông Hồng và bà Oanh kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng cho ông Hồng. Tuy nhiên, ông Hồng còn có con riêng là anh Nguyễn Đình Hiếu (sinh năm 1977), hiện ở tại số nhà 55 đường Hai Bà Trưng, Thị trấn Lim, huyện Tiên Du, Bắc Ninh. Bà Oanh và các con đã trình bày việc này nhưng thẩm phán Nguyễn Thị Thanh Thủy, TAND TP Hà Nội vẫn không đưa vào để xác định những người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông Nguyễn Đình Hồng.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, thẩm phán TAND TP Hà Nội tiếp tục bảo vệ Tòa án cấp sơ thẩm và Ngân hàng, không chỉ ra sai phạm của Tòa án sơ thẩm mà tiếp tục vi phạm như sơ thẩm là cố tình không đưa thông tin vụ án lên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định tại khoản 1 và Khoản 3 Điều 180 BLTTDS để thông báo cho bị đơn là anh Trịnh Quang Chiến biết mà thậm chí không niêm yết Giấy triệu tập anh Chiến tại UBND phường, mà đưa vụ án ra xét xử theo yêu cầu của Ngân hàng.
Tại cấp phúc thẩm, người được bà Oanh ủy quyền trình bày việc bà không ký vào bản Phụ lục số 01/PLHĐ ngày 28/3/2011, chữ ký trong bản Phụ lục số 01/PLHĐ ngày 28/3/2011 mà đại diện Ngân hàng mới xuất trình (tại cấp sơ thẩm không có) là chữ ký giả, đề nghị Tòa án cho giám định.
Nhưng bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, thẩm phán TAND TP Hà Nội không xem xét. Bà Thủy còn đưa ra đề nghị ngay buổi chiều cùng ngày phải đưa bà Oanh lên Tòa để lấy chữ ký mặc dù bà Oanh đang ốm. Người đại diện được bà Oanh ủy quyền đã thông tin cho Tòa án nhưng bà Thủy vin vào cớ này để không tiến hành giám định chữ ký bà Oanh trong bản Phụ lục số 01/PLHĐ ngày 28/3/2011.
Trong quá trình tham gia tố tụng, tư cách người đại diện ủy quyền của Nguyên đơn – Ngân hàng không đúng nội dung và phạm vi văn bản ủy quyền. Văn bản ủy quyền số 02/2015/UQ-HĐQT lập ngày 11/2/2015 (Bút lục số 43), Chủ tịch HĐQT, người đại diện theo pháp luật của Ngân hàng đã ủy quyền cho ông Hoàng Anh Tuấn, ông Đỗ Thành Trung và ông Phạm Tuấn Anh tham gia tố tụng. Mục 3 của VBUQ có đề cập việc người được ủy quyền có thể ủy quyền lại một phần hoặc toàn bộ nội dung công việc cho người khác.
Đặc biệt, tại Mục IV của Văn bản ủy quyền (VBUQ) về THỜI HẠN ỦY QUYỀN có ghi rằng “Văn bản ủy quyền này có hiệu lực trong vòng 2 năm kể từ ngày 11/2/2015 hoặc cho đến khi có văn bản mới thay thế, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ (tùy theo trường hợp nào đến trước). Như vậy văn bản ủy quyền ngày 11/2/2015 hết hiệu lực vào ngày 11/2/2017. Đây là thời điểm có trước các sự kiện khác bởi vì không có văn bản nào của Chủ tịch HĐQT Ngân hàng để “thay thế, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ” văn bản ủy quyền nêu trên. Chủ tịch HĐQT Ngân hàng cũng không có văn bản gia hạn thời hạn ủy quyền cho đến sau ngày 11/2/2017.
Do đó, việc ông Phạm Tuấn Anh đã ủy quyền lại cho ông Hoàng Đình Hạnh và ông Đoàn Trung Kiên (Bút lục số 39) (ngày 11/11/2016) với nội dung thời hạn là “kể từ ngày ký cho đến khi giải quyết xong vụ kiện tại các cấp Tòa án (bao gồm sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm) theo quy định của pháp luật hoặc khi có văn bản khác thay thế hoặc hủy bỏ” là vượt quá thẩm quyền so với văn bản ủy quyền của Chủ tịch HĐQT Ngân hàng.
Vì vậy vào ngày 11/9/2017 các ông Hạnh và ông Kiên vẫn tham gia tố tụng tại phiên tòa sơ thẩm trong lúc thời hạn ủy quyền đã hết hạn từ ngày 11/2/2017 là vượt thẩm quyền. Như vậy là vi phạm Điều 583 Bộ luật dân sự 2005 quy định về Ủy quyền lại.
Do đó việc ủy quyền của Chủ tịch HĐQT Ngân hàng cho các ông Hoàng Anh Tuấn, Đỗ Thành Trung, Phạm Tuấn Anh cũng như việc ủy quyền lại của ông Phạm Tuấn Anh đã chấm dứt kể từ ngày 11/2/2017.
Vì vậy các ông Tuấn Anh, ông Hạnh và ông Sơn không có tư cách đại diện cho Nguyên đơn là Ngân hàng nhưng vẫn tham gia tố tụng giai đoạn sơ thẩm là không đúng.
Giữa tháng 3/2019, đại diện Ngân hàng có cung cấp một Văn bản ủy quyền mới số 04/2017/UQ-HĐQT đề ngày 18/1/2017 nhằm hợp thức hóa tư cách tham gia tố tụng cấp sơ thẩm của ông Tuấn Anh, ông Hạnh và ông Sơn. Nhưng rõ ràng tài liệu này không có trong Hồ sơ vụ án cấp sơ thẩm ở TAND quận Cầu Giấy, cho nên đây cũng là thiếu sót có thể xem là vi phạm tố tụng của TAND quận Cầu Giấy mà tòa phúc thẩm không thể khắc phục được cho nên cần phải hủy án sơ thẩm.
Hơn nữa, việc uỷ quyền lại của ông Phạm Tuấn Anh cho ông Hoàng Đình Hạnh và Đoàn Trung Kiên tham gia phiên toà sơ thẩm là dựa trên Văn bản uỷ quyền lập ngày 11/11/2016, trước khi có văn bản uỷ quyền số 04/2017/UQ-HĐQT đề ngày 18/1/2017. Do vậy ông Hoàng Đình Hạnh và ông Đoàn Trung Kiên hoàn toàn không có tư cách hợp pháp để đại diện cho Nguyên đơn Ngân hàng tham gia tố tụng tại giai đoạn sơ thẩm của vụ án.
Tuy nhiên TAND TP Hà Nội vẫn không xem xét những tình tiết khách quan này mà xử y án như cấp sơ thẩm. Do TAND quận Cầu Giấy (TP Hà Nội) và TAND TP Hà Nội khi thụ lý giải quyết vụ án đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng; nội dung bản án đều trái với quy định của pháp luật nên đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà Oanh.
Thiết nghĩ, các cơ quan tố tụng có thẩm quyền phải sớm xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm để hủy hai Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 09/2017/KDTM-ST ngày 11/09/2017 của TAND quận Cầu Giấy và Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 23/2019/KDTM-PT ngày 08/04/2019 của TAND TP Hà Nội, trả lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu căn nhà số 08, ngách 13, ngõ 241 phố Khâm Thiên, phường Thổ Quan, quận Đống Đa, Hà Nội cho bà Oanh và những người thừa kế của ông Hồng.