“Con kiến” mà đọc luật vanh vách
Vụ án bà Đinh Thị Tỵ (SN 1957), ở thôn Đồng Danh, xã Phú Thành, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình có lẽ là 1 vụ án phá “kỷ lục” trong lịch sử tố tụng hành chính của Hòa Bình. Phá kỷ lục về thời gian khiếu kiện kéo dài ròng rã suốt từ năm 2005 đến nay, với số lượng hồ sơ lên tới cả chục kg; phá kỷ lục về số đơn từ gửi liên tiếp từ huyện lên tỉnh, lên trung ương; phá kỷ lục về số cán bộ bị kiện tới mấy chục vị, từ chủ tịch huyện, chủ tịch tỉnh cho tới lãnh đạo Sở Tài Nguyên & Môi trường…
Người “gở mồm” chắc sẽ nói bà Tỵ thuộc thành phần ngoan cố, cố chấp. Người thông cảm hơn thì sẽ khuyên bà bỏ cuộc bởi làm dân – mà lại là nông dân chính gốc quê mùa như bà – đi “kiện quan” chẳng khác nào “lấy trứng chọi với đá”, “chờ được vạ thì má đã sưng”.
Thế nhưng xem cái cách mà người phụ nữ này đeo đẳng kiện cáo suốt gần 15 năm nay, xem sự trình bày rõ ràng, mạch lạc, trích dẫn từng câu, từng điều luật của bà tại phiên tòa sơ thẩm khiến cả luật sư lẫn cán bộ viện, tòa cũng phải đôi phần thán phục.
Chắc hẳn vụ việc phải có gì ẩn khuất, sự bức xúc của người dân phải dồn nén nhiều lắm thì họ mới có đủ “dũng khí” mà đương đầu như vậy. Quả thực, trong lá đơn đề ngày 20/8/2005, bà viết: ngày 7/5/2005,… đã cố ý giải quyết cho gia đình tôi không đúng quy định của nhà nước, đưa lực lượng cưỡng chế. Chồng tôi vì uất ức nên thổ máu tươi. Ngày 11/5/2005, ông M (tên một cán bộ địa phương - PV) đã sỉ nhục, xúc phảm nhân phẩm tôi, nguyền rủa cả vong linh con tôi nằm đấy…
Như vậy, đã đành bà Tỵ uất ức, đã đành cho rằng cán bộ tiêu cực, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của gia đình (cho đến nay, vợ chồng bà Tỵ vẫn nhất quyết không nhận tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng – PV) nhưng tôi tin, trong suy nghĩ của người phụ nữ ít học này vẫn còn niềm tin vào công lý, tin vào sự chiến thắng của việc “thượng tôn pháp luật”, mọi công dân đều bình đẳng trước hội đồng xét xử nên mới có đủ kiên trì để đi tìm công lý trong một hành trình gian nan như vậy.
Tòa tỉnh có “né” xử Chủ tịch tỉnh?
Nguồn cơn của sự việc bắt đầu từ việc ngày 10/12/2002, Hội đồng giải phóng mặt bằng (GPMB) huyện Lạc Thủy thực hiện việc kiểm đếm, đất đai tài sản của hộ bà Đinh Thị Tỵ phục vụ cho việc thi công đường Hồ Chí Minh. Ngày 31/12/2005, UBND huyện Lạc Thủy ban hành quyết định thu hồi 1008,1m2 của hộ bà Tỵ, trong đó có 400m2 đất ở, sau đó là các Quyết định phê duyệt dự toán đền bù GPMB…
Cho rằng diện tích đền bù bị thiếu, xác định không đúng vị trí, không đúng loại đất, tài sản cây cối hoa màu kiểm điếm bị thiếu… bà Tỵ khiếu nại. UBND huyện Lạc Thủy đã có các quyết định 119 ngày 5/4/2005, quyết định 218 ngày 7/8/2016; quyết định 488 ngày 25/9/2007; Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đã có quyết định số 2010 ngày 10/10/2005, quyết định 641 ngày 27/3/2007; quyết định 1026 ngày 8/6/2009 giải quyết khiếu nại.
Ngày 5/7/2009, bà Tỵ gửi đơn kiện vụ án hành chính. Bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Hòa Bình ngày 16/4/2018 đã chấp nhận nội dung khởi kiện của bà Tỵ yêu cầu hủy quyết định 1026 của Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình. Buộc người có thẩm quyền trong cơ quan Nhà nước thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, không biết có phải chịu áp lực nào không nhưng bản án sơ thẩm còn nhiếu thiếu sót mà bản án phúc thẩm số 09/2019 của TAND Cấp cao Tại Hà Nội đã chỉ ra.
Cụ thể, tòa cấp cao nhận định: “Việc khiếu nại của bà Đinh Thị Tỵ diễn ra trong suốt quá trình từ năm 2005 cho đến khi nhận được quyết định giải quyết khiếu nại số 1026 (năm 2009) bà Tỵ đã làm đơn khởi kiện nên không vi phạm về thời hiệu.
Tuy nhiên, một phần các quyết định về thu hồi đất và phương án bồi thường ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của gia đình bà Tỵ nhưng tòa án cấp sơ thẩm không xem xét mà chỉ đánh giá tính hợp pháp của Quyết định giải quyết khiếu nại là thiếu sót, dẫn đến việc giải quyết vụ án thiếu toàn diện, triệt để”.
Cấp phúc thẩm còn nhận xét: “HĐXX sơ thẩm đánh giá các nội dung liên quan đén quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường nhưng lại không xem xét tính hợp pháp của các quyết định trên là thiếu sót nghiêm trọng.
Mặt khác, bản án sơ thẩm xác định đối tượng khởi kiện là các quyết định giải quyết khiếu nại nhưng chỉ tuyên hủy quyết định 1026 là không đầy đủ, toàn diện. (…) không tuyên hủy quyết định bị khởi kiện là không rõ ràng, gây khó khăn trong việc thi hành án”.
“Theo đơn khởi kiện, người khởi kiện yêu cầu tố cáo về hành vi hành chính của bị đơn là 32 cá nhân, 7 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (là lãnh đạo, cán bộ của tỉnh, huyện, xã khi thực hiện nhiệm vụ bồi thường thu hồi đất, giải quyết khiếu nại, tiếp công dân, tiếp nhận đơn khiếu nại), HĐXX sơ thẩm nhận định không phải là hành vi hành chính thuộc đối tượng khởi kiện bằng vụ án hành chính nên không xem xét, giải quyết tuy nhiên lại tuyên không chấp nhận nội dung khởi kiện của người khởi kiện là không đúng quy định tại điều 30, điểm đ khoản 1 Điều 123 Luật Tố tụng Hành Chính”.
Từ những phân tích trên, cấp phúc thẩm đã tuyên hủy bán án sơ thẩm, chuyển hồ sơ cho TAND tỉnh Hòa Bình xét xử lại.
“Vụ án của tôi kéo dài đến nay đã qua nhiều đời chủ tịch mới bước đầu có kết quả. Thế nhưng, bản án của Tòa Hòa Bình khiến tôi chưa thấy tâm phục, khẩu phục. Một lần nữa tôi tha thiết trông đợi vào sự công tâm của những người phán quyết để đến cuối đời có thể thanh thản”, bà Tỵ chia sẻ.