Con rồng nước

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày còn nhỏ, mấy đứa trong tổ dân phố chúng tôi thích mùa hè lắm, vừa được nghỉ, vừa cùng nhau hát hò, vui chơi thoải mái.

Tôi nhớ mãi, khi nắng vừa rơi trên những bông phượng đỏ, ve kêu râm ran đến mất ngủ, chúng tôi lại háo hức đợi bố mẹ họp phụ huynh về. Thời ấy học khó lắm, được học sinh tiên tiến trở lên là đứa nào cũng thở phào nhẹ nhõm.

Nhẹ nhõm vì sao ấy à? Vì như vậy là được đi chơi, không phải lo bị đúp, bố mẹ cũng sẽ không la rầy bắt đi học phụ đạo. Những năm 2000 của đám học sinh chúng tôi, chỉ có đứa nào học xuất sắc hoặc dốt lắm mới bị bố mẹ gửi vào các lớp học thêm mùa hè. Còn mấy cô cậu “tàng tàng” cứ như vậy mà đi bơi, đá bóng, đuổi bắt, nghỉ mát ở quê, ở biển suốt hai tháng.

Những ngày đầu tháng 6, khi hè vừa mới “chạm ngõ” là khoảng thời gian tuyệt vời nhất. Bố sẽ không “tóm cổ” tôi đọc mấy quyển sách dày cộp, hay đi học bơi, học võ. Tôi sẽ được nằm cả ngày trên giường ngủ, xem hoạt hình “Maruko”, “Chú chó trắng”, ăn những que kem mát lạnh mẹ mua sẵn để trong tủ đá. Vào những buổi trưa hè chói chang ánh nắng, tôi cùng đám trẻ con trong xóm ra ngoài chơi trốn tìm, cảnh sát bắt kẻ trộm.

Ảnh minh họa - nguồn: Pinterest.

Ảnh minh họa - nguồn: Pinterest.

Nhưng có một nơi mà bố mẹ lúc nào cũng cấm chúng tôi đến. Đó là hồ ở trong công viên, không phải họ lo chúng tôi đuối nước. Mà vì ở nơi đấy, có nhiều anh chị sinh viên hẹn hò, nên không gia đình nào muốn con chứng kiến cảnh hôn môi, thơm má. Thói đời là vậy, càng cấm, chúng tôi càng hay mò ra. Nhưng không phải như bố mẹ nghĩ, chúng tôi không tò mò chuyện của người lớn. Chúng tôi chỉ tò mò về hồ nước ở đó.

Hồ nước này kỳ lắm, vào buổi sáng sớm nó sẽ có màu hồng hạc, vào buổi trưa là màu xám vàng, buổi chiều màu xanh lơ nhạt, đến tối thì đen kịt như tấm thảm nhung. Ở hồ lúc nào cũng vậy, mát mẻ, đầy điều thú vị. Từ đám cá bơi lon ton trong hồ, đến mấy con rắn nước màu bạc uốn lượn và cả con “rồng” ẩn trong hồ nữa. Bọn tôi từng nghĩ đó là “rồng” - thủy quái, bởi thân nó dài vô tận, chúng tôi đi đến đâu nó cũng bồng bềnh theo đó. Sau này, tôi mới biết, đó là những đám mây in bóng trên mặt nước.

Có những ngày, cả lũ đang chơi vui vội về xin tiền bố mẹ để đi đến bể bơi vì… nóng quá. Ngày đó, 34 - 35 độ đã là khủng khiếp với chúng tôi lắm rồi. Nhìn thấy hồ mà ngứa ngáy muốn nhảy xuống, nhưng đứa nào cũng sợ. Vì vậy, tới bể bơi là “thượng sách” cả đám nhóc lao xuống, đứa cầm phao, đứa biết bơi thì tung tăng vùng vẫy. Nói chung, mỗi người một kiểu. Bơi đến khi đói thì “hùn” tiền lại mỗi đứa vài ba nghìn mua đĩa phồng tôm ăn lấy, ăn để.

Mùa hè của đám học sinh lớp 3, lớp 4 thì đơn giản lắm, cứ mặc áo phông, quần đùi, ngồi ăn kem là chí thú nhất cuộc đời. Đứa nào cũng hôi rình, nhưng bắt chước các ông bà già, người lớn, ngồi vắt chân, bàn luận thế sự, chuyện đời. Nào từ việc ông hàng xóm bị vợ đánh, tới thằng bé lớp bên vừa bị mẹ bắt tại quán nét… Đến lúc không có việc gì làm thì lại ra nhìn “con thủy quái”. Sau đó dung dăng bước đi, “con rồng nước” cũng bám theo chúng tôi, như đám mây lờ lững bay trên trời. Khi đó, chúng tôi tự hào lắm, nghĩ là nó quý mình.

Đến 1/6, giống như một tấm băng rôn của thế giới để chào đón “đoàn quân nhí” đến với mùa hè. Đó là ngày, cả đám nhóc bắt đầu thực hiện kế hoạch “nghỉ ngơi” của mình. Đối với lũ trẻ thành phố như tôi, buồn nhất là phải vẫy tay, tiễn đám bạn chí cốt về quê. Nhưng vui nhất là được bố mẹ gửi các cô dì, chú bác đưa đi nghỉ mát. Sau đó, cùng bố mẹ đi biển, mỗi bận như vậy, chúng tôi tới biển, đi núi đến ba bốn lần. Cứ mỗi lần về lại đen hơn trước. Cho đến cuối mùa thì chỉ còn hai con mắt là phát sáng trong đêm.

Nhưng tối nào, dù ở đâu, tôi cũng vắt tay lên trán nghĩ “Không biết, con rồng có nhớ mình không nhỉ? Nó có theo nguồn nước ra biển chơi được không?”. Sau này, có đứa bạn từng kể lại với tôi: “Trước mình còn tự hỏi, cả năm ở trong cái hồ đấy, con rồng có buồn không nhỉ?”.

***

Gần cuối tháng 7, cũng là lúc chúng tôi kết thúc những ngày vui chơi. Để ngồi vào bàn ôn bài, chuẩn bị cho niên học mới vào tháng 8. Nhưng nào có đứa nào học? Vì nắng còn rực rỡ, hè vẫn oi ả, nên trên bàn là tập vở, quyển sách, ở dưới là những cuốn truyện phiêu lưu ký. Từ “Dế mèn phiêu lưu ký”, “Tây du ký”, “Harry Potter”, cứ như vậy, càng thôi thúc đám học sinh mơ ước được chạy ra thế giới bên ngoài, hòa nhập vào không gian bao la tràn trề hơi thở của ngày hè.

Cứ mỗi tối, đám chúng tôi gồm vài chục đứa học sinh lại đi chơi, đến những ngôi nhà hoang, gầm cầu thang, đứa đèn pin, đứa cầm gậy. Để làm gì? Để bắt những con ma sói, tìm kiếm điều bí ẩn trong thế giới này. Sáng ra, khi mặt trời nhảy nhót trên tán lá, cả lũ lại viết vào một quyển nháp nhàu nhĩ những câu chuyện tưởng tượng của riêng bản thân.

Để vào cuối tuần, “quân đoàn nhí” sẽ cùng ra hồ, ngắm những gợn sóng yên ả, nơi các đám mây trắng bông phản chiếu xuống. Cảm đám thốt lên: “Kìa, đó là con rồng nước, thủy quái của hồ đấy!”. Chúng tôi chiêm ngưỡng, tôn thờ thiếu mỗi điều quỳ xuống vái lậy. Lũ nhóc thì thào, kể với nhau huyền thoại về con rồng, loài vật thiêng đã ở dưới hồ đã trăm năm, cứ cuộn mình, vồng lên, dập dờn dưới hồ sâu vô đáy. Ở đó, phải! Tại đó, nắng vẫn rơi, mưa vẫn nhỏ xuống, con rồng hư ảo kia đã lưu giữ ký ức của hàng trăm, hàng nghìn đứa trẻ đã từng nắm tay nhau chiêm ngưỡng thế giới này, bằng con mắt sơ khai nhất.