Công an Đắk Lắk “gây khó” trong vụ “CSHS đi xe tạm giữ“?

(PLO) - Báo PLVN từng phản ánh dư luận thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk xôn xao chuyện nguyên cán bộ Phòng Cảnh sát Hình sự (CSHS) Công an tỉnh Đắk Lắk vi vu trên đường với chiếc xe vi phạm giao thông của người dân. Gần nửa năm đã trôi qua, thế nhưng đến nay chiếc xe vẫn chưa về với chính chủ hợp pháp.
“Khổ chủ” Lưu Thị Thanh Thủy (ngụ ở phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk) vừa cho biết, sau khi báo đăng bài, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk mới đây đã có bản kết thúc xác minh vụ việc này và có quyết định về việc giải quyết khiếu nại, tuy nhiên gia đình bà không đồng ý.
Theo cơ quan công an thì việc bà Thủy yêu cầu ông Chương trả lại xe ô tô cho gia đình bà vô điều kiện là “không đúng trình tự quy định của pháp luật”, và rằng “nội dung khiếu nại của bà là không đúng cơ sở, đề nghị bà liên hệ với gia đình ông Nguyễn Ngọc Châu để lấy lại xe hoặc khởi kiện vụ việc ra Tòa án để được giải quyết theo pháp luật dân sự”.
Chiếc xe 47T-1112 của bà Lưu Thị Thanh Thủy
 Chiếc xe 47T-1112 của bà Lưu Thị Thanh Thủy
Lý do, theo Công an Đắk Lắk, bà Thủy và ông Chương không có quan hệ giao dịch mua bán hoặc cầm cố chiếc xe ô tô BKS 47T-1112. Vấn đề tranh chấp quyền sử dụng  chiếc xe ô tô này không phát sinh giữa bà với ông Chương, mà thực tế chiếc xe ô tô trên “ông Chương mua từ ông Châu”.
Không đồng ý với cách trả lời này, bà Thủy bức xúc cho hay: “Ông Chương nguyên là cán bộ Phòng PC45 Công an tỉnh Đắk Lắk,  là người am hiểu pháp luật nhưng lại có hành vi trái pháp luật. Cái gọi là “quan hệ mua bán” giữa ông Chương và ông Châu có nhiều khuất tất chứ không như cơ quan công an xác minh”.
Thực tế, tại bản kết thúc xác minh và quyết định giải quyết khiếu nại, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk cũng khẳng định giữa ông Chương và ông Châu không có hợp đồng mua bán xe, cũng không có giấy tờ thể hiện việc ông Chương giao tiền cho ông Châu để thực hiện việc mua bán xe. Không những thế,  công an còn ghi nhận khi ông Châu giao xe cho ông Chương chỉ có “bản phô tô giấy chứng nhận đăng ký xe có xác nhận đang thế chấp tại ngân hàng”. 
Theo khổ chủ, với những chứng cứ trên thì “kể cả những người thiếu hiểu biết về pháp luật cũng nhận ra khó mà tồn tại một quan hệ mua bán đối với những tài sản có giá trị như ô tô”. Đặc biệt, khi “người mua” lại nguyên là một cán bộ CSHS thì  liệu có  trả tiền cho một tài sản đang bị thế chấp không? – bà Thủy nghi vấn.
Mặt khác, chính tại bản kết thúc xác minh và quyết định giải quyết khiếu nại, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk cũng khẳng định việc mua bán xe giữa ông Châu và ông Chương là “không đúng quy định pháp luật dân sự” và “vô hiệu” vì  Bộ luật Dân sự quy định “không được bán, trao đổi, tặng cho, cho thuê, cho mượn tài sản cầm cố”.
Cũng cần nói rõ hơn, theo xác nhận của Sacombank chi nhánh Buôn Hồ thì đến ngày 17/4/2012, khách hàng Lưu Thị Thanh Thủy đã trả hết vốn và lãi cho ngân hàng và ngân hàng đã xuất trả lại toàn bộ giấy tờ bản chính có liên quan đến chiếc xe mang biển số 47T-1112.  Và, đến ngày 22/4/2013, vợ chồng ông Sơn, bà Thủy cũng đã thanh lý hợp đồng cầm cố xe ô tô với những người thừa kế theo pháp luật của ông Châu. Theo đó, đã trả đủ cho gia đình ông Châu số tiền 500 triệu đồng để chuộc lại chiếc xe ô tô mà bà Thủy đứng tên chính chủ. 
Như vậy, theo các quy định pháp luật thì bà Lưu Thị Thanh Thủy đến thời điểm này hoàn toàn là chủ sở hữu hợp pháp của chiếc xe ô tô BKS 47T-1112. “Với các kết quả xác minh trên mà cơ quan công an lại còn hướng dẫn người dân khởi kiện ra Tòa để nhận lại tài sản hợp pháp của mình thì không thể hiểu nổi” – một Luật sư bình luận.

Đọc thêm