Bị kết tội khi chưa đủ chứng cứ

(PLO) - Bà Hồ Thị Kim Chung, một Đảng viên kêu oan cho chồng là ông Nguyễn Hoàng Phương, cũng là một Đảng viên vừa bị TAND tỉnh Long An tuyên án 12 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với vai trò đồng phạm giúp sức trong việc chiếm đoạt 1,1 tỉ đồng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn huyện Châu Thành, Long An.
Bị kết tội khi chưa đủ chứng cứ

Từ năm 2010 đến 2011, ông Nguyễn Văn Ngôn có thế chấp 6 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) của 6 thửa đất để vay tiền ngân hàng. Tuy nhiên, trong quá trình cấp đổi GCNQSDĐ, lẽ ra ông Ngôn phải nộp lại cho UBND xã 6 giấy cũ và nhận 6 giấy mới. Thế nhưng không hiểu sao trong tay ông Ngôn lại có tới 12 giấy, gồm 6 giấy mới và 6 giấy cũ. Điều đáng nói là ông Ngôn lần lượt làm thủ tục thế chấp tất cả 12 giấy để vay tiền tại các ngân hàng.

Vi phạm tố tụng
Mấy tháng sau vụ việc bị đổ bể, ban đầu ông Ngôn thừa nhận khi đến UBND xã làm thủ tục cấp đổi GCNQSDĐ, do cán bộ lu bu kẹp nhầm nên ông ôm hết giấy mới và cũ về nhà luôn. Kế đó, do túng làm liều, ông Ngôn lần lượt thế chấp các giấy cho các ngân hàng để vay tiền. Tuy nhiên sau đó, ông Ngôn lại khai: Do ông Phương - Cán bộ địa chính xã “tuồn” ra cho ông mấy giấy cũ này; mỗi khi vay được tiền, ông “trả công” cho ông Phương, tổng cộng 5 lần 27 triệu đồng.
Trái lại, ông Phương một mực phủ nhận lời khai của ông Ngôn. Tiếp đó, cả ông Ngôn và ông Phương bị Cơ quan Điều tra (CQĐT) khởi tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, trong đó ông Phương với vai trò đồng phạm giúp sức.
Bà Kim Chung – vợ ông Phương trình bày, điều bà bức xúc là trong quá trình tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, có nhiều vấn đề về tố tụng được luật sư nêu ra nhưng không được các cơ quan chức năng lưu tâm xem xét. Cụ thể như: Luật sư không được thông báo để tham gia buổi đối chất giữa hai bị can với nhau vào tháng 4/2013, trong khi đây là buổi làm việc rất quan trọng.
Sau đó Luật sư đã gửi văn bản kiến nghị CQĐT và Viện Kiểm sát giải thích nhưng đến nay vẫn không thấy hồi âm. Tiếp đó, 2 biên bản lập tại UBND xã ngày 5/03/2012 ghi những lời thừa nhận của ông Ngôn giải trình lý do tại sao trong tay mình có 12 giấy đất đã không được đưa vào bản kết luận điều tra, cáo trạng và bản án để đánh giá chứng cứ một cách đầy đủ, khách quan.
Đó là chưa nói, giữa kết luận điều tra và cáo trạng còn có sự tréo ngoe về tình tiết, thời gian, không gian, phương thức, thủ đoạn thực hiện hành vi phạm tội liên quan đến ông Phương nhưng không được điều tra làm rõ.
Còn nữa, bản Cáo trạng công bố tại phiên tòa có rất nhiều tình tiết khác với bản cáo trạng có trong hồ sơ vụ án, luật sư đề nghị làm rõ nhưng cũng không được chấp nhận…  Từ đó Tòa sơ thẩm tuyên ông Ngôn và ông Phương “liên đới” bồi thường cho ngân hàng 1,1 tỉ đồng.  Mặc dù tại phiên tòa, ông Ngôn thay đổi lời khai, thừa nhận một mình đã chiếm đoạt trọn vẹn 1,1 tỉ đồng và không hề có chuyện chia cho ông Phương đồng nào.
Hơn nữa, giữa ông Ngôn và ông Phương cũng không có quan hệ dân sự, hành chính hay nhân thân theo luật định để có thể chịu trách nhiệm liên đới. Và việc buộc hai người “liên đới” chịu tiền… án phí lại càng vô lý hơn!
Chưa rõ dấu hiệu đồng phạm
Đối với vụ án này, luật sư Phan Hồng Việt, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng với nhiệm vụ được giao, ít nhiều ông Phương cũng có lỗi trong việc quản lý hồ sơ, giấy tờ, xác nhận đăng ký thế chấp. Tuy nhiên, căn cứ để quy kết ông Phương đồng phạm giúp sức cho ông Ngôn lừa đảo chiếm đoạt tiền ngân hàng là cần thiết được xem xét lại.
Bởi chưa đủ căn cứ chứng minh ông Phương có đưa cho ông Ngôn  mượn lại 3 giấy mới và 3 giấy cũ, đòi và có nhận tiền công hay không. Mà đây chỉ là lời khai chủ quan của ông Ngôn, CQĐT chưa chứng minh thuyết phục lời khai (nhận tội) của ông Ngôn phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án nên không được xem là chứng cứ để kết tội ông Phương.
Ngược lại, tại 2 biên bản lập tại UBND xã Vĩnh Công cùng vào ngày 5/3/2012, chính ông Ngôn đã thừa nhận việc cán bộ cấp đổi trong lúc lu bu phát nhầm nên kẹp tất cả giấy đất của mình mang về…
So sánh, đánh giá các lời khai, chứng cứ nêu trên để tìm hiểu vì sao ông Ngôn có được 6 giấy đất này(?), cho thấy cách lý giải này có cơ sở hơn. Bởi lời khai thừa nhận của ông Ngôn được nhiều người có trách nhiệm ở UBND xã và ngân hàng chứng kiến, được ghi nhận lại bằng các văn bản làm việc chính thức có đóng dấu UBND xã, có chữ ký xác nhận của ông Ngôn nên có giá trị pháp lý và phù hợp với các tình tiết khác.
Tức ông Ngôn đã qua mặt cả UBND xã và ngân hàng; đồng nghĩa với việc ông Phương không tiếp tay bằng cách cho ông Ngôn mượn lại các giấy cũ để đi vay tiền – Luật sư phân tích. Và cũng không chứng minh được ông Phương cho ông Ngôn mượn lại 6 giấy đất, nên chưa có cơ sở xác định ông Phương biết rõ mục đích sử dụng các giấy đất này của ông Ngôn là để đi lừa ngân hàng.
Mặc dù UBND huyện có văn bản chỉ đạo về mặt nguyên tắc là ngưng giao dịch đối với các giấy cũ, nhưng có cơ sở cho thấy thực tế ở xã Vĩnh Công có chủ trương và các ngân hàng trên địa bàn huyện cũng linh hoạt trong giải quyết, tạo điều kiện cho dân vay bằng giấy cũ trong thời gian này.
Vì vậy việc xác nhận đơn yêu cầu đăng ký thế chấp đối với các giấy cũ của ông Ngôn không phải do ông Phương tự ý làm để giúp ông Ngôn. Giả định ông Phương có cố ý làm đi chăng nữa cũng không thể qua mặt được bộ phận văn phòng, lãnh đạo xã và ngân hàng. Nên việc quy kết một mình cá nhân ông Phương cố tình làm trái chỉ đạo của huyện là không chính xác...
Bức xúc với án sơ thẩm, ông Phương kháng cáo... Thiết nghĩ Tòa án cấp phúc thẩm sẽ lưu tâm xem xét lại vụ án một cách thấu đáo, nhằm xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm đồng thời không làm oan người vô tội.

Đọc thêm