Dù Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an huyện Thuận Châu đã có thông báo kết luận định giá tài sản và thông báo kết luận xác định nhóm người tham gia phá hoại tài sản nhưng đến nay những đối tượng này vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật gây bất an cho gia đình ông, gây nhiều bức xúc dư luận.
Số liệu trong biên bản khám nghiệm hiện trường và số liệu trong thống báo kết luật định giá không khớp nhau?
Theo đơn của gia đình ông Nguyễn Văn Quân: Ngày 26/12/2019, tại vườn trồng cà phê của gia đình ông ở bản Co Quên, xã Long Lay, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, các đối tượng Nguyễn Văn Toàn, tiểu khu 3 thị trấn Thuận Châu; Lò Văn Phanh, Lường Thị Binh bản Bó Mạ; Lò Văn Inh, Lường Văn Hỏa (Gia) bản Co Quên; Lường Thị Sơ bản Co Kham ngang nhiên cố ý hủy hoại tài sản của gia đình là vườn cà phê (trồng được gần 10 năm và đang cho thu hoạch) phá hoại một số cây đào và một số cây trồng khác.
Ngày 27/12/2019, tại hiện trường vụ việc, trước sự chứng kiến của các ban ngành chức năng, số lượng tài sản của gia đình ông bị thiệt hại được xác định gồm: 56 cây cà phê (trong đó 48 cây bị chặt chụi, 8 cây bị chặt từ 1 đến 3 nhánh); 3 cây đào; (1 cây chặt sát gốc, 2 cây chặt ngang thân)
Một số thông báo kết luật của Cơ quan cảnh sát điều tra huyện Thuận Châu |
Tuy nhiên, cũng theo đơn thư, những số liệu trong biên bản khám nghiệm hiện trường có sự tham gia của nhiều có quan chức năng lại khác với số liệu của thông báo số 1031/TB ngày 13/02/2020 của Cơ quan cảnh sát điều tra huyện Thuận Châu. Trong thông báo chỉ định giá có 36 cây cà phê và 3 cây đào, còn thiếu 20 cây cà phê bị phá hoại lại không được đưa vào?.
"Việc định giá tài sản bị hủy hoại của gia đình tôi mà công an huyện Thuận Châu đã tiến hành là chưa đầy đủ và chưa chính xác, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình tôi", phía gia đình ông Quân viết. "Tôi làm đơn tố cáo hành vi của các đối tượng nêu trên đến công an huyện Thuận Châu và có yêu cầu xác minh, định giá tài sản bị hủy hoại theo qui định của luật tố tụng hình sự để có căn cứ khởi tố vụ án hủy hoại tài sản của người khác cũng như yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại đối với gia đình tôi".
Cơ quan cảnh sát điều tra huyện Thuận Châu có bỏ lọt tội phạm?
Theo những tài liệu, chứng cứ mà Phóng viên Báo Pháp luật Viêt Nam thu thập được, ngày 27/12/2019, tại hiện trường vụ việc, số lượng tài sản bị phá hoại được xác định là: 56 cây cà phê; 3 cây đào; sau đó theo thông báo số 1031/TB ngày 13/02/2020 của Công an huyện Thuận Châu lại chỉ định giá có 36 cây cà phê là 1.857.600 đồng và 3 cây đào giá trị là 90.000 đồng. Như vậy 20 cây cà phê bị phá hoại đã được kiểm đếm trong biên bản khám nghiệm hiện trường không được đưa vào để định giá.
Tiếp đó, ngày 4/3/2020, thông báo về nội dung kết luận định giá tài sản số 1576/TB của Cơ quan cảnh sát điều tra huyện Thuận Châu do trung tá Trần Mạnh Hùng, Phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra huyện Thuận Châu ký nêu rõ với căn cứ bản kết luận định giá tài sản số 11/KL-HĐĐG ngày 16/01/2020 và số 45KL-HĐĐG ngày 20/02/2020 của HĐĐG huỵên Thuận Châu, tổng giá trị của 56 cây cà phê và 3 cây đào của gia đình ông Nguyễn Văn Quân bị huỷ hoại ngày 26/12/2019 là 2.979.600 đồng (hai triệu chín trăm bảy mươi chín nghìn sáu trăm đồng)
Diễn biến khác, thông báo số 1761/TB ngày 24/03/2020 của Cơ quan Cảnh sát điều tra huyện Thuận Châu do trung tá Trần Mạnh Hùng, Phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra huyện Thuận Châu ký nêu rõ xác định Lò Văn Inh, cư trú tại bản Co Quên và Lương Thị Bình, cư trú tại bản Bó Mạ, xã Nong Lay thừa nhận được Nguyễn Đức Toàn, cư trú tại Tiểu Khu 3, thị trấn Thuận Châu thuê chặt phá 36/56 cây cà phê và 3 cây đào với tổng giá trị là 1.947.600 đồng.
Nguyễn Văn Toàn (đội mũ bảo hiểm) cùng nhóm người được cho là ngang nhiên phá hoại tài sản của người dân |
Căn cứ theo kết luận thông báo số 1761/TB ngày 24/03/2020 của Cơ quan cảnh sát điều tra huyện Thuận Châu và đối chiếu với Bộ Luật hình sự năm 2015 thì Nguyễn Văn Toàn và những người còn lại có nhiều dấu hiệu vi phạm theo qui định tại điểm a khoản 2 Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015. (theo quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể là tại Khoản 2 Điều 17 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 thể hiện quy định của pháp luật về khái niệm phạm tội có tổ chức hiểu đơn giản là một hình thức thực hiện hành vi vi phạm pháp luật bởi một nhóm người, có sự liên kết, cấu kết chặt chẽ giữa nhiều người để thực hiện trót lọt một hành vi phạm tội, mang bản chất của hình thức đồng phạm). Phạm tội thuộc nhóm này sẽ bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm
Tiếp đó với kết luận định giá tài sản số 1576/TB của Cơ quan cảnh sát điều tra huyện Thuận Châu thì hành vi trên của Nguyễn Đức Toàn và những người còn lại cũng đang có dấu hiệu vi phạm vào điểm c, d khoản 1 Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015: “1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 3 năm: (điểm c: Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Điểm d: Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ)
Vậy, chiểu theo quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể là tại Bộ luật hình sự 2015, những đối tượng đó vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Dư luận đang hoài nghi về tính minh bạch về pháp lý của vụ việc, có hay không việc để bỏ lọt tội phạm?. Câu hỏi đó dành cho Cơ quan Cảnh sát điều tra huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La.
Báo Pháp Luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.