Công an thụ lý vụ “mất nhà” vì cho người quen đứng tên sổ đỏ ở Tây Hồ (Hà Nội)

(PLVN) - Về vụ việc anh Lương Văn Tòng (ở quận Tây Hồ, Hà Nội) vì cho người quen đứng tên sổ đỏ nhà đất của mình mà bị vợ chồng người quen đem bán nhà “trên giấy” cho người khác, nhiều chuyên gia pháp lý nhận định, hành vi của vợ chồng người quen có dấu hiệu phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. 
Anh Lương Văn Tòng đến Báo PLVN kêu cứu
Anh Lương Văn Tòng đến Báo PLVN kêu cứu

Trong một diễn biến có liên quan, trước phiên tòa phúc thẩm vụ án do có Kháng nghị phúc thẩm đề nghị hủy án của VKSND TP Hà Nội và có kháng cáo của vợ chồng anh Lương Văn Tòng và các đương sự khác, anh Lương Văn Tòng với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đã có đơn xin tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án gửi TAND TP Hà Nội. 

Vợ chồng anh Lương Văn Tòng bên ngôi nhà đã bị người quen đem bán cho người khác
Vợ chồng anh Lương Văn Tòng bên ngôi nhà đã bị người quen đem bán cho người khác 

Lý do anh Tòng xin tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo trình tự phúc thẩm là do trước đó anh Tòng đã gửi đơn tố giác hành vi lừa đảo của vợ chồng người quen đã tự ý bán nhà của anh là ông Hà Quang Lâm và bà Hà Thị Dung; hiện Công an quận Tây Hồ đã thụ lý và đang trong tiến hành điều tra, xác minh đơn tố giác tội phạm. 

Bản án sơ thẩm mắc sai lầm nghiêm trọng, bị kháng nghị xử hủy 

Theo bản án sơ thẩm số 07 ngày 15/11/2018 của TAND quận Tây Hồ, vào năm 2011, anh Lương Văn Tòng mua ngôi nhà diện tích 62m2 tại tổ 34 phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội với giá 5,8 tỷ đồng, đã được cấp sổ đỏ. 

Năm 2013, để thuận tiện cho việc vay tiền làm ăn, anh Tòng đồng ý cho vợ chồng người quen là ông Đàm Quang Lâm và bà Hà Thị Dung đứng tên sổ đỏ nhà đất của mình để nhờ vay tiền hộ. Sau khi việc vay mượn giải quyết xong, anh Tòng cất giữ sổ đỏ nhưng quên chưa sang lại tên mình. 

Đơn của anh Tòng tố giác hành vi chiếm đoạt tài sản gửi Công an quận Tây Hồ
Đơn của anh Tòng tố giác hành vi chiếm đoạt tài sản gửi Công an quận Tây Hồ 

Cuối năm 2014, anh Đàm Quang Dũng (con trai ông Lâm) đến mượn sổ đỏ của anh Tòng. Ngày 29/1/2015, ông Lâm, bà Dung làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) trên cho anh Phạm Tuấn Anh. Do việc mua bán chỉ thực hiện trên giấy, nhà đất từ trước đến nay vẫn do gia đình anh Tòng quản lý, sử dụng nên anh Tuấn Anh khởi kiện yêu cầu ông Lâm, bà Dung bàn giao nhà theo hợp đồng chuyển nhượng, nếu không thực hiện hoặc hủy hợp đồng thì phải bồi thường cho anh Tuấn Anh 6 tỷ đồng. Anh Tòng là người liên quan có yêu cầu độc lập yêu cầu Tòa tuyên quyền sở hữu ngôi nhà là tài sản tranh chấp thuộc về anh và tuyên bác bỏ các yêu cầu của các đương sự khác. 

Bản án sơ thẩm số 07 ngày 15/11/2018 của TAND quận Tây Hồ quyết định: Tuyên bố không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh Tuấn Anh với ông Lâm, bà Dung, tuyên hợp đồng chuyển nhượng giữa ông Lâm, bà Dung với anh Tuấn Anh vô hiệu; chấp nhận yêu cầu độc lập của ông Lâm, bà Dung về việc công nhận hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa ông bà với anh Tòng; buộc gia đình anh Tòng phải bàn giao nhà đất cho ông Lâm bà Dung. Bản án sơ thẩm cũng bác bỏ hoàn toàn yêu cầu của anh Tòng. 

Anh Tòng kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Ngày 17/12/2018, VKSND TP Hà Nội có Quyết định kháng nghị số 05 nhận định bản án sơ thẩm của TAND quận Tây Hồ vi phạm nghiêm trọng về tố tụng, không đánh giá đầy đủ chứng cứ và đề nghị tòa phúc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm để xét xử lại. 

Bản kháng nghị chỉ rõ, nguồn gốc nhà đất trên là của anh Tòng mua năm 2011. Đến cuối năm 2013, anh Tòng vay ông Lâm bà Dung 1,4 tỷ, sau đó ký hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ cho ông Lâm bà Dung mục đích để ông bà đứng tên vay hộ ngân hàng chứ hoàn toàn không có việc mua bán, không có việc giao tiền. Sau đó anh Tòng đã thánh toán hết số tiền cho ông Lâm bà Dung vào cuối năm 2014.

Kháng nghị 05 chỉ rõ: tại biên bản ghi lời khai ngày 18/8/2015, phía bị đơn là ông Lâm, bà Dung khai diện tích nhà đất tại tổ 34 cụm 5 Phú Thượng, Tây Hồ từ trước đến nay vẫn là của anh Tòng trực tiếp quản lý, sử dụng. Do anh Tòng là anh em kết nghĩa với bố mẹ vợ của anh Đàm Quang Dũng (con trai ông Lâm, bà Dung) muốn vay tiền làm ăn với lãi suất ưu đãi nên nhờ ông Lâm bà Dung vay hộ ngân hàng ở Từ Sơn (Bắc Ninh). Để làm tin, tháng 9/2013 anh Tòng làm thủ tục chuyển nhượng sang tên giấy tờ nhà đất của mình cho vợ chồng ông Lâm, nhưng nhà đất anh Tòng vẫn ở, giấy tờ anh Tòng vẫn giữ. 

Công an quận Tây Hồ đã tiếp nhận đơn tố giác tội phạm và mời anh Tòng lên làm việc
Công an quận Tây Hồ đã tiếp nhận đơn tố giác tội phạm và mời anh Tòng lên làm việc 

Cuối năm 2014, việc vay mượn giải quyết xong, anh Tòng nhận lại sổ đỏ nhà đất của mình nhưng vẫn để tên ông Lâm bà Dung mà quên không sang lại tên mình. Một thời gian sau thì anh Đàm Quang Dũng đến mượn anh Tòng sổ đỏ nói là để đi vay tiền. Đầu năm 2015 thì xảy ra sự việc vợ chồng ông Lâm làm hợp đồng chuyển nhượng nhà đất cho anh Phạm Tuấn Anh.

Trước đó anh Tòng gửi đơn tố giác tội phạm lên Công an TP Hà Nội nhưng đơn đã được chuyển về Công an quận Tây Hồ giải quyết theo thẩm quyền
Trước đó anh Tòng gửi đơn tố giác tội phạm lên Công an TP Hà Nội nhưng đơn đã được chuyển về Công an quận Tây Hồ giải quyết theo thẩm quyền 

Kháng nghị số 05 cũng phân tích: Tại phiên tòa sơ thẩm, anh Đàm Quang Dũng thừa nhận lấy sổ đỏ từ tay anh Tòng. Anh Tòng còn xuất trình được tài liệu chứng cứ là 4 chứng từ giao dịch nộp tiền vào tài khoản bà Dung (đây là số tiền anh Tòng khai nợ ông Lâm bà Dung năm 2014) nhưng HĐXX không xem xét để đánh giá chứng cứ là không khách quan, toàn diện. Do đó, có cơ sở xác định hợp đồng chuyển nhượng đất giữa anh Tòng với ông Lâm bà Dung là giao dịch giả tạo để che dấu việc vay mượn tiền giữa các bên. Việc tòa án tuyên không chấp nhận yêu cầu của anh Tòng, không xác định đây là giao dịch vô hiệu do giả tạo, không giải quyết hậu quả giao dịch vô hiệu là không chính xác.

Vụ án có dấu hiệu hình sự, Công an vào cuộc điều tra 

Theo dõi diễn biến vụ việc, Luật sư Đỗ Thúy Phượng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định, hành vi của vợ chồng ông Lâm, bà Dung có dấu hiệu phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Cụ thể, hành vi của vợ chồng ông Lâm có dấu hiệu “nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp…” theo quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015. Ở đây, vợ chồng ông Lâm (và con trai là anh Dũng) đã lạm dụng việc được anh Tòng cho ông Lâm bà Dung đứng tên trong giấy tờ sổ đỏ nhà đất của anh Tòng để họ tự ý làm hợp đồng chuyển nhượng nhà đất của anh Tòng cho anh Tuấn Anh; cần lưu ý, theo điều luật quy định thì hành vi lạm dụng chiếm đoạt tài sản ở đây ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng vì tài sản bị chiếm đoạt trị giá nhiều tỷ đồng.

Dấu hiệu của hành vi vi phạm pháp luật hình sự thể hiện rất rõ trong diễn biến khách quan của vụ án. Tại Biên bản ghi lời khai ngày 18/8/2015 có trong hồ sơ vụ án, ông Lâm bà Dung thừa nhận vợ chồng họ chỉ là người đứng tên “trên giấy” để tiện cho việc vay mượn hộ anh Tòng. Sau đó ông Lâm bà Dung bất ngờ thay đổi lời khai, cho rằng việc họ đứng tên sổ đỏ nhà đất trên là do họ đã làm thủ tục mua ngôi nhà của anh Tòng, tuy nhiên họ khai “không nhớ” và cũng hoàn toàn không đưa ra được các chứng cứ thể hiện việc mua bán như mua với giá bao nhiêu tiền, thanh toán tiền làm mấy đợt, trả vào những ngày nào.v.v. 

Những sai phạm nghiêm trọng về nội dung và tố tụng của vụ án dân sự này đã được Kháng nghị số 05 ngày 18/12/2018 phân tích rõ và đề nghị cấp phúc thẩm hủy án. Tuy nhiên, anh Lương Văn Tòng cho biết do vụ án có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự nên anh đã có đơn gửi Công an quận Tây Hồ tố giác hành vi chiếm đoạt tài sản của ông Lâm, bà Dung. Hiện Công an quận Tây Hồ đã có giấy mời anh Tòng lên làm việc và giao nộp chứng cứ. Anh Tòng cũng đã có đơn xin tạm đình chỉ việc giải quyết vụ tranh chấp theo trình tự phúc thẩm để chờ kết quả điều tra của Công an quận Tây Hồ.

Báo PLVN sẽ trở lại vụ việc khi có thông tin mới./.

Đọc thêm